Lượng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đã tăng trở lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn khó khăn như hiện nay, vốn FDI đổ vào bất động sản tiếp tục tăng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, gây tác động xấu đến nền kinh tế.
Vốn FDI đầu tư vào bất động sản tăng là "mối nguy" của nền kinh tế? Nguồn: internet
|
Theo Báo cáo từ Cục Đầu tư Nước ngoài, chín tháng qua, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã tăng cường chảy vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản và đứng thứ hai với 27 dự án đầu tư đăng ký mới và tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư đăng ký trong cả nước. Xu hướng này dự báo sẽ còn mạnh mẽ hơn trong giai đoạn cuối năm 2014.
Tuy nhiên, có một thực tế là thị trường bất động sản trong nước vẫn chưa thể "tiêu hóa", thậm chí là vẫn dồn ứ những "siêu" dự án bất động sản tỷ đô của thời kỳ cấp phép nhiều. Trong đó, có không ít dự án vốn FDI được khởi động vào thời điểm "hoàng kim" của thị trường bất động sản. Có thể kể tới hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang bị bỏ hoang dọc bờ biển miền Trung, những sân golf chỉ ở trên giấy hay các dự án khu đô thị vẫn đang dang dở tại Hà Nội. Trong khi hiện nay, thị trường bất động sản nước ta đang thiếu các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội thì dòng vốn FDI lại không chảy vào những phân khúc này.
Bên cạnh đó, theo thống kê trong 3 năm trở lại đây cho thấy, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vốn đã thu hút ít lượng vốn FDI và ngày càng có xu hướng suy giảm. FDI vào nông nghiệp đã giảm 30 lần trong vòng 15 năm qua. Trong khi, nông nghiệp vẫn được coi là ngành kinh tế chủ lực của nước ta, bất động sản được chú trọng đầu tư vốn FDI thì không ít lần bị đánh giá là "mối nguy", tác động xấu tới nền kinh tế. Trong khi đó, các dự án bất động sản thường tập trung nhiều ở các khu đô thị, khu công nghiệp, có nghĩa là phần lớn đất lấy thực hiện dự án chính là đất nông nghiệp. Thực tế nhiều năm qua cho thấy hậu quả của tình trạng lấy đất nông nghiệp làm dự án đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn khó khăn như hiện nay, vốn FDI đổ vào bất động sản tiếp tục tăng còn dẫn đến hệ lụy khác là cân đối ngoại tệ phức tạp khi các nhà đầu tư nước ngoài chuyển vốn, thu nhập hợp pháp ra nước ngoài. Đó là chưa kể tới, các dự án bất động sản thường chiếm một diện tích đất lớn hơn các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất khác.
Trong bối cảnh nguồn cung bất động sản tiếp tục tồn đọng, nguồn cầu cũng chưa mấy khả quan, tại sao các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất hào hứng với thị trường bất động sản Việt Nam? Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, dù thị trường bất động sản nước ta còn trầm lắng nhưng các nhà đầu tư ngoại vẫn tìm thấy cơ hội trong khó khăn vì thị trường căn bản vẫn tiếp tục phát triển.
Ngoài ra, các nhà đầu tư ngoại thường đầu tư theo kiểu đón đầu, chờ giai đoạn phục hồi trong vài năm tới. Công bằng, phải thừa nhận rằng nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản cũng đã ít nhiều giúp thị trường chuyển động. Số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, dã có 10% trong tổng số 5,7 tỷ USD vốn FDI được giải ngân trong nửa đầu năm 2014, trong đó có các dự án trung tâm thương mại, nhà thương mại, resort và nhiều dự án bất động sản khác được chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thế nhưng, bài học về những hậu quả của việc bằng mọi giá mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn hiển hiện. Do đó, việc thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản cần căn cơ và thực chất hơn, cơ chế cấp phép - thu hồi cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc.
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản đã chứng kiến nhiều dự án ngàn tỷ có vốn đầu tư nước ngoài mới chỉ được thực hiện một phần nhỏ rồi bỏ hoang còn lại cỏ mọc xanh um, có dự án vẫn chỉ “đứng hình” ở tầng 6 sau 5 năm xây dựng… Có thể kể đến một vài dự án điển hình như siêu dự án Daewoo Cleve nằm trong khuôn viên khu đô thị Văn Phú ở Hà Đông (Hà Nội) hiện vẫn đang “đứng hình” ở tầng 6 sau gần 5 năm xây dựng.
Nổi danh là “siêu” dự án căn hộ phía Tây Hà Nội một thời, dự án Daewoo Cleve do Tập đoàn Inpyung (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, với số vốn đầu tư lên hơn 421 triệu USD. Thế nhưng, hai tòa nhà đầu tiên nói trên chỉ được xây đến tầng 6 rồi “đứng hình” cho đến nay vẫn chưa tái khởi động dù chủ dự án đã nhiều lần “hứa”, nhất là sẽ cố gắng hoàn thiện hai tòa CT2 A và CT2 B vào quý II/2014. Thế nhưng, hiện dự án vẫn “đắp chiếu”, công trường hoang vắng, không một bóng công nhân, bên trong cỏ đã mọc xanh um.
Khu chung cư quốc tế Booyoung được chủ đầu tư là Công ty TNHH Booyoung (Hàn Quốc) khởi công từ tháng 2/2007. Tọa lạc tại vị trí khá đắc địa tại quận Hà Đông (Hà Nội) với mặt tiền đường Nguyễn Trãi, ngay bên trái đường vào Khu đô thị Mỗ Lao, kề cận khu Làng Việt kiều Châu Âu, Booyoung Vina được xem là 1 dự án FDI rất tiềm năng khi có tổng mức đầu tư lên tới 171 triệu USD, thời bấy giờ.
Thế nhưng, ngay sau khi khởi công rầm rộ thì dự án lại nhanh chóng “bất động”. Toàn bộ khu đất dự án được quây tôn kín, hoang tàn, không một bóng dáng công nhân. Đột nhiên, tháng 7/2011, dự án được “tái khởi động” bằng việc khởi công một khu chung cư. Tuy nhiên, ngay sau đó, lại tiếp tục đóng cửa bỏ hoang. Tính đến nay đã hơn 7 năm kể từ ngày khởi khởi công, dự án vẫn im lìm với những khu đất trống chỉ để cỏ mọc cùng một vài cần cẩu vẫn đứng trơ trọi dưới trời mưa nắng…
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh doanh & Pháp luật