Vô trách nhiệm với người dân có đất bị thu hồi

Cập nhật 27/05/2009 10:10

Ngày 26.5, hàng loạt trở ngại, vướng mắc trong thực hiện Quỹ Hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi (gọi tắt là Quỹ 156) đã được Hội đồng quản lý quỹ nêu ra tại buổi giám sát với Ban Văn hóa Xã hội (VHXH)- HĐND TPHCM.

Hàng chục nghìn hộ dân có đất bị thu hồi cần được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, nhưng hầu hết chủ đầu tư trên địa bàn TP đã quay lưng, thờ ơ với việc đóng góp Quỹ 156.

Thiếu trầm trọng

Theo kết quả khảo sát điều tra của Hội đồng quản lý Quỹ 156, trên địa bàn TP có khoảng 60 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng bởi 522 dự án. Trong đó, 16.800 hộ dân phản hồi có nhu cầu vay vốn là 826.301 tỉ đồng.

Ngày 27.10.2006, TP đã thành lập Quỹ 156 theo Quyết định số 156 của UBND TPHCM, nhằm hỗ trợ vay vốn đào tạo và giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân có đất bị thu hồi. Theo đó, nguồn vốn của Quỹ 156 sẽ được các chủ đầu tư sử dụng đất thu hồi của người dân đóng góp: không quá 3% đối với chi phí bồi thường, hỗ trợ dự án đối với dự án đang bồi thường dở dang và không quá 5% với dự án mới.

Quỹ 156 chính thức hoạt động kể từ tháng 5.2007 với 50 tỉ đồng vốn ngân sách cấp mới. Thế nhưng, đã hai năm trôi qua, tổng vốn của Quỹ 156 mới chỉ đạt hơn 99 tỉ đồng; trong đó, các chủ dự án mới đóng góp 48,899 tỉ đồng. Hiện tồn quỹ tại Kho bạc Nhà nước TP và Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ còn 7,978 tỉ đồng.

Theo Hội đồng quản lý Quỹ 156, hiện tất cả hồ sơ xin hỗ trợ vốn từ Quỹ 156 đã được giải quyết, không có hồ sơ tồn. Một phần cũng "nhờ" nhiều người dân chưa biết đến thông tin về quỹ nên chưa làm hồ sơ vay vốn, nghĩa là nếu nhu cầu vay vốn tăng cao, Quỹ 156 chắc chắn sẽ "cháy vốn". Bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Tổ trưởng Tổ quản lý quỹ - lo lắng: "Riêng năm 2009, chúng tôi ước tính nhu cầu vay vốn là 133,279 tỉ đồng và dự kiến thu khoảng 600 tỉ đồng từ các chủ dự án. Nhưng thực tế, đến nay mới có quận 8 đóng góp 3,7 tỉ đồng".

Né tránh trách nhiệm!

Theo bà Mai, hiện mới chỉ có 7/24 quận, huyện đóng góp vào Quỹ 156 và tất cả đều đến từ các dự án do vốn ngân sách nhà nước đầu tư. Có thể nói, các chủ dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước vẫn quay lưng lại Quỹ 156, từ chối trách nhiệm xã hội với người dân có đất bị thu hồi.

Bên cạnh đó, còn phải nhắc đến sự lơ là của hầu hết chính quyền địa phương trong việc đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ đóng góp Quỹ 156. Như quận 2 - nơi chiếm đến 1/3 tổng số người bị ảnh hưởng bởi các dự án và đã được vay vốn từ Quỹ 156 nhiều nhất, nhưng vẫn chưa có đóng góp từ các chủ dự án.

Bà Mai bức xúc: "UBND quận 2 đã hứa đôn đốc chuyển 600 tỉ đồng vào Quỹ 156 trong năm nay, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có đồng nào. UBND quận 8 cũng hứa chuyển 20 tỉ, nhưng mới chỉ được 3,7 tỉ đồng".

Một ví dụ cụ thể nữa về cách làm việc không hiệu quả của một số chính quyền địa phương. Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên ảnh hưởng đến hộ dân của 7 quận: Quận 1, quận 2, quận 9, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Tân Bình và quận Thủ Đức; thế nhưng mới chỉ có quận 9, quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức đóng góp tạo nguồn cho Quỹ 156.

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó ban VHXH - HĐND - chất vấn: "Tại sao có nơi thu được, nhưng một số địa phương khác lại không làm được?". Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 từng viện dẫn lý do chưa nhận được hướng dẫn cách thu quỹ và các chủ dự án "trây ỳ" không đóng để giải thích việc chậm trễ. Nhưng thực tế, Sở Tài chính đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể và UBND TP cũng nhiều lần đôn đốc đẩy nhanh việc thực hiện thu quỹ.

Quỹ 156 đã giúp được hàng chục nghìn người ổn định cuộc sống sau khi có đất bị thu hồi. Nhưng thái độ vô trách nhiệm của nhiều chủ dự án cùng việc chậm trễ đôn đốc của các UBND quận, huyện đã khiến việc hỗ trợ người dân gặp rất nhiều khó khăn và hàng chục nghìn người dân có đất bị thu hồi chính là những người phải chịu thiệt hại nhiều nhất.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động