TP HCM có gần 50 chung cư đang bị hư hỏng nặng. Việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ tại thành phố đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
TP HCM hiện có hơn 400 chung cư có tuổi thọ từ 40 đến hơn 70 năm. Trong đó, gần 50 chung cư đang bị hư hỏng nặng. Tuy nhiên, việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ tại thành phố đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chung cư 45-47 Nguyễn Thái Bình được xây dựng từ trước năm 1975, trước đây được sử dụng làm khách sạn cho sỹ quan chế độ cũ, với diện tích mỗi phòng chỉ 20m2. Hiện nay, hầu hết các hộ dân trong khu nhà này đều đúc thêm gác lửng bằng bê tông để tăng thêm diện tích sử dụng.
Cư xá Thanh Đa, TP HCM.
|
Do không được duy tu, bảo trì thường xuyên, chung cư này đã bị nứt rộng 3 đến 5cm từ trên xuống hai đầu hành lang rất nguy hiểm. Dù phải sống trong nguy hiểm, chật chội, vệ sinh môi trường không đảm bảo, nhưng 1.300 con người trong khu nhà này cũng chỉ biết chờ đợi một chính sách giải tỏa, đền bù của chính quyền địa phương.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, phòng 144, chung cư 47-57 Nguyễn Thái Bình, Quận 1 nói: “Tôi mong muốn bây giờ Ban Quản trị chung cư và các ngành chức năng nghiên cứu như thế nào để có sự phối hợp cải tạo lại, chống thấm dột thì mới có thể duy trì tuổi thọ của khu nhà này. Chúng tôi có thể phải kêu cứu để những cơ quan có chức năng gia cố lại những vết nứt nẻ, đảm bảo an toàn cho người dân nơi đây”.
Đó chỉ là một trong số gần 50 chung cư xuống cấp đến mức đáng báo động tại TP HCM hiện nay. Các chung cư này chủ yếu ở tại các quận nội thành như: quận 1, quận 3, quận 5, quận 10, quận Bình Thạnh. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, thành phố sẽ tháo dỡ hơn 440 ngàn m2 sàn chung cư cũ, hư hỏng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc tháo dỡ chỉ đạt hơn 60% kế hoạch. Mới đây, thành phố đã di dời dân ở những khu chung cư bị lún, nứt nghiêm trọng như: chung cư Nguyễn Kim ở quận 10, chung cư 727 Trần Hưng Đạo, Quận 5, lô 4, lô 6 chung cư Thanh Đa thuộc quận Bình Thạnh.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc cải tạo chung cư cũ tại TP HCM là do cơ chế, chính sách chưa phù hợp với với nhu cầu của người dân và không thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, trong khi nguồn ngân sách dành cho công tác này còn hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho biết: “Tôi cho rằng, việc chậm cải tạo các chung cư cũ có phần trách nhiệm của chính quyền và người dân. Chính quyền thì không quyết tâm làm, không tổ chức được để làm. Còn về phía người dân, nhiều người đòi hỏi quá đáng. Riêng về người đầu tư như chúng tôi thì nói thật là rất khó để tham gia vào cải tạo các chung cư cũ”.
Bên cạnh đó, công tác quản lý chung cư cũ tại TP HCM vẫn còn chồng chéo giữa chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Ở một số chung cư còn xảy ra tranh chấp, khiếu kiện về giấy tờ, quyền sở hữu nhà và không gian chung... Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, cần phải tìm được giải pháp hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư.
Ông Lê Nguyễn Bá Thiện ở phòng 311, lô 6, Cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh nói: “Điều kiện tái định cư là di dời người dân đến chỗ ở mới phải tốt hơn hoặc bằng chỗ ở cũ. Di dời khẩn cấp, không qua kiểm định chất lượng công trình, có thể dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Chính sách của Nhà nước cũng có thể đến bù bằng tiền để người ta có thể tự tìm chỗ ở mới, phù hợp với cuộc sống và công ăn việc làm của người ta”.
Dự thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư lần này đã mở ra nhiều cơ hội cho các địa phương tháo gỡ khó khăn như: Cho phép điều chỉnh chiều cao công trình, điều chỉnh hệ số sử dụng đất, người dân và doanh nghiệp có thể thỏa thuận trực tiếp với nhau trong các phương án đền bù. Dự thảo cũng quy định việc công khai các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ hư hỏng; cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp triển khai nhanh dự án cải tạo chung cư.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết: “Dự thảo Nghị định lần này có nhiều điểm tiến bộ, giúp cho các doanh nghiệp tham gia vào việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ tốt hơn. Tuy nhiên, chúng tôi thấy chừng đó vẫn chưa đủ. Chúng tôi đề nghị bên cạnh việc gia tăng hệ số sử dụng đất nên cho tăng thêm quy mô dân số của dự án. Việc này nên giao toàn quyền cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xem xét, quyết định cho phù hợp với hoàn cảnh của địa phương mình”.
Thời gian tới, TP HCM sẽ tháo dỡ, di dời 70 chung cư cũ với hơn 7.200 hộ dân. Thành phố cũng sẽ tập trung nguồn lực để xây mới hơn 60 chung cư cũ với quy mô 9.870 căn hộ. Việc đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ sẽ góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho hàng chục ngàn người dân đang ở trong những khu chung cư này.
DiaOcOnline.vn - Theo VOV