Vì sao tàu điện nên vừa đi trên cao, vừa đi ngầm ở Hà Nội?

Cập nhật 22/06/2010 13:10

Trong định hướng quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội phải giải quyết được vấn nạn giao thông công cộng. Trong đó, giao thông đường sắt cộng cộng là vấn đề xương sống đáp ứng cho việc đi lại, giảm các phương tiện cá nhân.

Để độc giả hiểu rõ hơn về vai trò của tàu điện ngầm và đường sắt đô thị đối với Hà Nội, phóng viên tiếp tục đối thoại với các chuyên gia. Và lần này, Thạc sỹ, kỹ sư Lê Vinh - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội có những nhận định xung quanh dự án này.

* Thưa ông, Viện Quy hoạch xây dựng có nắm được thông tin Hà Nội mời Nga vào tư vấn, thiết kế xây dựng tàu điện ngầm không? Ngoài việc mời Nga, UBND TP.Hà Nội còn mời tư vấn nước ngoài nào khác?



Thạc sỹ, kỹ sư Lê Vinh, phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội. (Ảnh: Kiên Cường).
Tôi cũng đã nghe thông tin lãnh đạo Hà Nội mời Nga vào xây dựng tàu điện ngầm, vì cho đến nay, Nga là nước có hệ thống tàu điện ngầm tốt nhất thế giới và là nước có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng tàu điện ngầm.

Với chủ trương xây dựng các tuyến tàu điện ngầm và đường sắt đô thị, Hà Nội đã mời rất nhiều các tư vấn nước ngoài tham gia như: Pháp, Nhật, Trung Quốc, Đức... vào nghiên cứu từ trước khi mời Nga tham gia. Có thể nói Hà Nội vinh dự được nhiều nước có tàu điện ngầm và đường sắt đô thị tiên tiến giúp sức xây dựng. Tuy nhiên, việc xây dựng tàu điện ngầm hiện nay tại Hà Nội cũng có những khó khăn riêng và tốc độ của các dự án này là chậm.

* Nói riêng về tàu điện ngầm, loại hình giao thông này có vai trò thế nào đối với các đô thị lớn hiện nay, thưa ông?


Hệ thống giao thông công cộng hiện nay tại Hà Nội là xe buýt, loại phương tiện này đang quá tải, ví dụ tuyến Hà Nội - Hà Đông, Hà Nội - Nhổn. Vì vậy, Hà Nội cần phải nghĩ đến loại phương tiện khác lớn hơn để đáp ứng sự quá tải của xe buýt. Không những vậy, xe buýt hiện nay là “thủ phạm” gây ách tắc giao thông. Do vậy, giải pháp mà Hà Nội đang hướng tới cũng như thế giới đang làm đó là loại hình tàu điện ngầm, đường sắt đô thị.

* Ông có thể nói rõ hơn vì sao trong quy hoạch, lúc phải có tàu điện chạy trên cao, lúc lại chạy ngầm dưới lòng đất?

Do đặc thù của Hà Nội, nếu chạy vào bên trong lõi của thành phố ở trên cao sẽ tác động đến cảnh quan môi trường Thủ đô; thứ nữa là vấn đề giải phóng mặt bằng. Cho nên, theo thiết kế thì tất cả các tuyến tàu điện khi chạy vào trung tâm đều phải đi ngầm.

Theo quy hoạch hiện nay có 8 tuyến tàu điện. Trước đấy, theo quy hoạch 108 (đó là quy hoạch năm 1998 nên gọi tắt là 108) quy hoạch mạng lưới giao thông đường sắt nội đô có 5 tuyến và 3 tuyến dự trữ, tức là cũng có 8 tuyến. Đến lần thực hiện này khẳng định là có 8 tuyến.

Với tình hiện giao thông hiện nay tại Hà Nội, nếu không xây dựng tàu điện ngầm thì chỉ cần 5 năm nữa sẽ tắc nghẽn. Về vấn đề này, không cần phải nhà chuyên môn nói mà người dân cũng có thể nói được. Luật không cấm người dân tham gia giao thông, người tham gia giao thông có quyền sử dụng phương tiện cá nhân của mình, nhưng phải định hướng và có cái nhìn xa và rộng, để người dân khi tham gia giao thông nên sử dụng loại phương tiện nào thích hợp để hạn chế phương tiện cá nhân.

* Là đơn vị tham mưu cho UBND TP.Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng có vai trò gì nếu Hà Nội xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, thưa ông?


Viện Quy hoạch xây dựng là cơ quan chuyên môn, cơ quan nghiên cứu về quy hoạch của Hà Nội. Chúng tôi đang đặt ra quyết tâm quy hoạch xây dựng mạng lưới hệ thống tàu điện ngầm và đường sắt đô thị làm sao đảm bảo sự kết nối giữa các khu chức năng và đô thị; duy trì mối quan hệ giữa các điểm tập trung và các điểm thu hút khách. Vấn đề nữa là đảm bảo chuyển đổi giữa các loại phương tiện như xe buýt, xe cá nhân sang sử dụng tàu điện ngầm.

