Vì sao phải có 20 m2 sàn nhà ở mới được nhập hộ khẩu ở TP.HCM?

Cập nhật 02/03/2018 16:36

Theo đề xuất mới nhất của Sở Xây dựng TP.HCM, người có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân với diện tích tối thiểu 20m2 sàn/người mới được đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu).


Đô thị TP.HCM liên tục phát triển nhưng áp lực nhà ở vẫn không ngừng gia tăng do dân số tăng cao. TP.HCM phấn đấu đến cuối năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8 m2/người, hiện nay hơn 17,5 m2/người. ẢNH: ĐÌNH PHÚ

Vì sao phải quy định như thế?

TP.HCM có hơn 8 triệu dân thường trú (có hộ khẩu). Tuy nhiên, nếu tính cả số người thường xuyên lưu trú dài hạn trên địa bàn thành phố thì lên đến khoảng 13 triệu người. Như vậy, khoảng 5 triệu người “sống ở Sài Gòn”  theo diện tạm trú, thậm chí một bộ phận không nhỏ người nhập cư, lao động phổ thông đến sinh sống, lao động mưu sinh nhưng không hề đăng ký cư trú với chính quyền địa phương.
Với đặc thù như thế, để tạo thuận lợi cho người dân, TP.HCM trong nhiều năm qua áp dụng quy định diện tích nhà ở bình quân tối thiểu 5 m2 sàn/người để cho nhập hộ khẩu theo luật Cư trú 2006.

Trong khi đó, khi luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cư trú năm 2013 (có hiệu lực từ 1.1.2014) quy định diện tích nhà ở bình quân tối thiểu để nhập hộ khẩu do HĐND tỉnh, thành quyết định theo đặc thù của từng địa phương, thì việc cho nhập hộ khẩu ở TP.HCM có lúc bị gián đoạn. Lý do bởi quy định diện tích nhà ở bình quân tối thiểu theo quy định mới đến nay vẫn chưa được TP.HCM thông qua. Tuy nhiên, để giải quyết nhu cầu thực tế, TP.HCM tái áp dụng quy định diện tích nhà ở tối thiểu 5 m2 sàn/người để cho nhập hộ khẩu.


TP.HCM có hơn 8 triệu dân thường trú (có hộ khẩu). Tuy nhiên, nếu tính cả số người thường xuyên lưu trú dài hạn trên địa bàn thành phố thì lên đến khoảng 13 triệu người gây nên nhiều áp lực về hạ tầng, giao thông… ẢNH: ĐÌNH PHÚ

Nhiều ý kiến trái chiều

Diện tích sàn nhà ở bình quân tối thiểu bao nhiêu mét vuông/người nhằm phù hợp quy định mới từng nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Có quan điểm cho rằng cần quy định chênh lệch diện tích bình quân tối thiểu phân chia theo khu vực ngoại thành (5 huyện: Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ, gọi tắt là khu vực 2; mật độ dân số bình quân chỉ mới hơn 1.000 người/km2) và khu vực nội thành với 19 quận (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú và Thủ Đức, gọi tắt là khu vực 1; mật độ dân số bình quân 19 quận này đã lên đến hơn 13.000 người/km2, đồng thời xu hướng nhập hộ khẩu vào 19 quận hiện nay cũng đang chiếm tỷ lệ rất cao với hơn 95%). Do đó, tính toán quy định diện tích bình quân tối thiểu của khu vực 1 cao hơn khu vực 2 từ 1,5 - 2 lần để góp phần giãn dân từ nội thành ra ngoại thành.

Một quan điểm khác thì cho rằng khu vực nội thành (19 quận) có nhiều nhà nhỏ hẹp, nếu như quy định diện tích bình quân tối thiểu cao thì gây khó cho dân, trong đó có đông đảo công nhân, người lao động. Do đó, nên tính toán giữ nguyên mức 5 m2 sàn/người như hiện nay, hoặc giao động chỉ từ 4 - 6 m2 sàn/người.

Có quan điểm đề nghị cần cân nhắc và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay. Lý do, hạn chế việc tập trung quá đông dân vào khu vực trung tâm là cần thiết, nhưng nên thực hiện bằng những giải pháp kinh tế, còn can thiệp bằng biện pháp hành chính như hạn chế nhập hộ khẩu thì thực tế vẫn không ngăn được số lượng dân di cư vào khu vực đô thị mà chỉ gây thêm khó khăn cho người dân.

Cơ quan liên quan nói gì?

UBND TP.HCM từng họp bàn nhiều lần để gỡ khó hộ khẩu cho người dân. Riêng Sở Xây dựng (chủ trì đề xuất), từ năm 2014 đến nay, Sở cũng đã tổ chức họp bàn rất nhiều lần với 24 quận, huyện, các sở ngành liên quan để đi đến thống nhất đề xuất mức diện tích sàn nhà ở bình quân tối thiểu 20 m2/người; đồng thời diện tích bình quân này sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hộ của TP.HCM theo từng thời kỳ.

Sở Xây dựng cho rằng việc ban hành quy định diện tích bình quân tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân là cần thiết, nhằm đáp ứng được vấn đề nhập cư, giãn dân và tạo môi trường sống cho người dân tại địa bàn TP.HCM được đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu…

Trong khi đó, Sở Tư pháp khi rà soát tính pháp lý của đề xuất cũng thống nhất mức 20 m2/người để nhập hộ khẩu, bởi đây là 1 tiêu chí phấn đấu đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015 - 2020: “Đến cuối năm 2020, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 40 triệu m2, và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8 m2/người”.

Dự kiến vấn đề này sẽ được kỳ họp HĐND TP.HCM diễn ra vào giữa tháng 3.2018 bàn thảo, xem xét thông qua để thực hiện từ năm 2018.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa, thành phố sẽ tính toán hợp lý với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân.

Đề xuất quy định mới về diện tích nhà ở tối thiểu để nhập hộ khẩu sẽ không áp dụng đối với các trường hợp đăng ký tạm trú có thời hạn, cũng không áp dụng đối với các trường hợp vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha mẹ; cha mẹ về ở với con; người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột; người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột...



DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên