Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển TPHCM. Tính từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987) đến nay, TPHCM luôn là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI của cả nước. Thế nhưng, nguồn vốn đi về đâu, hiệu quả thế nào… là vấn đề “nóng” đang được đặt ra.
Đổ vào dịch vụ “cao”
Qua 20 năm triển khai thu hút vốn FDI, TPHCM hiện có hơn 3.100 dự án còn hiệu lực (chiếm 87% tổng dự án đã đăng ký) với số vốn đăng ký gần 26 tỷ USD. Giai đoạn “hưng thịnh” dòng vốn đổ vào ào ạt nhất là từ năm 2006 đến năm 2008 (thời điểm VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - WTO) với con số đầu tư đạt mức kỷ lục: 1.281 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 12 tỷ USD (về số dự án tăng bình quân 17%/năm nhưng về vốn tăng đến 134%/năm).
Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu vốn, có đôi chút băn khoăn. Trong khi chúng ta mong đợi dòng tiền FDI đổ vào các ngành công nghiệp và dịch vụ để tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội thì những năm gần đây, nguồn này lại chảy vào các dự án bất động sản, đẩy giá bất động sản trở thành bong bóng, làm rối loạn thị trường. “Nóng” nhất là trong năm 2008, tổng vốn FDI đổ vào bất động sản đến gần 3 tỷ USD, chiếm đến 35% tổng vốn đầu tư.
Tuy thế, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM Thái Văn Rê vẫn tự tin nhận định: Nhìn cả quá trình 20 năm qua, “vốn FDI đã “đi” đúng hướng, góp phần trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP”.
Ông chứng minh, vốn vào khu vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, tập trung vào 2 ngành kinh doanh bất động sản (gồm 792 dự án - chiếm 25% tổng số dự án, với 7,15 tỷ USD - chiếm 27,8% về vốn) và các ngành dịch vụ (952 dự án - chiếm 30%, 11 tỷ USD - chiếm 43% tổng vốn đầu tư). Nếu xét cơ cấu vốn ở từng ngành thì cũng thấy số dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ ngày càng gia tăng. Cụ thể, vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 36,3%, nông lâm thủy sản chiếm 0,28%, kinh doanh bất động sản chiếm 14,9%, phần còn lại (48,5%) là các ngành dịch vụ khác.
Về góc độ hiệu quả kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín cho rằng, nguồn vốn FDI đã trở thành động lực, tạo ra “cú hích” cho tăng trưởng kinh tế. TP đã có nhiều công trình, dự án hiện đại, trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế từ nguồn vốn FDI. Cụ thể như các dự án đầu tư sản xuất vi mạch điện tử của tập đoàn Intel (vốn đăng ký 605 triệu USD, nay tăng lên thành 1,4 tỷ USD); khu đô thị đại học quốc tế Berjaya (vốn đăng ký 3,5 tỷ USD); khu công viên phần mềm Thủ Thiêm (vốn đăng ký 1,2 tỷ USD).
Ngoài ra, các dự án FDI cũng góp phần phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Đặc biệt, việc phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp đã biến đổi trên 3.500 ha từ đất nông nghiệp hoang hóa, nhiễm mặn, nhiễm phèn, năng suất thấp thành đất công nghiệp có đủ cơ sở hạ tầng dịch vụ, giải quyết nhiều lao động cho TP và các tỉnh. Các dự án này đã đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, giúp TPHCM đạt tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước (dự kiến năm 2010 đạt 58% và 2025 đạt 77%- 80%).
Đừng để “vốn đi trước, quy hoạch lướt thướt... theo sau”!
Thế nhưng, giá đất căng như bong bóng vừa qua cũng có nguyên nhân từ việc thiếu kiểm soát, dẫn đến để “nở” ra quá nhiều dự án bất động sản. Do vậy, thời gian tới, việc xúc tiến đầu tư sẽ điều chỉnh theo hướng tập trung vào những ngành nghề có giá trị gia tăng, phục vụ cho cộng đồng cao. Đồng thời, trước tình trạng nan giải về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… mà nguyên nhân có phần do thiếu sót của các ngành trong công tác quy hoạch, định hướng, nay trở thành “rào cản” trong thu hút đầu tư.
Công ty Nidec (Nhật Bản) tại Khu công nghệ cao TPHCM,
sản xuất linh kiện máy tính xuất khẩu. Ảnh: Thành Tâm.
Qua 20 năm triển khai thu hút vốn FDI vào TPHCM: Số dự án có vốn dưới 1 triệu USD chiếm 61,13% tổng số dự án còn hiệu lực; vốn từ 1 - 10 triệu USD chiếm 29,67% và vốn trên 10 triệu USD chiếm 9,2%.
Về hình thức đầu tư, 100% vốn nước ngoài chiếm gần 74% số dự án, 24% là liên doanh và 2% là hợp tác kinh doanh. Hồng Công là vùng lãnh thổ có tổng vốn đầu tư vào TPHCM cao nhất với 3,4 tỷ USD (chiếm 15,9%), kế đến là Hàn Quốc với 2,7 tỷ USD (chiếm 12,7%) và Singapore 1,96 tỷ USD (chiếm 9,2%). (Nguồn: Sở KHĐT TPHCM)
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng