Vì sao dự án bất động sản giảm giá 'khủng' vẫn ế ẩm?

Cập nhật 09/12/2011 08:50

Thời gian gần đây, hàng loạt các dự án bất động sản được chào bán với mức giá giảm hơn rất nhiều so với mức giá trước đó. Tuy nhiên, dù giảm giá mạnh, nhưng các dự án vẫn gần như ế ẩm. Vậy nguyên nhân từ đâu?

Đại gia “bao sân”


Trước hết, phải khẳng định việc giảm giá của nhiều dự án bất động sản thời gian gần đây là có thực. Việc giảm giá này được đánh giá là tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản Việt Nam, đưa giá bất động sản về gần với giá trị thực.

Đối với thị trường bất động sản nói chung, đặc biệt là thị trường Hà Nội, thời gian qua giá của bất động sản đã bị “thổi” lên gấp nhiều lần so với giá trị thực, việc đầu cơ, mua đi bán lại nhằm kiếm lời đã thành phương thức làm ăn của nhiều người trong giới đầu tư bất động sản.

Tâm sự về việc dự án giảm giá, chủ đầu tư của một dự án lớn ở Hà Nội từng cảm thấy “mừng” khi dự án của mình bị rớt giá mạnh. Lý do được vị này giải thích là vì xưa nay, các dự án thường được bán qua các nhà đầu tư thứ cấp và hệ thống các nhà đầu tư thứ cấp này không khác gì một hệ thống “chân rết”. Vì thế, sản phẩm bán ra từ chủ đầu tư, giá rất thấp. Nhưng qua các khâu trung gian “chân rết” này, giá đến tay người mua đã đội lên gấp hàng chục lần.

“Dự án giảm giá, với chủ đầu tư là tin mừng. Giảm giá thực chất là đưa về gần với giá của chủ đầu tư bán ra, tức là nhà đầu tư thứ cấp sẽ phải lời lãi ít đi. Còn chủ đầu tư thì không bị ảnh hưởng về giá, trong khi giảm giá có thể thu hút được nhiều khách hàng, dự án bán nhanh hơn và thu hồi vốn nhanh để đầu tư cho dự án khác”, vị chủ đầu tư cho hay.

Thông tin về các dự án bất động sản giảm giá có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng và các phương tiện thông tin truyền thông khác. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia trong nghề, việc giảm giá này cũng cần phải phân biệt rõ ràng.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, người mua cần phải có con mắt thật tinh tường để nhận biết được vì sao chủ đầu tư hạ giá. Nếu dự án đó giảm giá vì chủ đầu tư đang cần thanh khoản vốn nhanh để tái sản xuất, thì người mua nên nhanh chóng nắm bắt cơ hội.

Tuy nhiên, cũng có những dự án 1 ngày có thể xuống 4 lần giá khi qua tay các môi giới. Tuy nhiên, sản phẩm hạ giá cũng có thể do “dính” nhiều nguyên nhân như: chất lượng, vướng mắc về vấn đề pháp lý, cơ sở hạ tầng, quy hoạch,…

Nhiều dự án đã rao bán đến hàng tháng trời, nhưng vẫn ế.

“Hạ giá phải phân biệt, những dự án tốt, có vị trí đẹp và chiến lược rõ ràng thì người mua nên cân nhắc lựa chọn”, ông Cường cho biết.

Với những dự án này, có thể thấy, dù giá có giảm nhưng chính bản thân khách hàng cũng không dám mua. Vì vậy, dù dự án đã rao bán đến hàng tháng trời, nhưng vẫn ế.

Thời gian gần đây, có không ít các dự án bất động sản đưa ra mức giá giảm rất mạnh, tuy nhiên, khách hàng vẫn không thể tiếp cận để mua được. Mặc dù thông tin tràn lan trên các phương tiện về việc giảm giá “sốc”, nhưng không ít khách hàng phản ánh lại, khi liên hệ thì hầu hết các sản phẩm đã có chủ.

Lý giải về điều này, giám đốc một công ty bất động sản tại Hà Nội tiết lộ, đa số các dự án giảm giá sốc là do chủ đầu tư đang gặp khó khăn về nguồn vốn, cần bán đi để trả nợ ngân hàng hoặc lấy tiền đầu tư vào dự án khác.

Tuy nhiên, ngay khi chào bán với mức giá “hời” đó, thì ngay lập tức các “đại gia” bất động sản, có tiềm lực về tài chính đã mua lại làm “của để dành” dưới nhiều hình thức như: chuyển nhượng dự án sang chủ đầu tư mới,…. Và vì thế, dù giảm giá nhưng khách hàng có nhu cầu vẫn khó có thể mua được.

Giảm giá ảo


Một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều dự án bất động sản giảm giá nhưng vẫn “mang tiếng ế” vì chủ đầu tư chỉ lợi dụng việc giảm giá như một chiêu thức PR, câu khách.

Thời gian vừa qua, sự kiện khiến thị trường náo loạn nhất phải kể tới là dự án Petro Vietnam Landmark (quận 2, Tp.HCM) của Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) công bố sẽ giảm giá gần 30%, từ hơn 21 triệu đồng/m2 xuống còn 15,5 triệu/m2.

Nguyên nhân của việc "đại hạ giá" này được công ty giải trình là do năm 2011, thị trường bất động sản trầm lắng, lãi suất vay vốn cao, nguyên vật liệu tăng giá liên tục đã đẩy PVL lâm vào giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, trên thực tiễn, công ty này lại không “hành xử” như công bố ban đầu. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM phân tích, nếu 1 công ty đang gặp khó khăn tài chính, sẽ tung sản phẩm ra bán gấp và mọi người sẽ được mua với giá như công bố, nhưng công ty này chỉ đưa ra bán đợt 1 có 15 căn và công bố đó là giá sàn.

GS. Đặng Hùng Võ thì thẳng thắn nhìn nhận, không loại trừ đây là một chiêu thức PR các doanh nghiệp dùng để gọi vốn, giảm giá để tập trung nguồn tiền tốt hơn.

“Giảm giá “sốc” đến thời điểm này, nguyên nhân thực sự chưa ai có thể biết được, liệu có thật doanh nghiệp đang bị ngân hàng siết nợ phải xuống giá hay là chiêu để hút vốn. Cái này cần phải xem xét cụ thể và có những số liệu điều tra”, GS Võ nhận định.

Chính vì thế, dự án Petro Vietnam Landmark dù “rêu rao” giảm giá sốc nhưng thực tế, khách hàng muốn mua thì vẫn phải bốc thăm và cơ hội mua được sản phẩm với mức giá như đã công bố là rất nhỏ.

Ngoài ra, việc đưa thông tin giảm giá, cũng là cách thức nhiều “cò” nhà đất hiện đang áp dụng. Giá trị thực của dự án trước nay đa số người mua đều không thể biết. Nhưng việc tung tin giảm giá, dù giá giảm chỉ là co hẹp một phần rất nhỏ phần đã được thổi phồng lên trước đó.

Không biết giá thực, giá gốc là bao nhiêu, nên nhiều người mua khi tiếp nhận thông tin giảm giá từ các “cò” đất đều phải rất cân nhắc, tìm hiểu kỹ càng.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News