Vốn FDI đi về đâu? Bài 2: Vốn nhiều... “tiêu” chậm!

Cập nhật 29/04/2009 14:30

Sau 20 năm, giải ngân vốn FDI chưa tới 40%. Năm khủng hoảng tài chính - 2009, thêm nhiều dự án có nguy cơ… đóng băng! Giải pháp nào cho “bài toán” giải ngân?

“Hấp thụ” chậm = “xí” đất?!

Theo thống kê, không tính ở HEPZA (các khu công nghiệp - khu chế xuất TPHCM), vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào TPHCM trong 20 năm qua đạt gần 26 tỷ USD. Nhưng tính đến đầu năm 2009, số vốn đã thực hiện được chỉ 10,1 tỷ USD, đạt 39,62% tổng vốn đăng ký. Lý giải của các sở ngành về nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là chuyện… cũ rích!

Nào là do chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá cao bởi ảnh hưởng của giá nhà đất “bong bóng” trong những năm vừa qua, do nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được nhu cầu, do hạ tầng giao thông kém ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân…

Và nay, với nhiều lý do môi trường đầu tư không còn thuận lợi, cơ hội sinh lời không cao, thời gian thu hồi vốn không nhanh như trước, các dự án đầu tư trong khu công nghiệp không còn được ưu đãi thuế nên không còn hấp dẫn nhà đầu tư… càng khiến các dự án bị trì trệ. Thế nhưng, nhìn các dự án đất rộng lớn đang “ngủ yên” và giá cả vẫn còn cao, khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng nhà đầu tư khó khăn thực sự hay “xí” đất để dành. Hiểu theo cách nào thì việc tiến độ đầu tư chậm ở các dự án cũng làm cản trở sự phát triển của TP.

Sau khi khảo sát tại một số dự án lớn của TPHCM - nơi được coi là tấc đất tấc vàng - chúng tôi thấy rằng, dự án nhiều nhưng giải ngân đạt quá thấp. Cụ thể, khu Thủ Thiêm có 2 dự án FDI với tổng vốn trên 600 triệu USD, dù đã “động thổ” từ giữa năm 2008 nhưng đến giờ chỉ mới giải ngân được 51 triệu USD.

Còn Ban quản lý Khu Tây Bắc cho biết, khu có 2 dự án với tổng vốn đăng ký trên 3,5 tỷ USD, đã qua 2 năm thực hiện, đến giờ chỉ mới giải ngân được… 37 triệu USD, tức khoảng 1% vốn đăng ký. Trong khi ở đó có dự án của Berjaya với số vốn đăng ký cực lớn, diện tích đất cũng lên hàng trăm ha ngay ở Hóc Môn nhưng đến giờ tiến độ đầu tư vẫn… rùa bò. Đó là chưa kể, đơn vị này còn đăng ký tiếp một dự án “đất vàng” ngay trung tâm thành phố. Nhưng giờ gần như vẫn chưa động tĩnh.

Giải “bài toán” giải ngân


Tình trạng giải ngân chậm không phải là chuyện cá biệt ở TP. Theo khảo sát của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) thì tình hình giải ngân trong quý 1-2009 rất khó khăn, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong quý 1, một số tỉnh lân cận TPHCM được coi là diện “top” về thu hút FDI thì mức giải ngân cũng đạt rất thấp. Cụ thể, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ mới giải ngân được 210 triệu USD, Đồng Nai 200 triệu USD, Bình Dương 60 triệu USD… Vì thế, chỉ tiêu giải ngân của cả nước trong năm 2009 lên đến 11 tỷ USD là khó có thể thực hiện.

Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đề nghị, để giải ngân nhanh đồng vốn, lãnh đạo địa phương phải theo sát, rà soát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để “kích” các dự án chuyển động. Bởi qua khảo sát thực tế, những địa phương nắm sát, nắm rõ từng dự án thì tiến độ giải ngân đạt con số cao.

Ở khu công nghệ cao có 19 dự án FDI (vốn 1,4 tỷ USD) thì đến nay đã giải ngân đạt 72% vốn đăng ký. Tình hình thực hiện các dự án gồm: 10 dự án đang sản xuất, 6 dự án đang xây dựng cơ bản và 3 dự án đang trì trệ. Vì vậy, Ban quản lý đang lao vào cuộc và kiến nghị TP tìm cách giải quyết. Để đẩy các dự án FDI thực hiện và giải ngân nhanh, ông Phan Hữu Thắng đề nghị, lãnh đạo TP rà soát lại và chọn khoảng 50 dự án trọng điểm để tập trung giải quyết, hỗ trợ, giúp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Từ thực tế đơn vị mình, ông Hứa Ngọc Thuận, Trưởng BQL khu Nam cho biết, hiện khu có dự án với diện tích 32 ha nhưng do công tác đền bù gặp nhiều khó khăn nên đến nay nhà đầu tư chỉ mới đền bù, giải tỏa được 5 ha và không thể triển khai thực hiện dự án được. Ông đề nghị, TP cấp giấy chứng nhận đầu tư từng phần cho những dự án đầu tư lớn để nhà đầu tư có thể liên doanh, liên kết thực hiện từng hạng mục theo kiểu cuốn chiếu, để đẩy nhanh tiến độ “hấp thụ” vốn.

Thực tế có nhiều dự án lớn, đến hàng trăm ha đất mà chờ giải tỏa toàn bộ thì rất lâu (vì công tác đền bù, giải tỏa thường gặp vướng mắc, kéo dài thời gian), như vậy, tiền không lưu thông được. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín cho biết, TP sẽ rà soát và tập trung giải quyết các vướng mắc cho các nhà đầu tư, quyết tâm đẩy nhanh khả năng hấp thụ nguồn vốn FDI trong thời gian tới.

Tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn FDI

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 7-4-2009 của Chính phủ về định hướng, giải pháp thu hút và quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới, UBND TPHCM vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung khắc phục các mặt tồn tại của môi trường đầu tư nhằm tận dụng cơ hội thu hút FDI.

Theo đó, Sở KH-ĐT chủ trì việc rà soát các quy định, ưu đãi về đầu tư-kinh doanh còn chồng chéo, chưa phù hợp với cam kết WTO và đề xuất điều chỉnh hoặc kiến nghị bộ ngành trung ương xem xét điều chỉnh; đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sở KH-ĐT cũng chủ trì việc cập nhật và bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư cho phù hợp với tình hình mới.

Sở TN-MT chỉ đạo tổ chức việc giải phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư theo đúng cam kết; tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích hoặc không hiệu quả, kiên quyết thu hồi đất và giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sai phạm.


>Bài 1: “Con tàu” FDI đã đi đúng hướng

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng