Điều chỉnh quy hoạch cần công khai, minh bạch từ thông tin, ý kiến chuyên gia cho đến việc đấu thầu, đấu giá đất, kể cả những nghĩa vụ tài chính đi kèm… khi ấy dân mới tin tưởng.
Từ khi Thủ tướng ký duyệt quyết định 367 năm 1996 phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm, rộng 930 ha với 7 phân khu chức năng, đến nay đã được cơ quan chức năng nhiều lần thay đổi, điều chỉnh quy hoạch về cả diện tích và số lượng các khu chức năng của KĐT Thủ Thiêm.
Điều chỉnh quy hoạch phải đúng pháp luật
Trao đổi với Zing.vn về việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch KĐT Thủ Thiêm, TS-KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM giai đoạn 1996-2002, cho biết việc thay đổi quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm là chuyện bình thường trong các dự án lớn.
Ông Cương nói: “Để so sánh những thay đổi trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996 với hiện nay thì khó, tôi không nói được vì phụ thuộc vào tài liệu từng giai đoạn. Tuy nhiên, khi thay đổi quy hoạch cần có những nghiên cứu kỹ và phải thực hiện đúng các quy trình pháp luật".
Khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện nay được chia ra thành 8 phân khu chức năng. Ảnh: Ban QLKĐT Thủ Thiêm.
|
Theo KTS Võ Kim Cương, mỗi lần điều chỉnh quy hoạch, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, phân tích kỹ nhu cầu nhất định của xã hội qua số liệu về kinh tế, xã hội, môi trường, tài chính, đầu tư… Việc điều chỉnh quy hoạch là chuyện bình thường trong các dự án quy mô lớn, thực hiện dài năm.
Ông Cương cho rằng trong kinh tế thị trường, khó dự báo lâu dài mà phải phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của xã hội. Việc thay đổi quy hoạch phụ thuộc vào nhu cầu xã hội từng giai đoạn nên cần linh hoạt trong việc quy hoạch. Cơ sở hạ tầng khó thay đổi nhưng những quy hoạch chi tiết như nhà ở, khu hành chính, công viên, trung tâm thương mại, kinh tế... cần tăng tính thích ứng cho phù hợp với kinh tế xã hội, nhu cầu của nhà đầu tư và xã hội.
Đồng quan điểm với chuyên gia Võ Kim Cương, GS TS Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM giai đoạn 2004 - 2008, cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ trong quá trình xây dựng các khu đô thị là cần thiết để phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Tổng mặt bằng - Quy hoạch xây dựng trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm năm 1996. Ảnh: Lê Quân. |
Theo nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, quy hoạch tổng thể phải mang tính định hướng lâu dài từ 30-50 năm. Quy hoạch chi tiết mang tính cụ thể từng giai đoạn, nên việc điều chỉnh là cần thiết vì xã hội rất nhanh thay đổi.
Cụ thể, ở đây KĐT Thủ Thiêm nếu cần điều chỉnh thì phải tiến hành theo đúng các trình tự pháp luật. Khi điều chỉnh quy hoạch cần phải công khai, minh bạch từ thông tin, ý kiến cho đến mục đích, việc đấu thầu, đấu giá đất, kể cả những nghĩa vụ tài chính đi kèm… Như vậy người dân sẽ tin tưởng, đồng lòng. Người dân chỉ khiếu nại những thứ không minh bạch, rõ ràng.
Xây dựng khu đô thị phụ thuộc vào người dân
Về câu chuyện khu đô thị Thủ Thiêm hiện tại xây dựng các dự án bất động sản nhà ở trước, nhưng chưa chậm triển khai xây dựng công viên, trung tâm triển lãm phục vụ cộng đồng, TS-KTS Võ Kim Cương cho rằng vấn đề phụ thuộc vào số dân hiện có tại khu đô thị, ban quản lý mới cân đối các khu chức năng. Nếu KĐT Thủ Thiêm đã có đông dân thì phải làm các công trình công cộng đúng tiến độ để phục vụ dân.
Còn PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa lại cảm thấy hơi hụt hẫng khi những công trình mọc lên đầu tiên ở Thủ Thiêm là các dự án bất động sản, nhà ở để bán chứ không phải công viên, quảng trường hay trung tâm triển lãm.
"Trong quy hoạch, lãnh đạo TP có thể cân nhắc, quyết định xây dựng hạng mục nào trước tùy vào nhu cầu các nhà đầu tư. Vì trong bối cảnh khó khăn về vốn thì TP đã có những bước đi phù hợp với nguồn lực tài chính", ông Hòa nói.
Một phần KĐT Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Quân.
|
Tháng 3/2002, UBND TP chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát quỹ đất trên địa bàn quận 2, giao đủ 160 ha để xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn quận 2, nhưng không cần tập trung mà chia nhỏ các dự án ra các phường. KTS Võ Kim Cương cho rằng việc chia các khu tái định cư thành dự án nhỏ, chia nhiều nơi là bình thường.
"Việc tái định cư, chỉ cần UBND TP.HCM chọn những khu đất đảm bảo tiện ích, công trình công cộng, quyền lợi xã hội cho người dân thì vẫn tốt. Không có vấn đề gì lắm", ông Cương nêu quan điểm.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm là dự án đầu tiên thực hiện kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng bằng hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), thành phố đổi đất lấy hạ tầng. Hiện dự án có hầm, cầu Thủ Thiêm, sắp tới có thêm cầu Thủ Thiêm 2 và 4.
Ban quản lý khu đô thị Thủ Thiêm xác định trong 5 năm, từ 2016-2020 tập trung đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm thành một trung tâm đô thị văn minh, hiện đại, trung tâm tài chính - dịch vụ - thương mại cao cấp của TP HCM và của cả khu vực.
Theo quy hoạch 1/2.000, khu đô thị mới thuộc địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh. Khu đô thị mới Thủ Thiêm chia làm 5 khu vực chính, gồm khu lõi trung tâm chính, khu dân cư phía bắc, khu dân cư dọc Đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía Đông, khu châu thổ phía nam.
Tổng dân số cư trú thường xuyên là 145.369 người, số người làm việc thường xuyên là 217.470 người và khách vãng lai là 1 triệu người (tối đa trong dịp lễ hội), văn phòng cho thuê dạng căn hộ là 1.719 người.
DiaOcOnline.vn - Theo Zing