Chúng tôi sẽ xác định hành lang tuyến, đấy là việc rất quan trọng khi xây dựng tàu điện ngầm và đường sắt đô thị. Hiện nay có 5 tuyến đang nghiên cứu, đều do Viện Quy hoạch xây dựng thiết kế. Từ đó sẽ cung cấp cho các nhà tư vấn, đầu tư một cách cụ thể nhất.

Ví dụ, tuyến Hà Nội - Nhổn do Pháp đảm nhận. Tuyến Nam Thăng Long - Thượng Đình, chúng tôi cũng đã cung cấp hồ sơ bản đồ về hành lang tuyến để nhà đầu tư sử dụng trong việc triển khai xây dựng đường sắt đô thị. Và các tuyến khác chúng tôi cũng đã, đang cung cấp hồ sơ bản đồ về hành lang tuyến để nhà đầu từ thực hiện.

* Hà Nội xây dựng tàu điện ngầm, đường sắt đô thị sẽ gặp phải những khó khăn nào, thưa ông?

Đứng về góc độ Quy hoạch, khó khăn đầu tiên trong việc triển khai xây dựng hệ thống tàu điện ngầm tại Hà Nội là việc giải phóng mặt bằng. Trong nghiên cứu các hướng tuyến, chúng tôi luôn luôn đặt vấn đề làm sao giảm khối lượng giải phóng mặt bằng đến mức tối đa có thể.

Một vấn đề nữa là di tích lịch sử ở Hà Nội rất nhiều. Với tàu điện đi dưới mặt đất, vấn đề nảy sinh hiện nay là Luật chưa có quy định bảo vệ các di tích trên cao và bên dưới, đây là cái khó khi triển khai xây dựng. Ví dụ, tuyến số 3 tàu điện ngầm đi theo đường Cát Linh - Quốc Tử Giám để vào Ga Hà Nội. Đây là đoạn chạy ngầm qua Quốc Tử Giám, hiện nay đoạn này đang tranh cãi, nếu đi ngầm có ảnh hưởng gì đến di tích Quốc Tử Giám hay không? Rất khó để trả lời về việc có ảnh hưởng hay không ảnh hưởng. Nói tóm lại là hành lang bảo vệ các di tích ở dưới ngầm và trên không chưa có, mới chỉ có trên mặt đất, nên khi xây dựng đường sắt đô thị và ngầm đang bị mắc ở điểm này.

Cái khó tiếp theo là hệ thống tàu điện ngầm có rất nhiều tư vấn nước ngoài nghiên cứu để triển khai tại Hà Nội, với rất nhiều các hệ kỹ thuật khác nhau nên việc kết nối các hệ thống này cũng rất khó khăn. Kinh nghiệm trong việc xây dựng tàu điện ngầm ở nước ta còn hạn chế, nguồn lực còn thiếu, điều lo lắng hiện nay trong quá trình nghiên cứu hệ thống tàu điện ngầm đó là chuyển giao kỹ thuật. Vì càng nhiều nước tham gia, về mặt tương thích của các hệ kỹ thuật sẽ rất khó cho chúng ta. Kỹ thuật của Trung Quốc khác với của Nhật, kỹ thuật của Đức khác với kỹ thuật của Nga…

* Là cơ quan chuyên môn, theo ông, khi Hà Nội xây dựng tàu điện ngầm liệu có ảnh hưởng đến kiến trúc chung của thủ đô hay không?


Chúng tôi cũng đã nghiên cứu và có ý kiến với các cấp lãnh đạo của thành phố rằng: tất cả các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội khi đi vào phố cổ đều cơ bản đi ngầm. Chi phí đầu tư cho việc chạy tàu điện ngầm rất cao, nhưng không còn cách nào khác là vì Hà Nội muốn giữ lại những kiến trúc không gian của phố cổ.

* Nhiều ý kiến cho rằng, thủ đô Hà Nội lẽ ra phải có tàu điện ngầm và đường sắt đô thị rồi, để phần nào giảm tải giao thông nhưng đến giờ vẫn chưa có, theo ông ý kiến trên có đúng không?


Các ý kiến đó đều đúng thôi. Còn thời điểm này theo tôi là phải nghiên cứu để sớm thực hiện. Muốn nghiên cứu được hệ thống tàu điện ngầm để triển khai phải mất ít nhất 10 năm. Nếu bây giờ Hà Nội không làm không biết đến bao giờ mới làm được, trong khi đó giao thông ngày càng ách tắc rất trầm trọng.

Theo tôi được biết, Hà Nội đã nghiên cứu xây dựng hệ thống tàu điện ngầm nội đô cách đây khoảng 6 năm. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang nghiên cứu 4 tuyến đường sắt đô thị như: Hà Nội - Yên Viên chạy trên cao; Trung Tâm Hà Nội - Nam Thăng Long - Thượng Đình (tuyến này đang lập kế hoạch nghiên cứu giữa đường sắt chạy trên cao và đi ngầm); Hà Nội - Nhổn (tuyến này vừa kết hợp đường sắt trên cao và chạy ngầm do tư vấn, thiết kế của Pháp làm); và tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông (do Trung Quốc làm, hiện nay đang triển khai thực hiện, tuyến này hoàn toàn chạy trên cao). Nói tóm lại Hà Nội hiện nay có 4 tuyến đường sắt nội đô đang triển khai xây dựng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News