Nhìn tổng quan thị trường BĐS trong quý đầu năm 2020 cho thấy, hầu hết các phân khúc đều sụt giảm giao dịch nguồn cung nhưng lại chưa có động thái giảm giá rõ nét, mặc dù đa số các doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó về đầu ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Mới đây, báo cáo của Hội môi giới BĐS Việt Nam chỉ rõ, mặc dù thị trường vô cùng trầm lắng song giá bán BĐS không hề có sự sụt giảm so với quý 4/2019 và chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.
Nói về lý do nhiều phân khúc BĐS chưa có dấu hiệu giảm giá, có thể quy tụ ở các lý do sau:
Khó giảm giá sơ cấp vì ảnh hưởng đến khách hàng mua trước
Với những sản phẩm của chủ đầu tư bán ra theo hầu hết các sàn giao dịch BĐS chưa có hiện tượng giảm giá ở thời điểm này, bao gồm cả phân khúc căn hộ, đất nền, nhà phố…
Trong khi thị trường thứ cấp có dấu hiệu giảm giá nhẹ thì những sản phẩm do CĐT bán ra ở các giai đoạn vẫn chưa giảm giá. Có chăng, so với thời điểm trước Tết giá bán ra ở một số phân khúc có thể giữ nguyên hoặc tăng mức độ nhẹ.
Theo các doanh nghiệp, mặc dù đang gặp khó khăn về đâu ra nhưng khó có thể giảm giá bán bởi lẽ nếu giảm giá sẽ ảnh hưởng tới những khách hàng mua trước, ảnh hưởng đến các dự án sau này của doanh nghiệp. Có chăng ở thời điểm này, trong quá trình bán hàng doanh nghiệp tăng chiết khấu và thêm voucher cho khách hàng.
Giảm giá trị sản phẩm nếu giảm giá
Một số ý kiến doanh nghiệp lại cho rằng, dịch bệnh trong ngắn hạn, còn câu chuyện của đầu tư BĐS lại là dài hạn. Nếu dùng việc giảm giá để kích cầu thì đó chỉ là ngắn hạn, tạm thời ở một số phân khúc, không đại diện cho toàn thị trường. Chưa kể, tâm lý của những khách hàng thông minh hiện nay là “của rẻ là của ôi”, nên nếu tự dưng doanh nghiệp hạ giá sản phẩm có thể chỉ thích hợp cho một vài đối tượng của thị trường còn nhiều người sẽ đặt nghi vẫn với dự án, chủ đầu tư khi cho rằng, sản phẩm phải như thế nào mới hạ giá.
Vì thế, xét ở góc độ tâm lý thị trường, theo các doanh nghiệp tâm lý chung là khách mua sẽ hấp lực đối với các dự án luôn tăng trưởng về giá bán cũng như giá giá trị. Những dự án này sẽ luôn thu hút được đối tượng NĐT. Việc hạ giá có thể doanh nghiệp phải tính toán kỹ càng, tùy vào tình hình của mỗi doanh nghiệp.
Chi phí bỏ ra làm dự án không giảm
Có lẽ bài toán lợi nhuận vẫn cần phải đặt lên bàn cân mặc dù thị trường khó khăn là rõ thấy. Theo các doanh nghiệp BĐS, doanh nghiệp phải rất cân nhắc chuyện giảm giá sản phẩm vì chi phí đã bỏ ra làm dự án là quá lớn.
Trong đó, một chi phí lớn mà doanh nghiệp phải trả đó là giá đất. Giá đất luôn tăng chóng mặt suốt thời gian qua. Có những hệ số trị lên tới 3,65 lần so với đơn giá Nhà nước công bố. Thực tế, đã có một số doanh nghiệp làm phân khúc nhà ở vừa túi tiền đã rất đau đầu để cân đối giữa bài toán lợi nhuận và giá bán ra trên thị trường. Một số doanh nghiệp dù biết ở một số phân khúc đáp ứng nhu cầu số đông thanh khoản tốt nhưng không thể làm cũng vì bài toán lợi nhuận.
Theo báo cáo của một đơn vị nghiên cứu mới đây, giá chung cư tại Tp. HCM trong quý I/2020 giảm 15%, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, đó là con số chỉ dành cho phân khúc cao cấp, không phải cho thị trường chung cư nói chung.
Nói về câu chuyện giảm giá, một số chuyên gia cho rằng, có thể doanh nghiệp BĐS phải tự mở nút thắt để cứu mình trong lúc thị trường khó khăn, trong đó có thể phải cân nhắc đến câu chuyện giảm giá. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho biết, Hiệp hội cũng đã trao đổi vấn đề này với một số doanh nghiệp BĐS lớn của Tp.HCM và chuyện giảm giá thành hẳn là giải pháp mà các doanh nghiệp sẽ buộc phải lựa chọn khi đại dịch qua đi. Bởi lẽ, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang thực sự khó khăn, nhiều dự án sản phẩm không bán được nhưng họ vẫn phải sống, vẫn phải trả lãi ngân hàng và phải trả hàng loạt các chi phí khác.
Một số chuyên gia khác cũng nhận định, làn sóng giảm giá chưa diễn ra ở thời điểm này nhưng có thể xảy ra trong thời gian tới khi mà sức chịu đựng của các doanh nghiệp có hạn, nhất là đối với sản phẩm BĐS cao cấp.
Hội môi giới BĐS Việt Nam dự báo, trong quý 2/2020 giá căn hộ phân khúc cao cấp có thể giảm do lực bán chậm, cả từ giai đoạn trước và sau thời điểm dịch bệnh.
DiaOcOnline.vn – Theo Nhịp sống kinh tế