Vì sao khó trùng tu nhà cổ Hội An?

Cập nhật 26/10/2008 01:00

Quần thể di tích - nhà cổ ở Hội An đã làm nên một Hội An di sản văn hóa thế giới và thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ, cộng đồng trở nên giàu có. Nhưng mỗi khi đến mùa mưa bão vẫn là điệp khúc di tích - nhà cổ rung rinh trước gió to, lũ lớn.

Ông Nguyễn Chí Trung - giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An - mổ xẻ những vấn đề xung quanh việc tu bổ, bảo tồn.

* Công tác tu bổ, bảo tồn thời gian qua đã thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Khoảng 30 nhà cổ - di tích do Nhà nước quản lý đã được tập trung tu bổ về cơ bản. Song còn 69 di tích - nhà cổ của dân trong khu phố cổ chưa được tu bổ, đang được chống đỡ, trong đó 42 di tích - nhà cổ phải di dời cục bộ khi bão lũ xảy ra, 17 trường hợp xuống cấp nặng phải di dời nơi khác và mười nhà hư nặng nề, không an toàn tạm thời được tháo dỡ.

* Vậy việc trùng tu có phải do thiếu tiền?

- Nhà nước đã đầu tư đáng kể để bảo tồn, khai thác. Chẳng hạn như 30 công trình di tích Nhà nước quản lý được khai thác hiệu quả và không gặp vấn đề gì trong mùa mưa bão.

Gian nan nhất là chuyện tu bổ di tích - nhà cổ trong dân. Thật ra, tùy mức độ bảo tồn của từng nhà, Nhà nước có các hình thức hỗ trợ khác nhau. Chẳng hạn nhà đặc biệt, mặt tiền phố cổ thì hỗ trợ đến 60% tổng kinh phí tu bổ, trong hẻm được hỗ trợ 75%, nhà loại 3 hỗ trợ 40-60%. Với mức hỗ trợ này có nhà được hưởng đến 500-700 triệu đồng.

Tôi xin khẳng định kinh phí tu bổ di tích - nhà cổ không thiếu, Nhà nước luôn sẵn tiền trong kho bạc hỗ trợ người dân tu bổ di tích. Thậm chí có năm tiền giải ngân không hết.

* Vậy vướng mắc nằm ở người dân?

- Có rất nhiều khó khăn khách quan và chủ quan trong quá trình tu bổ di tích - nhà cổ thời gian vài năm lại đây. Kinh phí trùng tu mỗi ngôi nhà quá cao nên vốn đối ứng từ chủ di tích là không đủ. Chi phí tu sửa mỗi căn nhà 300-500 triệu đồng trở lên, có căn nhà tốn cả tỉ đồng. Tiền bỏ ra lớn, chủ nhà không cấp thiết phải tu bổ khi họ tính toán không thu được lợi nhuận để đắp vào.

Một nguyên nhân chính khác là tính đồng thừa kế, đồng sở hữu, đồng sử dụng nhà cổ nên không xác định ai là chủ nhà thật sự để họ có trách nhiệm, quyền lợi với căn nhà. Vấn đề này phức tạp nên nhiều năm qua vẫn chưa gỡ được. Ví dụ có nhà cổ cha mẹ để lại cho ba, bốn người con thì ai bỏ tiền ra cùng với Nhà nước để trùng tu, ai hưởng lợi bao nhiêu từ ngôi nhà này, rồi chia chác tài sản sau này ra sao, ai trả tiền vay...

Với loại nhà cổ nằm trong hẻm, không kinh doanh thu lợi được từ du lịch, chủ nhà lại nghèo nên không mặn mà với chuyện tu bổ. Yếu tố quan trọng nữa khiến các di tích - nhà cổ sửa chữa chậm, trượt tiến độ là việc trùng tu đòi hỏi vật tư, vật liệu nguyên gốc nên tìm khó khăn, rồi thủ tục xây dựng cơ bản kéo dài...

* Chẳng lẽ Nhà nước không gỡ nổi, thưa ông?

- Vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã có cơ chế hỗ trợ thêm như chỉ cần chủ nhà cổ có tối thiểu vốn đối ứng 15%, số còn lại được vay 3-5 năm không lấy lãi. Với mức hỗ trợ này đã có khoảng mười chủ nhà hưởng ứng và đang lập dự toán thiết kế để trùng tu.

Mới đây, Chính phủ đã xác định cần có một giải pháp lâu dài cho vấn đề ở Hội An. Dự án mới này, từ năm 2009-2015, hiện đã lập xong và chuẩn bị báo cáo với tỉnh. Hi vọng khi dự án này triển khai sẽ đáp ứng được yêu cầu bảo tồn nhà cổ.

Đó là một dự án tổng thể để tiếp tục bảo tồn cho phố cổ Hội An về lâu dài, theo cách tiếp cận mới. Nó không chỉ quan tâm di tích - nhà cổ mà còn hướng đến bảo tồn tổng thể hơn về mặt vật thể và phi vật thể, không những trực tiếp cho phố cổ mà những công trình bảo vệ từ xa như đê - kè hạn chế lũ lụt, đường giao thông, khơi thông dòng chảy... nhằm để bảo vệ vùng lõi phố cổ. Theo báo cáo đầu tư ban đầu, dự án này gần 1.000 tỉ đồng huy động nhiều nguồn, thậm chí còn tính đến phương án phát hành trái phiếu Chính phủ.

Nhưng nói cho cùng, để di tích - nhà cổ Hội An tu bổ kịp thời, “sống chung” với bão, lũ, khỏi phải “kêu” hằng năm là việc bảo tồn phải gắn với lợi ích cộng đồng và đời sống mỗi người dân Hội An.

* Xin cảm ơn ông.

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO