Việc Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) kể từ ngày 1-1-2018, cho đến khi nghị định của Chính phủ quy định vấn đề này có hiệu lực thi hành, đã làm nhiều địa phương phản ứng vì làm chậm trễ các dự án cũng như thiệt hại về kinh tế.
Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết:
Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 (có hiệu lực từ 1-1-2018), Nhà nước cho phép sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 16 nghị định, quyết định để thực thi luật. Nhưng riêng trong vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi làm BT, Bộ Tài chính đã soạn thảo dự thảo nghị định và đã trình Chính phủ.
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng nên chấm dứt đầu tư BT tại nơi có điều kiện phát triển, chỉ thực hiện BT khi không có nhà đầu tư. Song theo tôi, việc có nên chấm dứt BT nơi có điều kiện thuận lợi hay không, phụ thuộc quy định pháp luật của đầu tư, Bộ Tài chính làm khâu sau. |
Lãnh đạo Chính phủ cũng đã cho ý kiến vào dự thảo nghị định, Văn phòng Chính phủ cũng đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Tại Nghị quyết 119/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện các nội dung cả đầu tư và sử dụng tài sản công thực hiện thanh toán. Dự thảo nghị định đã được trình Chính phủ từ tháng 10-2017, nhưng đến nay nghị định này vẫn chưa được ban hành.
Thực ra trong xây dựng dự thảo nghị định, chúng tôi thấy đây là vấn đề khó do liên quan đến nhiều quy định pháp luật khác nhau về đầu tư, quản lý tài sản công, xây dựng, đất đai, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán bảo đảm giá thị trường, tránh thất thoát lãng phí.
Do đó Chính phủ thận trọng trong hoàn thiện nghị định này trước khi ban hành. Và khi nghị định chưa được ban hành, Bộ Tài chính nhận thấy từ 1-1-2018 sẽ xuất hiện khoảng trống pháp lý, nên đã có văn bản xin ý kiến một số nội dung, trong đó có việc dùng tài sản công thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
PHÓNG VIÊN: - Vậy Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý khoảng trống pháp lý kể từ ngày 1-1-2018. Cụ thể là gì, thưa ông?
Ông NGUYỄN TÂN THỊNH: - Như tôi đã đề cập, tới ngày 1-1-2018, khi dự thảo nghị định chưa được Chính phủ ký ban hành, Bộ Tài chính đã nhận thấy sẽ xuất hiện khoảng trống pháp lý, nên ngay tháng 1 đã xin ý kiến Chính phủ về việc chuyển tiếp một số nội dung, trong đó có xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.
Nếu không có BT đổi đất lấy hạ tầng, TPHCM khó thực hiện kế hoạch di dời nhà ven kênh. Ảnh: LONG THANH
|
Bộ Tài chính đề xuất hình thức văn bản là nghị quyết của Chính phủ. Phạm vi áp dụng sẽ điều chỉnh với dự án đã ký kết hợp đồng BT trước ngày 1-1-2018, phù hợp với quy định pháp luật trước thời điểm ký kết sẽ được thanh toán theo quy định pháp luật áp dụng cho từng thời kỳ.
Trong đó cũng quy định trình tự thủ tục, thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT áp dụng cho từng thời kỳ; hướng dẫn xác định giá trị tài sản thanh toán cho nhà đầu tư, đặc biệt tài sản đất theo giá thị trường nhằm tránh thất thoát (trong đó áp dụng giao đất có trao quyền sử dụng đất, giao đất trả tiền một lần mà không phải thanh toán tiền hàng năm); áp dụng nguyên tắc ngang giá, giá trị công trình BT tính theo giá quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, giá trị đất tính theo giá thị trường, theo quy định pháp luật về giá trị quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai.
- Tại sao việc xác định giá trị tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT lại không tính với trường hợp cho thuê đất trả nhiều lần, thưa ông?
- Khi sử dụng quỹ đất cho thuê đất trả tiền một lần mới cân đối với dự án BT, giá trị dự án BT vì mỗi năm phát sinh con số rất nhỏ, không cân đối cho dự án đó được. Việc xác định giá trị tài sản công được quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, từ xác định giá trị sử dụng đất theo thị trường, thời điểm xác định là thời điểm thanh toán, theo quy định pháp luật đất đai…
Chẳng hạn, hiện nay việc xác định trị quyền sử dụng đất tiền thuê đất theo mục đích sử dụng mới, có thể đất nông nghiệp nhưng quy hoạch thành đô thị, nên tính theo giá đất khu đô thị không phải nông nghiệp.
- Làm sao để bịt lỗ hổng chỉ định thầu, tự định giá thỏa thuận giá?
- Kết luận của Chính phủ có 2 vế. Vế đầu là thực hiện hình thức BT thế nào cho tốt, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư đánh giá cụ thể hiệu quả của dự án BT, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung, đặc biệt khâu chọn nhà đầu tư, giao đất, cho thuê đất, phân định rõ đấu thầu, đấu giá bảo đảm tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.
Còn Bộ Tài chính ban hành quy định chi tiết hướng dẫn tài sản thanh toán cho nhà đầu tư. Quan điểm của Bộ Tài chính là giá đất, giá tài sản gắn liên với đất, giá công trình kết cấu hạ tầng thanh toán cho nhà đầu tư phải xác định theo giá thị trường, với các phương pháp đã được quy định. Nguyên tắc thanh toán BT là thanh toán tương ứng với phần công việc nhà đầu tư thực hiện, những vấn đề liên quan đến khoản lãi vay…
- Xin cảm ơn ông.
DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC