Vốn nằm chờ... đất

Cập nhật 09/01/2009 10:55

Nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã bố trí được vốn, song đến nay lại chưa có đất để triển khai. Vướng mắc này do đâu?

Theo tiến độ cam kết tại Giấy chứng nhận đầu tư được cấp vào tháng 11/2007, Dự án khu dân cư Long Tân - Phú Hội tại Nhơn Trạch, Đồng Nai sẽ hoàn thành giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) trong năm 2008 để có thể triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng vào năm 2009.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial vẫn đang trong giai đoạn lập dự án đền bù, GPMB. Với tình hình này, nhiều khả năng, tiến độ thực hiện dự án sẽ bị chậm lại đáng kể.

Ngay trong tháng 12/2008, Công ty cũng đã phải nộp hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cục bộ Dự án do nội dung quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Nhơn Trạch mà UBND tỉnh đã phê duyệt không khớp với nội dung điều chỉnh quy hoạch chung Khu đô thị mới Nhơn Trạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện Taekwang Vina Industrial đang chờ ý kiến thẩm định của UBND tỉnh Đồng Nai.

Hơn thế, theo Taekwang Vina Industrial, tiến độ triển khai Dự án còn phụ thuộc vào tiến độ GPMB của Hội đồng bồi thường huyện Nhơn Trạch sau khi việc cắm mốc ranh giới 56 ha của Dự án đã được thực hiện vào tháng 4/2008. Đây không phải là trường hợp cá biệt. Ngay trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư hạn hẹp hiện nay, khá nhiều nhà đầu tư cho biết đã có vốn sẵn sàng trong ngân hàng với những hợp đồng ký kết vay vốn, song tiến độ GPMB quá chậm. Sự chậm trễ này không chỉ ảnh hưởng tới tiến độ của Dự án, mà còn làm giảm uy tín của nhà đầu tư với các đối tác của họ.

Tiến độ của Dự án công viên Yên Sở (Hà Nội), theo báo cáo của Công ty Gamuda Land Việt Nam (chủ đầu tư), rất có thể sẽ khó hoàn thành giai đoạn I trước ngày 10/10/2010 như cam kết tại Giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy, nhiều khả năng, Hà Nội lại có thêm một dự án nữa không kịp khánh thành vào dịp Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội như dự kiến.

Lý do chính cũng bởi tiến độ chậm và tính phức tạp trong công tác GPMB. Trong tổng số khoảng 322 ha đất của Công viên Yên Sở, hiện mới có 116 ha đã được đền bù, GPMB. Đại diện của Gamuda Land Việt Nam cho biết, sự chậm trễ này còn có cả những lý do không đáng có do sự phối hợp chưa tốt giữa cấp bộ và sở trong khâu trình duyệt đồ án quy hoạch.

Đây là một phần lý do khiến Công ty này đang kiến nghị có được một chủ trương chấp thuận đặc biệt từ phía cơ quan có thẩm quyền để sớm có mặt bằng. Hiện tại, Gamuda Land Việt Nam cũng đang phải chờ đợi để hoàn thành các thủ tục xin giấy phép xây dựng, vì giấy phép này phụ thuộc vào việc hoàn thành đền bù GPMB và cấp hợp đồng thuê đất. Đương nhiên, công tác thi công cũng buộc phải chờ đợi các thủ tục này.

Điều đáng nói là phía Công ty Gamuda Land Việt Nam cho rằng, nếu thủ tục hành chính tiến hành nhanh gọn, đúng tiến độ thì trong năm 2008, họ có thể đã giải ngân được tới 150 triệu USD, thay vì vẻn vẹn 11,9 triệu USD trên thực tế. Và nếu được như vậy thì dự án, với tổng vốn 846 triệu USD này, sẽ tăng thêm hiệu quả lan toả vốn đang rất cần vào giai đoạn hiện nay.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, vào cuối tháng 12/2008, khi trao đổi với PV, ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhắc tới những đại dự án bất động sản của các nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đất tại TP.HCM. Nếu những nhà đầu tư này tìm được những diện tích đất phù hợp với mục tiêu kinh doanh của họ, thì nguồn vốn để triển khai dự án của các nhà đầu tư gần như có thể nói là sẵn sàng.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp FDI thừa nhận đang gặp khá nhiều khó khăn về nguồn vốn, song con số 11,5 tỷ USD giải ngân của các dự án FDI năm 2008, tăng 43,2% so với năm 2007 đã cho thấy, không ít tín hiệu lạc quan. Theo ông Trần Đình Thiên, quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thì nguồn vốn vẫn đang nằm ở đâu đó và nhà đầu tư không thể để vốn bị chôn lại.

Điều họ cần là một môi trường kinh doanh thuận lợi và đủ sức hấp dẫn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Như vậy, có thể nói tốc độ triển khai dự án đang là một trong những thước đo quan trọng để nhà đầu tư tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư