Việt Nam rời Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn thế giới

Cập nhật 15/06/2012 15:10

Từng là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu năm 2008, nhưng liên tục thụt lùi kể từ 2009 và tới năm nay Việt Nam đã ra khỏi bảng xếp hạng top 30.

Hãng tư vấn danh tiếng của Mỹ A.T.Keraney hôm 12/6 công bố Chỉ số thường niên về thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2012. Theo đó, Việt Nam từ vị trí thứ 23 năm 2011 đã rơi khỏi top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Đây đã là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam tụt hạng trong danh sách này.

Năm 2008, Việt Nam được đánh giá là quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh, nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người tiêu dùng thuộc hàng trẻ nhất châu Á và ngày càng mạnh tay chi tiêu. Tuy nhiên, đến 2009, thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ đứng thứ 6 về mức độ hấp dẫn và rơi xuống thứ 23 năm 2011. Các chuyên gia nhận định yếu kém trong cơ sở hạ tầng và chi phí thuê mặt bằng quá cao đang là rào cản với các nhà bán lẻ nước ngoài.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang ngày càng kém hấp dẫn. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhận xét về báo cáo mới nhất của A.T. Kearney, hầu hết chuyên gia, doanh nghiệp bán lẻ trong nước cho biết không cảm thấy bất ngờ. Trên thực tế thị trường bán lẻ Việt Nam đã xấu đi từ vài năm nay. Khủng hoảng kinh tế vĩ mô khiến sức mua của người dân giảm sút, hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ phải đóng cửa là minh chứng cho sự đi xuống của thị trường, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết. "Năm 2011, thị trường bán lẻ Việt Nam tăng trưởng 5%, con số rất khiêm tốn so với hơn 20% mấy năm trước", bà Phạm Chi Lan nói.

Cùng lúc đó, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn gặp vướng mắc ở khâu điều hành vĩ mô. Ông cho biết, cả doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước đều kêu ca rất nhiều về thủ tục hành chính rườm rà, giá thuê mặt bằng quá cao, quy hoạch bán lẻ không đồng bộ. "Để vực dậy thị trường, Việt Nam cần một cuộc 'đại phẫu' trên nhiều lĩnh vực từ ổn định kinh tế vĩ mô, chống độc quyền, nâng cao năng suất lao động", ông Phú kiến nghị.

Theo báo cáo của A.T.Kearney, năm 2012, các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là nơi thu hút nhất đối với các hãng bán lẻ hàng đầu thế giới. Thậm chí, Brazil đã hai năm liên tiếp dẫn đầu danh sách này. Báo cáo cũng ghi nhận một số cái tên mới như Georgia, Oman, Azerbaijan, Botswana và Mông Cổ. Các thị trường này có quy mô nhỏ, nhưng đặc biệt hấp dẫn do số người giàu tăng nhanh và các hãng phải cạnh tranh quyết liệt để thâm nhập thị trường.

A.T.Kearney nhận xét, công nghệ đang làm thay đổi hướng kinh doanh của các hãng bán lẻ tại những thị trường mới nổi. Kỳ vọng và hành vi của người tiêu dùng cũng đang dần trở nên khác biệt do những biến đổi về kinh tế và tốc độ tiếp cận thông tin. Người tiêu dùng hiện đã có ý thức cao về nhãn hiệu, hàng hóa và liên hệ chặt chẽ hơn với cộng đồng. Thương mại điện tử và mua bán qua điện thoại cũng đang dần vượt qua hình thức bán lẻ truyền thống.

Năm 2012, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục có mức tăng trưởng bán lẻ ấn tượng. GDP cao, số người giàu nhiều lên và thói quen mua sắm ngày càng phổ biến đã đóng góp đáng kể vào sức hấp dẫn của các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Những năm gần đây, châu Á đã trở thành mục tiêu hấp dẫn nhất với các nhà bán lẻ Nhật và Hàn Quốc khi mở rộng thị trường nội địa.

Dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Trung Quốc. Theo A.T.Kearney, tiềm năng phát triển của Trung Quốc vẫn rất tốt với doanh thu bán lẻ hàng năm tăng hai con số. Tuy rằng lạm phát nước này đang khiến chi phí thuê nhà tăng 30% và chi phí lao động thêm 15% mỗi năm. Thậm chí, năm 2012, Trung Quốc còn trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới.

Mỹ Latin với nền kinh tế năng động và phát triển vẫn thống trị bảng xếp hạng năm nay khi Brazil hai năm liên tiếp dẫn đầu danh sách. Chile với vị trí số 2 được đánh giá là thị trường bán lẻ có tính cạnh tranh và người tiêu dùng thông thái nhất khu vực.

Chỉ số Phát triển Bán lẻ toàn cầu được A.T.Kearney thực hiện hàng năm để xếp hạng 30 nền kinh tế mới nổi trên thế giới. Các nước được chấm theo thang điểm 100 dựa trên 4 tiêu chí: Rủi ro quốc gia; Độ hấp dẫn của thị trường; Độ bão hòa của thị trường; và Áp lực thời gian (đo bởi tốc độ tăng trưởng hàng năm).

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress