Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu chủ đầu tư phải có báo cáo giải trình cho Thường trực Thành ủy và Chính phủ vì sao kinh phí xây dựng dự án lại chênh lệch quá cao.
Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu là 1,09 tỉ USD (vốn ODA từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản chiếm 83%) và hiện đang triển khai các bước thi công. Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị vừa trình UBND TPHCM về việc tăng vốn đầu tư dự án từ 1,1 tỉ USD lên 2,3 tỉ USD, một mức tăng “chóng mặt”.
Ba gói thầu phải điều chỉnh
Theo báo cáo của UBND TPHCM gửi Thủ tướng Chính phủ, quá trình tính toán lại giá của các gói thầu cho thấy nhu cầu vốn tăng lên rất nhiều do tăng khối lượng xây dựng. Cả dự án có 4 gói thầu chính thì hết 3 gói thầu phải điều chỉnh vốn. Cụ thể, ở gói thầu số 1 (xây dựng đoạn đi ngầm), tăng chiều dài đào hở tại các ga ngầm, mở rộng các ga ngầm, bổ sung một số hạng mục trước đây chưa dự trù như rà phá bom mìn, tạo cảnh quan kiến trúc, thiết bị thay thế, thiết bị dự phòng...
Gói thầu số 2 (xây dựng đoạn đi trên cao và depot) tăng khối lượng xây dựng cho phù hợp với điều kiện khảo sát địa chất đã được khảo sát bổ sung, tăng khối lượng xây dựng nhà ga Tân Cảng, bố trí dự phòng thêm 2 đường ray cho tuyến số 5 kết nối sau này, phát sinh vốn xây dựng trạm điện, tăng chi phí xây dựng depot để xử lý nền đất yếu, xây dựng nhà điều hành chung cho hệ thống 6 tuyến đường sắt đô thị. Với gói thầu số 3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đường ray, toa xe), số lượng toa xe tăng từ 48 lên 51 cho phù hợp với lưu lượng hành khách tính toán lại...
Bên cạnh đó, một số hạng mục khác cũng được bổ sung như: hệ thống bán, kiểm soát vé sử dụng loại vé từ thay vì dùng vé giấy và đồng xu, ứng dụng hệ thống bán vé tự động tiên tiến, các hệ thống thiết bị thông tin tín hiệu mới như thiết bị Scada, cung cấp điện nguồn, vận hành an toàn... nhằm nâng cao mức độ an toàn cho đoàn tàu.
Trước đề xuất của chủ đầu tư, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân yêu cầu trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư dự thảo văn bản trình bày UBND TP xem xét để giải trình với Thường trực Thành ủy và Chính phủ. Trong đó, phải làm rõ vì sao kinh phí xây dựng dự án lại chênh lệch quá cao.
Tiến độ chậm
Theo đánh giá của Ban Quản lý Đường sắt đô thị, công tác giải phóng mặt bằng của toàn dự án chậm so với tiến độ. Hiện khu depot Long Bình, quận 9 đã tiến hành san lấp và giải phóng mặt bằng được 93% diện tích. Ban Quản lý Đường sắt đô thị cũng đã tuyển chọn được nhà thầu tư vấn chung (tập đoàn Nippon Koei, Nhật Bản) với giá trị khoảng 8,5 tỉ yen Nhật; hoàn thành công tác khảo sát, lập thiết kế bổ sung cho thiết kế cơ sở và đang thực hiện công tác sơ tuyển nhà thầu đối với 3 gói thầu chính của dự án (giá trị mỗi gói thầu hơn 300 tỉ đồng).
Riêng gói thầu số 2 xây dựng đoạn đi trên cao và depot hiện đang ở giai đoạn xét thầu, còn 2 gói thầu xây dựng đoạn đi ngầm và mua thiết bị cơ điện, đường ray, xe lửa mới hoàn tất sơ tuyển.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã yêu cầu quận 1, 2, Bình Thạnh, Thủ Đức phải bàn giao mặt bằng trống vào cuối tháng 6-2009 và ngày 30-9-2009 đối với quận 9. Riêng việc di dời Khu Liên hợp Xí nghiệp Ba Son (Bộ Quốc phòng), Thủ tướng Chính phủ cũng vừa mới giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét ứng vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ hoặc ngân sách năm 2010 để di dời, bảo đảm tiến độ cho dự án tuyến metro số 1, sau đó đấu giá khu đất để hoàn trả ứng vốn.
Chỉ thiết kế sơ bộ
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ chiều 12-3, bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Phó Ban Quản lý Đường sắt đô thị, cho biết trước đây do nhà thầu Nhật chỉ thiết kế sơ bộ dự án nên tổng vốn ở mức 1,1 tỉ USD. Sau này, liên danh nhà thầu NJPT (gồm 6 nhà thầu Nhật và 2 nhà thầu Việt Nam) tiến hành thiết kế chi tiết bổ sung dự án nên tổng vốn đầu tư mới tăng lên thành 2,3 tỉ USD. Bà Nguyệt cho biết sau khi Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản thẩm định xong tổng vốn điều chỉnh mới tiến hành xin ý kiến của Chính phủ Nhật về vấn đề này.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động