Vốn ngoại “đổ” vào bất động sản

Cập nhật 31/07/2015 10:59

Quy định cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã thổi luồng gió nóng vào thị trường bất động sản (BĐS). Người nước ngoài đã quay trở lại khi nguồn vốn FDI trong lĩnh vực địa ốc trong 7 tháng đầu năm lên đến gần 1,7 tỷ USD, chiếm 20% nguồn vốn FDI,  hứa hẹn một viễn cảnh tươi sáng của chu kỳ tăng trưởng mới sau thời gian dài “ngủ đông”.

Tại Hội thảo BĐS năm 2015 vừa qua, Winfield K Wong (Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng toàn cầu - Ngân hàng HSBC Việt Nam) nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút tốt lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian vừa qua, những nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả Hoa Kỳ cũng đang tập trung vốn đầu tư xây dựng hạ tầng. Còn các nhà đầu tư của Singapore và một số nước ASEAN khác hiện đang tập trung vào lĩnh vực bất động sản nội địa.

Dòng tiền đã chảy mạnh

Sau khi chính thức thu hồi 5 dự án “ngâm” ven biển, Đà Nẵng cũng bắt đầu tái khởi động để thu hút vốn FDI vào thị trường BĐS, được xem là miền đất hứa của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những tháng đầu năm 2015, Đà Nẵng có 25 dự án FDI đầu tư BĐS – du lịch với tổng số vốn đạt khoảng 1,815 tỷ USD (chiếm 53,55% tổng vốn đầu tư). Đây là tín hiệu rất khả quan.

Những tập đoàn lớn như Amata (Thái Lan), Sembcorp (Singapore), Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc),... tiếp tục công bố thông tin rót vốn hợp tác cùng với các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển BĐS ở nhiều tỉnh, thành phố. Tại TPHCM, Công ty CP TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân (HQC) vừa ký kết hợp tác đầu tư với Quỹ Đầu tư Tập đoàn Global Emerging Market (GEM) của Mỹ với tổng giá trị cam kết là 20 triệu USD.

Công ty TNHH Liên danh Empire City cam kết bỏ ra 1,2 tỷ đô la Mỹ để xây dựng khu phức hợp tháp quan sát (Empire City) gồm tòa nhà cao 86 tầng, khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ibeworth Pte. Ltd, một công ty thuộc quyền kiểm soát 100% của Keppel Land Limited (tập đoàn phát triển bất động sản hàng đầu Singapore) đã hoàn tất thương vụ 140 tỷ đồng mua 7,1 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Nam Long, đơn vị nắm giữ hơn 567 ha quỹ đất. VinaCapital rót 15 triệu USD vào Tập đoàn Novaland. Warburg Pincus đầu tư thêm 100 triệu USD vào Vincom Retail nâng tổng giá trị quỹ đầu tư này đang đầu tư lên tới 300 triệu USD.

Điều đáng chú ý là dòng vốn chảy mạnh vào BĐS từ Nhật. Sau các dự án hạ tầng giao thông, người Nhật đã bắt đầu chú ý đến thị trường BĐS tại Việt Nam. Dự án Tokyu Bình Dương được xem là sự hợp tác điển hình giữa Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) và Becamex IDC với số vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD. Một tập đoàn khác là Takashimaya vừa đề xuất đầu tư dự án Trung tâm Thương mại gần chợ Bến Thành với số vốn 6.000 tỷ đồng. Quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản lại tiếp tục gây bất ngờ cho thị trường khi họ ký kết hợp tác với An Gia Investment với cam kết 200 triệu USD cho một dự án BĐS tại TPHCM. Trước đó, nhà đầu tư này cũng đã chi 70 triệu USD để đầu tư dự án CitiGate (quận 8, TP HCM).

Với thị trường Hà Nội, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài bắt đầu thể hiện rõ tham vọng vào thị trường BĐS. Goldman Sachs và Quỹ đầu tư Qatar Investment Authority đang chuẩn bị mua lại tòa nhà Keangnam Landmark 72 tầng tại Hà Nội với giá 770 triệu USD.

Thống kê từ NHNN cho biết, tín dụng BĐS đạt tới 330.000 tỷ đồng (tính đến ngày 25-6-2015), chiếm tỷ trọng 8,3% tổng dư nợ, tăng tới 10,89% so với đầu năm, tăng nhẹ 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng mạnh đến 70% so với đầu năm 2012. Cùng với nguồn cung tín dụng, vốn FDI, lượng kiều hối đầu tư vào BĐS cũng chiếm từ 17% đến 20% tổng lượng kiều hối về Việt Nam. Nếu tính bình quân 20% trong 12 tỷ kiều hối về Việt Nam, mỗi năm thị trường BĐS sẽ hấp thụ khoảng 2,4 tỷ USD.


Những tháng đầu năm 2015, Đà Nẵng có 25 dự án FDI đầu tư BĐS – du lịch với tổng số vốn đạt khoảng 1,815 tỷ USD.

Kỳ vọng khởi sắc

Có nhiều nguyên nhân khiến dòng vốn ngoại đổ vào thị trường BĐS những tháng gần đây. Trước hết, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và hội nhập sâu rộng trong bối cảnh Chính phủ đang đàm phán gần xong Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), mở ra cơ hội rất lớn cho nhiều nhà đầu tư lớn của quốc tế.

Thứ hai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 cho phép người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam khiến các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản bắt đầu quay trở lại Việt Nam.

Thứ ba, dân số Việt Nam trẻ và đông hơn so với các nước cùng khu vực trong điều kiện số lượng nhà ở vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế, đây sẽ là nguồn cầu chính để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển mạnh trong thời gian tới.

Cuối cùng, một nguyên nhân có tính quy luật, cần chú ý là thị trường bất động sản đang bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trưởng trở lại sau một thời gian dài “ngủ đông”. Có thể nói, các nhà đầu tư, các quỹ nước ngoài đã không bỏ lỡ cơ hội, tận dụng thời cơ để đón “điểm rơi” này.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 7 tháng đầu năm 2015, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 8,8 tỷ đô la Mỹ, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, trong cùng thời gian trên, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 7,4 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2014. Nhận định về xu thế đầu tư BĐS trong tương lai, GS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT) cho rằng, vốn ngoại đổ dồn vào BĐS cho thấy các nhà đầu tư đang ngày càng thực tế hơn trong bối cảnh nhu cầu nhà ở ngày càng tăng mạnh.

Có thể nói, đây là dấu hiệu đáng mừng khi nguồn vốn ngoại quay trở lại thị trường Việt Nam. Theo dự báo của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, vốn FDI vào BĐS sẽ tiếp tục tăng mạnh. Cho dù nỗi lo “bong bóng” BĐS đang được đặt ra, song kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ, ổn định của thị trường vẫn không giảm. Liệu rằng, từ nay đến cuối năm, nhờ vào sự “kích hoạt” của nguồn vốn nước ngoài, thị trường BĐS sẽ thoát khỏi cơn “bĩ cực”, hồi sinh để trở về với giá trị cốt lõi là tăng trưởng bền vững theo đà phục hồi của nền kinh tế?


DiaOcOnline.vn - Theo CA Đà Nẵng