Việc giải tỏa, đền bù tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Nguy cơ… trễ hạn!

Cập nhật 08/07/2009 16:35

Khu đô thị Thủ Thiêm vẫn còn ngổn ngang. Ảnh: Đức Trí.

Theo kế hoạch, việc giải tỏa đền bù tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ cơ bản hoàn thành vào 30-9-2009. Thế nhưng, hiện nay còn nhiều vấn đề khiến người dân vẫn băn khoăn nên chưa chịu di dời, ảnh hưởng đến tiến độ giải tỏa đền bù.

Áp dụng văn bản hết hiệu lực thi hành

Ông Phan Khắc Bình, thường trú nhà số B20/3 Lương Định Của, P.Bình An, Q.2 cho biết, bà con ở quận 2 rất vui mừng khi thấy chính quyền TP quyết tâm thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Việc xây dựng khu đô thị kiểu mẫu, khang trang, hiện đại làm người dân ở đây rất tự hào và hãnh diện. Khu đô thị mới còn giúp người dân “chia tay” với những căn nhà lụp xụp, ngập nước mỗi khi có triều cường để sống trong khu đô thị mới với hạ tầng hoàn chỉnh. Tuy nhiên, hiện nay điều người dân còn băn khoăn là quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề cần xem xét lại do chưa đúng quy định của pháp luật.

Ông Bình dẫn chứng, hiện nay, các quyết định 135, 123, 06 về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư trong khu quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm lại căn cứ vào Nghị định 22/1998/NĐ-CP vốn đã hết hiệu lực. Chưa kể, Điều 67 Nghị định 84/2007/NĐ-CP đã bãi bỏ Đoạn 2 Khoản 2 Điều 50 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP thế nhưng Quyết định 17/2008/QĐ-UBND của UBND TP lại khôi phục gần như nguyên vẹn đoạn này và xem đây như là cầu nối pháp lý để tiếp tục “xài” Nghị định 22/1998/NĐ-CP.

Theo ông Bình, nghị định cấp Chính phủ đã bãi bỏ thì một quyết định của TP không thể khôi phục. Hơn nữa, việc khôi phục này không có lợi mà còn gây thiệt hại cho người dân bị giải tỏa trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Về vấn đề này, ngày 25-12-2008, ông Lê Tiến Hào - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã có văn bản số 2908/TTCP-CIII, gởi UBND TPHCM khẳng định: Việc đền bù thiệt hại cho người dân được áp dụng theo Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24-4-1998 của Chính phủ là không phù hợp, bởi vì Nghị định 22/1998/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành. Việc người dân khiếu nại và yêu cầu áp giá bồi thường theo Nghị định 84/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ là có căn cứ. Tuy nhiên cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa được UBND TP và UBND quận 2 xem xét giải quyết.

Còn nhiều vấn đề phải xem xét lại

Ngoài việc áp dụng điều luật đã bị bãi bỏ thì các văn bản ban hành trong thời gian gần đây cũng còn nhiều điểm bất hợp lý. Ông Vũ Công Tám, thường trú tại nhà B20/8 Lương Định Của, P. Bình An, Q.2 cho biết, Điều 44 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 quy định: Trường hợp thu hồi đối với đất sử dụng trước ngày 15-10-1993 nhưng không có giấy chứng nhận hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 50 của Luật Đất đai và được UBND cấp xã xác nhận đất đó không có tranh chấp thì vẫn được bồi thường, hỗ trợ về đất.

Thế nhưng, trong thực tế, một số hộ thỏa mãn các điều kiện nêu trên nhưng lại bị cán bộ địa chính truy tìm nguồn gốc, giấy tờ đất; nếu như đất lấn chiếm, không rõ nguồn gốc, mua bán giấy tay sẽ không được công nhận và không được giải quyết bồi thường.

Bà Phan Thị Mỹ Dung - Phó Chủ tịch UBND P.Thủ Thiêm, cho biết, một vấn đề nhiều người dân phản ánh là bất cập trong giá bồi thường: hộ ngoài mặt tiền đường Trần Não, Lương Định Của với hộ trong hẻm, giữa đồng ruộng chỉ chênh lệch trên dưới 1 triệu đồng/m2. Đây là điểm không công bằng. Kế đến, Quyết định 06 ra đời đã đánh đồng đất nông nghiệp giữa đồng trống và đất xen kẽ trong khu dân cư, đều chỉ được bồi thường một mức giá chung là 870.000đ/m2 cũng là điểm chưa hợp lý.

Ngoài việc quy định đơn giá thì công tác đo vẽ cũng còn nhiều điều đáng nói. Ông Lê Hùng Huệ - Phó Chủ tịch UBND P.An Khánh, Q.2, cho rằng nhiều hồ sơ giải tỏa đền bù trên địa bàn quận 2 chậm hoàn thành có nguyên nhân là do đo vẽ quá chậm. Hiện Công ty Đo đạc địa chính và Công trình thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị gần như “độc quyền” đo vẽ nhà đất tại quận 2 phục vụ cho công tác giải tỏa di dời.

“Công ty đo vẽ độc quyền nên sinh ra cửa quyền” - bà Lê Thị Thơ, thường trú tại số 350/24 tổ 19 khu phố 2, phường An Lợi Đông, quận 2, bức xúc nói. Bà Thơ nói tiếp: “Tôi đã đăng ký giải tỏa di dời nhưng công ty cử nhân viên đến đo vẽ không đúng diện tích đất, tôi yêu cầu họ vẽ lại nhưng đơn vị đo vẽ bỏ đi 3 năm vẫn chưa quay lại giải quyết hồ sơ cho gia đình tôi”.

Bà Nguyễn Mê Linh - nhà số 720A Trần Não, P.An Lợi Đông, Q.2, cho biết: “Cho đến nay, giá tái định cư và địa điểm tái định cư vẫn chưa được Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2 công bố nên làm cho bà con chúng tôi khá lúng túng”. Kế đến, 160ha tái định cư tại 5 phường trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm do Thủ tướng phê duyệt, hiện nay TP di dời địa điểm tái định cư đi nơi khác chỉ bằng một thông báo của Văn phòng UBND TP là chưa đúng quy định, cho dù có hỗ trợ bồi thường chênh lệch vị trí tái định cư. Do vậy, UBNDTP và Trung ương cần có sự phối hợp thay đổi nhằm thực thi đúng các quy định, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

 

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP 12 Giờ