Vì sao tranh chấp ở các khu chung cư ngày một gia tăng

Cập nhật 16/10/2017 15:19

Thời gian gần đây liên tiếp nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn, bất đồng xảy ra giữa cư dân chung cư và các chủ đầu tư. Rất nhiều lý do đã được đưa ra để lý giải cho thực trạng trên. Tuy nhiên, có một thực tế hiện hữu đó là việc chưa có đủ chế tài và khung pháp lý xử lý tranh chấp, giải quyết những mâu thuẫn trên đang khiến tình trạng này ngày càng trở nên phổ biến.

Thời gian gần đây liên tiếp nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn, bất đồng xảy ra giữa cư dân chung cư và các chủ đầu tư.

Muôn vàn lý do nảy sinh mâu thuẫn

Thời gian vừa qua, số lượng các chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội được đưa vào vận hành, sử dụng là khá lớn. Cũng từ đây, nhiều các vụ việc mâu thuẫn giữa cư dân với chủ đầu tư cũng nảy sinh. Được biết, mâu thuẫn không chỉ xảy ra ở những khu chung cư, dự án bình dân mà nó còn xuất hiện ở nhiều dự án được quảng bá, giới thiệu là cao cấp, sang trọng.

Không khó để có thể chỉ ra một số dự án dính lùm xùm tranh chấp, mâu thuẫn giữa cư dân với chủ đầu tư thời gian qua đã được báo chí thông tin, đề cập. Có thể chỉ ra một số dự án cư dân có mâu thuẫn, tranh chấp bất đồng với chủ đầu tư thời gian vừa qua như: Chung cư Imperia Garden, Home City, Mipec Riverside Long Biên, Goldmark City, Dự án Ecolife Capitol Tố Hữu, Lucky Bắc Hà (30 Phạm Văn Đồng), Hồ Gươm Plaza, Golden Land…

Theo tìm hiểu, các tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân thời gian qua thường phát sinh trong quá trình bàn giao nhà, xoay quanh các vấn đề như: Diện tích căn hộ bị tính sai lệch, thay đổi thiết kế các căn hộ hoặc thêm tầng, thêm căn hộ, chuyển đổi tầng kỹ thuật thành các căn hộ để bán, các dịch vụ tiện ích tòa nhà hoặc xung quanh dự án bị cắt xén hoặc chưa kịp hoàn thiện, không đúng so với quảng cáo, giới thiệu như ở thời điểm mua nhà.

Mặt khác, những bất cập trong vấn đề thu phí dịch vụ (gửi xe ô tô, xe máy…) hoặc giấy tờ pháp lý liên quan đến các căn hộ không được chủ đầu tư bàn giao cho cư dân, hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà chưa được nghiệm thu, chậm làm sổ đỏ... khiến cư dân bức xúc phản đối chủ đầu tư. Mấu chốt nhất vẫn nằm ở câu chuyện chủ đầu tư không thực hiện đúng các nội dung cam kết trong hợp đồng mua bán, thỏa thuận với cư dân, khách hàng.

Không tìm được tiếng nói chung với chủ đầu tư và bất bình với cách xử lý, giải quyết vấn đề khiến các cư dân tại một số chung cư thường gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng. Thậm chí, nhiều cư dân vì quá bức xúc với cung cách làm việc của chủ đầu tư đã phản đối bằng cách căng băng rôn, khẩu hiệu nhằm gây áp lực, yêu cầu chủ đầu tư phải đối thoại, xử lý giải quyết triệt để những vấn đề mà cư dân yêu cầu.

Hướng nào giải quyết?

Trên thực tế rất nhiều vụ việc mẫu thuẫn, tranh chấp tại chung cư đã được giải quyết hài hòa, êm thấm giữa lợi ích cư dân và chủ đầu tư. Tuy nhiên, cũng có nhiều vụ việc được đẩy lên đỉnh điểm khi mà cả chủ đầu tư và cư dân, khách hàng mua nhà không tìm được tiếng nói chung khiến cho mâu thuẫn càng trở nên căng thẳng và gây khó khăn cho giải quyết sau này.

Nhìn nhận về vấn đề này, các chuyên gia bất động sản cho rằng, bên cạnh nguyên nhân chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi khách hàng, không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận với khách hàng, cư dân thì cũng có một phần nguyên nhân xuất phát từ phía khách hàng, cư dân. Đó là việc nhiều khách hàng mua nhà khi chưa tìm hiểu kỹ dự án, căn hộ, hợp đồng, thỏa thuận với chủ đầu tư để rồi đến khi nhận nhà mới tá hỏa chạy đôn, chạy đáo khắp nơi khiếu nại. Mặt khác, nhiều chủ đầu tư cũng chưa thực sự có trách nhiệm khi quảng cáo, giới thiệu thái quá về căn hộ, dự án của mình khiến khách hàng “ôm hận” khi về ở, căn hộ, tiện ích dự án khác xa quảng cáo.

Dưới góc nhìn pháp lý, vấn đề cư dân mâu thuẫn, bất đồng và có nảy sinh tranh chấp với chủ đầu tư được các chuyên gia nhìn nhận và cho rằng, các quy định pháp lý về xử lý tranh chấp chung cư lại chưa theo kịp với thực tế. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc mâu thuẫn, bất đồng, tranh chấp xảy ra ở các chung cư giữa cư dân và chủ đầu tư xoay quanh vấn đề tranh chấp sở hữu diện tích chung. Cụ thể, xung quanh vấn đề phân định diện tích sở hữu chung – riêng đã được quy định khá rõ trong Luật Nhà ở nhưng vẫn phát sinh những tranh chấp. Mặc dù các văn bản quy định về quản lý chung cư đều đã có, nhưng lại chưa có đủ chế tài và khung pháp lý xử lý khiến tranh chấp chung cư vẫn gia tăng và ngày một phổ biến.

Trước nhiều vụ việc mâu thuẫn nảy sinh, bất đồng và xảy ra tranh chấp giữa cư dân tại các chung cư với chủ đầu tư, các chuyên gia bất động sản cũng khuyến cáo, để tránh “rước” bực mình, người mua nhà cần tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của dự án, uy tín, năng lực của chủ đầu tư để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất trước khi đặt mua căn hộ.

Rõ ràng vấn đề giải quyết những tồn tại liên quan đến những mâu thuẫn, bất đồng, tranh chấp chung cư không phải là câu chuyện có thể giải quyết một sớm một chiều. Cần sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan chức năng, chủ đầu tư, cư dân…

Tuy nhiên, có một thực tế dễ nhận thấy là hệ lụy từ vấn đề trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt và tâm lý của các cư dân sống tại chung cư.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng