Vì sao nhà thu nhập thấp ở Hà Nội đắt nhất nước?

Cập nhật 21/04/2011 15:10

Cùng chính sách ưu đãi như nhau, chi phí vật liệu, nhân công khá tương đồng, nhưng nhà thu nhập thấp ở Hà Nội có giá bán cao hơn nhiều so với TPHCM và Đà Nẵng.

Dự án nhà TNT ở Đặng Xá (Gia Lâm - HN) năm 2012 bàn giao nhà, giá tới 11.6 triệu đồng/m2.

Mỗi nơi một giá

Hai trong năm dự án nhà thu nhập thấp (TNT) mở bán cùng lúc tại Hà Nội đã được chủ đầu tư đưa ra mức bán tạm tính. Tại dự án Kiến Hưng (quận Hà Đông), chủ đầu tư là Cty Cổ phần Vinaconex Xuân Mai đưa ra giá bán 11.6 triệu đồng/m2. Mức giá này áp dụng cho toàn dự án, không phân hạng theo tầng. Như vậy, so với giá bán 8.8 triệu đồng/m2 (trước thuế) của dự án CT1-Ngô Thì Nhậm (cũng của chủ đầu tư này), giá đợt này cao hơn tới 2.8 triệu đồng/m2. Trong khi đó, vị trí dự án Kiến Hưng thuộc dạng heo hút, xa trung tâm hơn dự án Ngô Thì Nhậm.

Đối với dự án nhà TNT tại Đặng Xá (huyện Gia Lâm) do Cty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera làm chủ đầu tư, mức giá mà đơn vị này trình thành phố phê duyệt là 11.6 triệu đồng/m2 (bao gồm cả thuế VAT). Đại diện các chủ đầu tư đều cho rằng, đây chỉ là mức giá tạm tính dựa trên nguyên tắc tính đúng-tính đủ. Theo đó, những gì Nhà nước đã ưu đãi thì không được đưa vào giá thành và doanh nghiệp chỉ được tính lãi 10% theo quy định.

Lý giải vì sao cùng chính sách như nhau nhưng giá nhà TNT ở Hà Nội lại cao hơn nhiều so với TPHCM, ông Nguyễn Văn Đa, Phó Giám đốc Vinaconex Xuân Mai, nói:

“Nếu bảo giá nhà TNT ở Hà Nội cao hơn TPHCM thì cũng đúng. Thực ra, nhu cầu nhà ở Hà Nội cao hơn hẳn TPHCM, hơn nữa việc so sánh thì phải toàn diện. Tùy từng vị trí và thời điểm, nhà TNT sẽ có giá bán khác nhau. Nhà TNT chỉ được ưu tiên tiền sử dụng đất thôi chứ còn giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nhà là do từng dự án một thì khác nhau. Chẳng hạn, cũng là san lấp cho một khu đất để xây nhà, chỗ này tôi phải san lấp hết 1.5m, chỗ kia chỉ san lấp 30 phân thôi thì đương nhiên giá khác nhau rồi”.

Khí hậu khác, giá khác

Đại diện một số chủ đầu tư cũng cho rằng, các dự án nhà ở phía Nam phần lớn do công ty tư nhân đầu tư và xây dựng tự thuê lao động nên có thể tiết kiệm được chi phí trả lương, đóng bảo hiểm... Còn tại Hà Nội, do cung quá lệch cầu nên giá nhà ở thương mại bị đẩy lên cao và vượt xa so với TPHCM.

“Ngay cả điều kiện khí hậu hai vùng khác nhau nên phần thiết kế công trình với tiêu chuẩn cũng có những quy định khác nhau, nhất là kháng chấn. Đó là chưa kể các sản phẩm vật liệu xây dựng được sử dụng cũng rất khác nhau. Nhà TNT ở TP HCM thường xây cao 8 tầng, còn ở Hà Nội thường xây cao hơn. Khi xây dựng trên 8 tầng, chi phí mà chủ đầu tư phải bỏ ra cho việc gia cố móng, cho hệ thống thang máy là rất tốn kém và những chi phí này sẽ quy vào giá thành mỗi mét vuông căn hộ cho người mua”, một chủ đầu tư nói.

Ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, vị trí rất quan trọng, cũng là nhà TNT nhưng khi đền bù giải phóng mặt bằng chỗ này cao hơn, chỗ kia thấp hơn thì đương nhiên giá nhà sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, giá vật liệu nơi này khác nơi kia. “Chênh lệch giữa giá nhà TNT ở TPHCM và Hà Nội là có nhưng không quá lớn. Giá nhà TNT không phải chủ đầu tư có quyền quyết định mà chỉ được đề xuất để chính quyền xem xét, phê duyệt. Quy định định giá như thế nào thì Quyết định số 67 đã nêu rất rõ. Chính quyền địa phương làm công minh chính xác thì ta phải tin chính quyền địa phương”, ông Thiện nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cơ chế nhà TNT là cơ chế xã hội hóa: doanh nghiệp vay vốn thương mại để làm, Nhà nước hỗ trợ một số mặt để giảm giá. Một yếu tố khiến giá nhà TNT ở Hà Nội cao hơn TPHCM là bình thường giá nhà thương mại ở Hà Nội luôn cao hơn TPHCM.

Ngoài ra, Chính phủ không thu tiền sử dụng đất nhưng doanh nghiệp phải tự bỏ tiền ra đền bù giải phóng mặt bằng (phụ thuộc giá đất từng khu vực do UBND tỉnh, thành phố công bố trên nguyên tắc sát với giá thị trường). Theo giá thị trường, giá đất ở Hà Nội cao hơn ở TPHCM.

Ông Nam cho rằng, ngoài ra cần so sánh vị trí, chi phí, mức độ hoàn thiện của ngôi nhà. Nhà TNT có thang máy, lát gạch men đẹp, có tủ bếp đàng hoàng thì giá bán sẽ cao hơn.

TPHCM: Giá nhà thương mại 11 triệu đồng/m2

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành, tính toán, theo mức giá hiện tại, chi phí xây dựng một căn nhà thương mại khoảng 4 - 4,5 triệu đồng/m2, bao gồm phần diện tích chung như hành lang, thang máy, tầng hầm, sân thượng… chiếm khoảng 30% diện tích tòa nhà. Như vậy, mỗi mét vuông căn hộ sẽ có giá từ 5.7 - 6.5 triệu đồng.

Ngoài ra, lãi suất vay vốn ở mức bình quân 1,5 triệu đồng/m2. Các chi phí về hạ tầng bao gồm tiền làm đường, điện, nước, công viên... ở mức khoảng 1 triệu đồng/m2, phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.5 - 2 triệu đồng/m2, thuế chuyển quyền sử dụng đất khoảng 1 triệu đồng/m2. Như vậy, chi phí để hoàn tất một căn hộ vào khoảng 11 - 12 triệu đồng/m2, chủ đầu tư chào bán với giá 13 - 15 triệu đồng/m2 là hợp lý, ông Đực nói.

Tại TPHCM có nhiều dự án nhà ở tại các quận Thủ Đức, Bình Chánh, quận 9, Nhà Bè, Hóc Môn, Tân Phú... (cách trung tâm thành phố khoảng 10km) được chào bán với mức giá từ 12 - 14 triệu đồng/m2. Dự án Đại Thành (quận Tân Phú) được chào bán với giá 13,1 triệu đồng/m2, dự án Happy Plaza (Bình Chánh) 12.5 - 13.5 triệu đồng/m2, dự án Anh Tuấn Apartment (Nhà Bè) 11 - 12 triệu đồng/m2...

Theo ông Lê Tấn Hòa, Tổng Giám đốc Cty SHB-Lilama, nhận định, nếu xây nhà thu nhập thấp với các ưu đãi về vốn và tiền sử dụng đất, giá nhà thu nhập thấp chỉ cần ở mức 9 - 10 triệu đồng/m2 là doanh nghiệp đã có lời. Ông Hòa cho biết, những dự án nhà thu nhập thấp tại TPHCM hoàn tất trong năm 2010 được bán với giá từ 8 triệu đồng/m2.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong