Chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam đã tăng cao kỉ lục: Hơn 22 tỷ USD (tức gần bằng tổng lượng FDI của cả năm 2007 cộng lại). Bên cạnh niềm phấn khởi về sự tăng trưởng vượt bậc này, thì hiện cũng đã hình thành những băn khoăn xung quanh việc, liệu lượng vốn đồ sộ này có thực sự tốt và hiệu quả.
Liên tiếp từ đầu năm đến nay, hàng loạt những dự án tiền tỷ đôla đã ồ ạt đổ vào Việt Nam. Những siêu dự án tỷ đô này đều tập trung vào lĩnh vực bất động sản, du lịch. Thị trường BĐS Việt Nam chắn chắn sẽ sôi động hơn nhiều bởi sự có thêm ngày một nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia. Các vấn đề từ: qui hoạch, kiến trúc, xây dựng cho đến công tác quản lý, kinh nghiệm kinh doanh đều là những cơ hội đáng để các doanh nghiệp Việt Nam lưu tâm học tập.
Và ít nhất, nguồn cung cho thị trường bất động sản tại Việt Nam hiện đang rất thiếu, sẽ được bổ sung thêm, đa dạng hơn với những tiêu chuẩn quốc tế mà nếu đầu tư bằng nội lực, phải mất hàng chục năm nữa Việt Nam mới có được.
Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KHĐT cho biết: "Các dự án BĐS nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo ra những động lực cho nền kinh tế, đồng thời khắc phục những hạn chế của chúng ta, chẳng hạn như trong lĩnh vực cao ốc, văn phòng cho thuê, khách sạn, chung cư cao cấp".
Tuy nhiên, đằng sau sự vui mừng với lượng vốn khổng lồ hàng tỷ đôla đổ vào Việt Nam là hàng loạt các vấn đề đặt ra. Chẳng hạn, câu chuyện không chỉ là vị thế của các doanh nghiệp BĐS trong nước đang ngày càng bị lép vế.
Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Chúng ta sẽ lâm vào tình cảnh là khách trên chính đất của chúng ta. Điều đáng lo hơn nữa là các dự án BĐS nước ngoài sẽ phá vỡ qui hoạch của cả một vùng, thậm chí một quốc gia".
Chưa dừng lại ở đó, điều đáng lo ngại nhất chính là số vốn hàng tỷ đôla có là vốn thực hay chỉ là vốn ghi danh. Đã có trường hợp, chủ đầu tư huy động vốn từ chính người Việt Nam hoặc tìm cách bán, sang nhượng dự án để kiếm lời trước mắt.
Ông Vũ Quý Hà, Phó TGĐ Tổng công ty Vinaconex: "Quan trọng là vốn đầu tư của họ có được triển khai và giải ngân đúng với cam kết hay không. Còn nếu chỉ là để chiếm đất, rồi chờ cơ hội mua đi bán lại dự án, hoặc bán cho người dân với giá cao, thì e rằng, đó là những dự án mang tính đầu cơ nhiều hơn là đầu tư".
Theo VTV