Theo ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP.HCM thì tính tới thời điểm này mới chỉ có 179 khách hàng cá nhân tiếp cận được gói 3 ngàn tỷ với số tiền được vay là trên 100 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được 31 tỷ đồng.
Quá nhiều thủ tục rườm rà
Trong vai một người đi tìm mua căn hộ chung cư tại Q.9, chúng tôi liên hệ với chị Thảo đang bán căn hộ ở Nhơn Phú (Q.9) với giá gần 12 triệu đồng/m2 (Căn 45m2 có giá trên 5 trăm triệu). Ngoài những ưu đãi như giao nhà hoàn thiện, chỉ phải trả 5% thuế VAT... thì còn có thông tin làm chúng tôi vô cùng háo hức khi biết "Dự án đầu tiên tại Q.9 đủ điều kiện vay ưu đãi với lãi suất 6%/năm trong gói tín dụng 30.000 tỷ của Nhà nước". Chúng tôi hỏi thủ tục thế nào, chị Thảo nói ngay, nếu anh là cán bộ công nhân viên Nhà nước thì còn có thể, chứ nếu làm tư nhân thì rất khó vì thủ tục rườm rà. Chúng tôi nói đang làm việc cho một công ty liên doanh nước ngoài chị Thảo nói như vậy sẽ rất khó.
Nhiều người dân cho rằng, các doanh nghiệp xả hàng không đồng nghĩa với việc bắt họ phải chịu lỗ.
|
Để kiểm nghiệm, chúng tôi tìm đến các ngân hàng có triển khai chính sách cho vay gói 3 ngàn tỷ, hỗ trợ mua nhà để tìm hiểu. Đến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Võ Văn Tần, Q.3 và được anh Mạnh, cán bộ Ngân hàng này cho biết, để làm hồ sơ vay, đầu tiên phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú về tình trạng nhà ở. Kế đến, phải chứng minh được các nguồn thu nhập để có khả năng trả nợ hay không. Nếu được thì nguồn vay có thời hạn tối đa là 10 năm, lãi suất hiện nay được điều chỉnh xuống còn 5%, chứ không phải là 6% nữa. Từ năm thứ 2 trở đi, lãi suất sẽ không quá 5% (tính theo lãi suất ngân hàng chia đôi). Khi tiến hành mua phải tuân thủ điều kiện là nhà có diện tích không quá 70m2 và giá không quá 15 triệu đồng/m2. Khi chúng tôi hỏi có dễ tiếp cận nguồn vốn này, anh Mạnh cho biết: "Tương đối khó, gói này là hỗ trợ nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, thế nên duyệt hơi khó".
Tương tự tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), chi nhánh 3 chúng tôi cũng được các nhân viên ở đây tư vấn tương tự như trên. Chính vì những điều kiện ngặt nghèo đó và có quá nhiều thủ tục đã khiến rất nhiều người có nhu cầu mua nhà đã bị lọt lưới, vì không thể đáp ứng các tiêu chí của các ngân hàng đưa ra.
Tạm ngưng cung vì chưa có đầu ra
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính vì người dân không tiếp cận được với gói hỗ trợ này nên việc bán hàng trong thời điểm này là hết sức khó khăn đối với các DN, dẫn tới BĐS tồn kho còn rất lớn. Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, tại TP. có nhiều dự án giảm tới 20 - 30%, thậm chí lên tới 50% để bán hàng, đó là chưa kể các hình thức giảm giá gián tiếp như khách hàng chỉ phải đóng 30%, còn 70% sẽ trả sau khi nhận nhà nhưng khách hàng không phải chịu lãi vay trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, dù đã giảm nhưng khó có thể nói giá đó đã phù hợp với người dân hay chưa, bởi vì các mặt hàng khác cũng đã có những mặt bằng giá cao mới nhưng thu nhập của người dân vẫn tăng không đáng kể. Do vậy, không thể bắt các DN đầu tư BĐS giảm giá thêm để chịu lỗ, bởi họ cũng phải mua nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là chịu lãi vay ngân hàng, trái lại phải tính đến các phương án tăng thu nhập để người dân tiếp cận với nhà đất. Chính vì mâu thuẫn: Người dân không có tiền, giá BĐS vẫn còn cao dẫn tới hệ quả là đang còn rất nhiều hàng tồn.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư, sở Xây dựng TP.HCM cho biết, tính từ năm 2011 đến tháng 9/2013, trên địa bàn TP. có gần 19,2 ngàn căn hộ hoàn thành để đưa vào sử dụng. Trong đó, có khoảng 4 trăm căn hộ hạng sang, gần 7 ngàn căn hộ cao cấp, trên 3,4 ngàn căn hộ trung cấp và gần 8,6 ngàn căn hộ bình dân. Riêng căn hộ chung cư, tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP. có khoảng trên 53 ngàn căn hộ hoàn thành để đưa vào sử dụng. Trong đó phân khúc bình dân chiếm cao nhất, với tỷ lệ 34% (trên 18 ngàn căn hộ), phân khúc trung cấp chiếm 33%, phân khúc cao cấp chiếm 31% và phân khúc hạng sang chỉ chiếm có 2% (gần 1 ngàn căn hộ).
Cũng theo ông Dũng thì thời điểm này, việc bán hàng đối với các doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn, kể cả phân khúc chung cư. Khi thị trường trầm lắng, thanh khoản kém, giá bán các phân khúc chung cư đều giảm. Trong đó, chung cư hạng sang giảm tới 12%, chung cư cao cấp giảm trên 10%, chung cư trung cấp cũng giảm 9,5% và chung cư bình dân giảm 4,8% so với năm 2011. Về giá, phân khúc chung cư bình dân cũng ít biến động, tương đối ổn định do khách hàng mua để ở là nhu cầu có thực.
Theo thống kê của sở Xây dựng TP.HCM thì hết tháng 10/2013, TP. đã tiêu thụ được được khoảng 4.788 căn trong tổng số gần 15 ngàn căn hộ, ước giá trị khoảng gần 8,3 ngàn tỷ đồng. Như vậy, tại TP. hiện còn gần khoảng 9.702 căn, ước giá trị khoảng trên 16,6 ngàn tỷ đồng. Sở Xây dựng nhận định, tình hình thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn, phần lớn các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP. tạm ngưng triển khai đầu tư xây dựng, do thiếu vốn đầu tư và thị trường đóng băng, thanh khoản kém. Ngoài ra, số lượng khách hàng ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ nhà ở với ngân hàng còn ít, mức độ giải ngân chưa cao, phụ thuộc vào tiến độ thi công của công trình nhà ở.
9 ngàn căn hộ xin chuyển sang nhà ở xã hội
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, tới thời điểm này, TP. đã nhận được 10 hồ sơ đăng ký chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội với quy mô sử dụng đất là gần 19ha, số lượng căn hộ là trên 9 ngàn căn, tăng gần 4,4 ngàn căn, tổng mức đầu tư khoảng 6.769 tỷ đồng. Trong số này có 418 căn hộ thuộc Dự án Khu căn hộ cao tầng 584 Tân Phú hiện đã thi công xong phần thô. Còn các dự án khác cũng đã bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn thành nhưng chưa khởi công hoặc đã khởi công nhưng chỉ mới đầu tư xong phần móng.
DiaOcOnline.vn - Theo Đời sống & Pháp luật