Vốn cho nhà tái định cư: Cần tập trung về một mối

Cập nhật 22/08/2007 11:00

Theo số liệu của Sở TN - MT & NĐ, để hoàn thành 4.711 căn hộ, lô đất phục vụ nhu cầu tái định cư năm 2007 và tạo tiền đề cho năm 2008 tiếp tục đầu tư hoàn thành 7.481 căn hộ, năm 2009 - 2010 hoàn thành 1.014 căn hộ, TP cần bổ sung 489,6 tỷ đồng.

Thiếu vốn...

Về nguyên tắc, số vốn nêu trên lấy từ các nguồn của ngân sách, Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội, tiền mua nhà tái định cư của các hộ dân. Để quản lý được nguồn vốn và chủ động quay vòng đầu tư trở lại xây dựng quỹ nhà ở tái định cư của TP, việc cần phải làm là tập trung các nguồn thu về một mối để quản lý là Quỹ đầu tư phát triển nhà ở Hà Nội.

Mặc dù được xem là giải pháp và cũng đã được đề cập từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện được. Đây là một trong các nguyên nhân của việc thiếu vốn cho các dự án xây dựng quỹ nhà tái định cư. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo GPMB TP, theo kế hoạch, Hà Nội không thiếu nhà tái định cư vì danh mục dự án tạo lập quỹ nhà khá lớn, số lượng nhà theo dự kiến sẽ được bàn giao cũng không nhỏ.

Song thực tế, quỹ nhà tái định cư có thực chưa đáp ứng đủ nhu cầu, TP và ngành chức năng, các chủ đầu tư vẫn phải lo lắng cho từng dự án. Không ít dự án trọng điểm bị ảnh hưởng tiến độ vì thiếu hoặc chậm bàn giao nhà tái định cư.
 
Đến tháng 6/2007, Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội chính thức hoạt động theo hướng mới, TP giao vốn xây dựng quỹ nhà tái định cư để Quỹ chủ động cho vay, thu hồi để quay vòng. Tuy nhiên, vốn mà Quỹ có trách nhiệm quản lý chưa được bàn giao đủ như kế hoạch.

Năm trước, TP giao kế hoạch vốn xây dựng cơ bản cho các dự án xây dựng nhà ở tái định cư là 750 tỷ đồng. Nhưng đến hết năm, theo số liệu của Sở Tài chính và Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội thì các chủ đầu tư mới thanh quyết toán, giải ngân được 400 tỷ đồng. Các chủ đầu tư phản ánh, tính đến hết năm 2006, số hồ sơ đủ điều kiện để thanh quyết toán nhưng không có tiền giải ngân khoảng hơn 100 tỷ đồng.

Do vậy, tiến độ xây dựng nhà tái định cư thường chậm hơn nhiều so với tiến độ phê duyệt trong dự án đầu tư. Năm nay, cho đến hết tháng 6, tất cả các dự án vẫn chưa được ứng vốn để thực hiện. Không những thế, do giá vật tư, nguyên liệu tăng cao, một số chủ đầu tư xin điều chỉnh lại tổng mức đầu tư của dự án, lấy lý do để kéo dài thời gian hoàn thành nhà tái định cư, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao nhà. Một số dự án đầu thầu xây dựng chưa được đáp ứng đủ 20% vốn theo hợp đồng ứng trước cho bên thi công nên một số dự án mới triển khai rất chậm.

Nợ khó đòi...

Như cách làm hiện nay, tiền mua nhà tái định cư của các hộ dân được trừ luôn vào tổng số tiền được đền bù, hỗ trợ. Với những trường hợp tiền đền bù, hỗ trợ đủ hoặc thừa tiền mua nhà tái định cư thì không phải bàn. Nhưng đối với những hộ thiếu tiền mua nhà, trên thực tế hầu hết đều xin trả chậm, không mấy trường hợp "móc hầu bao" để trả cho nhà nước, ngoại trừ những trường hợp có nhu cầu bán nhà cho người khác.

Đơn cử, dự án đường vành đai 1, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa có trên 20 trường hợp trả chậm vì diện tích đất thu hồi nhỏ, tiền đền bù, hỗ trợ không đủ mua nhà. Việc thu tiền trả chậm của các hộ được trả chậm theo chế độ, chính sách và cả các hộ không thuộc diện này là việc hết sức khó khăn.

Vấn đề quay vòng vốn của các dự án xây dựng nhà tái định cư đã bàn giao, đưa vào sử dụng cũng có những bất cập. Theo số liệu của Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị - đơn vị duy nhất của TP chịu trách nhiệm quản lý nhà tái định cư, hiện đang quản lý các khu Nam Trung Yên, 5,03ha Dịch Vọng - Cầu Giấy, 7,2ha Vĩnh Phúc, Đền Lừ... đã có hơn 4.000 căn hộ ký hợp đồng, còn tới hơn 1.400 căn hộ đã bàn giao cho dân, nhưng chưa ký hợp đồng là hơn 1.400 căn (trong đó có cả trường hợp trả chậm).

Đến nay, vẫn chưa có chế tài để xử lý những trường hợp cố tình chây ỳ, đến "hẹn" mà không trả tiền nhà. Theo chế độ, chính sách hiện hành, có những hộ thuộc diện khó khăn được trả chậm tiền nhà tới 10 năm.

Theo Song Hà - Kinh Tế & Đô Thị