Trong danh sách các công trình sai phạm tại Sóc Sơn (Hà Nội) có Việt phủ Thành Chương...
Họa sỹ Thành Chương đã bỏ nhiều tiền bạc, tâm sức xây dựng Việt phủ - Ảnh: Khánh Linh
|
Trong suốt hơn 12 năm qua, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, dư luận đã nhiều lần phản ánh về việc Việt phủ Thành Chương xây dựng trên đất rừng đặc dụng. Từ đó đến nay, nhiều ý kiến tranh cãi về việc nên “phạt cho tồn tại” hay đập bỏ?
ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc:
Nên cấp thêm đất để mở rộng Việt phủ
Tôi vừa có thư cá nhân gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến vấn đề của Việt phủ Thành Chương. Đành rằng tất cả mọi việc đều phải xử lý trên cơ sở các quy định của pháp luật, song cũng cần cân nhắc để tránh gây thiệt hại cho người dân.
Nhìn nhận về việc này thì trách nhiệm đầu tiên phải của cán bộ, chính quyền địa phương. Rõ ràng ở đây có chuyện “phạt cho tồn tại” và chuyện đó đã xảy ra từ rất lâu. Còn nếu bây giờ xử lý thì theo tôi nên xử lý các cán bộ trước đây đã buông lỏng quản lý hơn là việc xử lý những công trình hiện hữu của người dân.
Cá nhân tôi cho rằng, sau khi rà soát chính sách, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Nhà nước nên tạo điều kiện để không ảnh hưởng tới một công trình văn hóa như Việt phủ, nơi đã đón rất nhiều khách trong và ngoài nước. Thậm chí, có thể cho phép anh Thành Chương mở rộng hơn nữa không gian văn hóa này. Đất đai Nhà nước vẫn quản lý, còn hàng năm anh Thành Chương phải có nghĩa vụ đóng thuế. Nhưng quan trọng hơn là người dân, du khách có cơ hội được trải nghiệm một không gian văn hóa có ý nghĩa.
Bản thân tôi cũng đã đến Việt phủ Thành Chương. Tôi cho rằng, cách làm như vậy là hợp tình hợp lý. Bởi không phải ai cũng muốn làm như anh Thành Chương và không phải ai cũng có khả năng làm như anh Thành Chương cả.
Ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn:
Cần có cơ chế phù hợp
Đây là công trình văn hóa Việt cổ hiếm, ít nơi nào có được. Đương nhiên phải thực thi pháp luật, nhưng những gì là giá trị văn hóa thì khi phá đi không thể làm lại được, không thể lấy lại được nên cần tìm một cơ chế xử lý phù hợp.
Hiện, thành phố đang thanh tra. Kết quả thanh tra dự kiến được công bố trước Tết Nguyên đán.
TS. Trịnh Hòa Bình (Nhà xã hội học):
Chính quyền quản lý chắc gì bằng tư nhân?
Đã có ý kiến cho rằng, TP Hà Nội nên mua lại để đầu tư và quản lý. Tuy nhiên, đặt địa vị vào chủ nhân của khu Việt phủ có lẽ họ khó lòng chấp nhận câu chuyện này. Họ đã dành bao nhiêu công sức và tâm huyết vào đó, giờ bảo bán lại, đời nào họ bán, dù với giá bao nhiêu đi nữa. Hơn nữa, khi chuyển sang cho chính quyền quản lý, chắc gì chính quyền đã làm tốt được như họ?
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tổ chức thanh tra, nhưng tôi có cảm giác giải quyết câu chuyện này không hề đơn giản. Rõ ràng lỗi thuộc về chính quyền địa phương chứ không phải người dân. Nếu không cho xây thì tại sao không cho ngay từ đầu? Hơn nữa, trong xã hội đã và đang có biết bao nhiêu công trình tồn tại theo dạng “phạt cho tồn tại” chứ đâu riêng gì Việt phủ. Chưa kể, đây lại còn là một công trình văn hóa.
Ông Nguyễn Thanh Tùng (Tổng giám đốc Công ty Du lịch Thiên Thảo Nguyên):
Điểm đến ưa thích của khách nước ngoài
Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, đây là điểm đến có ý nghĩa, rất thú vị, không nên đập bỏ như một số ý kiến. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp quản lý để thu thuế cho ngân sách Nhà nước giống như khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám chẳng hạn... Như vậy, Nhà nước vừa tăng nguồn thu, chủ đầu tư cũng yên tâm tiếp tục đầu tư, sưu tầm thêm những sản phẩm văn hóa mang ý nghĩa lịch sử.
Qua thống kê, điểm tham quan Việt phủ Thành Chương rất thu hút với khách châu Âu khi đến Việt Nam. Bình quân mỗi tháng, công ty đưa ít nhất 10 đoàn khách, tháng cao điểm lên tới 30 đoàn khách nước ngoài sang Việt Nam du lịch. Mà mỗi khi tới Hà Nội, bao giờ Việt phủ Thành Chương cũng là một trong những điểm họ yêu cầu được đến đầu tiên. Phản hồi của khách nước ngoài rất tốt, hầu hết trong số họ đều nói rằng, đã hiểu thêm rất nhiều về văn hóa Việt Nam sau khi tới đây tham quan.
Diaoconline.vn – Theo Báo Giao Thông