Mặc dù đã hoàn thành 6 khu nhà, trong đó bàn giao 4 khu nhà cho Ban quản lý (BQL) nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long, nhưng hiện nay mới chỉ có một khu có người ở theo hợp đồng của công ty Panasonic. Điều đáng buồn, các khu còn lại vẫn trong tình trạng… công nhân chưa “mặn mà”. Vì sao vậy?.
Nhiều ưu ái
Dự án nhà ở cho công nhân của Hà Nội được triển khai tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) là khối nhà chung cư theo kiểu tập trung tập thể cho công nhân thuê.
Ông Hoàng Đức Tùng, Cán bộ BQL tư vấn dự án Tổng công ty Vinaconex - cho biết: “Tháng 2/2007 dự án bắt đầu khởi công, do hai đơn vị là Tổng công ty Vinaconex và Công ty đầu tư và xây dựng Hancic thi công, 4 khu nhà chúng tôi đã bàn giao gồm 2 khu nhà nam, 2 khu nữ, mỗi phòng 16 - 25m2, dự kiến tháng 9/2008 sẽ hoàn thiện các toà nhà còn lại”.
Trong tổng số 26 khu nhà sẽ bao gồm khu nhà khép kín và không khép kín, nam nữ sẽ ở hai khu riêng biệt, mỗi khu 5 tầng, tầng 1 làm dịch vụ, 4 tầng còn lại để công nhân ở. Mỗi khu khép kín có 32 phòng, sức chứa 448 người/ khu, tương đương 16 người/ phòng. Khu nhà không khép kín có 52 phòng, sức chứa 288 người, tương đương 6 người/phòng. Sau khi hoàn thành các toà nhà còn lại tổng sức chứa sẽ hơn 12.000 công nhân.
Đây là một mô hình mới, giá thuê nhà do Thành phố quy định 120.000đ/ tháng có nhiều ưu đãi cho công nhân thu nhập thấp. Đây là một mô hình thí điềm nên sẽ không tránh khỏi những khó khăn về đường sá, kỹ thuật, quản lý, nhưng với lợi thế giá rẻ, an ninh tốt, môi trường sống và những tiện nghi về cơ sở vật chất sẽ là động lực thu hút công nhân, do vậy tất cả các toà nhà sẽ kín chỗ.
Hiện tại một khu nhà đã ký hợp đồng, các khu còn lại đang chờ Sở TNMT&NĐ quyết định.Khu công nghiệp Thăng Long với hơn 20.000 công nhân, trong vài năm tới có thể tăng lên tới 30.000 người, nhu cầu nhà ở là rất lớn.
Công nhân chưa đến, vì đâu?
Theo tính toán, dự án nhà ở cho công nhân chỉ đáp ứng được hơn 10.000 chỗ ở. Với con số này thì dự án chắc chắn sẽ thiếu nhà. Nhưng ngược lại, đến thời điểm này, công nhân chưa tìm đến nhiều.Làng Bầu Đông, Bầu Tây và làng Cổ Điễn xã Kim Chung là những nơi đông công nhân thuê trọ nhất, trung bình 300 - 400.000 đồng/ phòng.
Các công nhân thường ở tập trung từ 2 - 4 người/ phòng để chia tiền phòng cho rẻ. Dù an ninh, vệ sinh không đảm bảo, nhưng đó là lựa chọn của hầu hết công nhân.
Theo BQL nhà ở, BQL không làm việc trực tiếp với công nhân mà sẽ làm việc qua các công ty sử dụng lao động. Công đoàn, chủ doanh nghiệp từng đơn vị sẽ có trách nhiệm phổ biến về điều kiện, tiêu chuẩn, chinh sách ưu đãi của Nhà nước, mức giá, thời hạn thuê để công nhân tự lựa chọn và đăng ký.
Dựa trên danh sách đó BQL sẽ sắp xếp chỗ ở. Việc thanh toán tiền thuê nhà do chủ doanh nghiệp căn cứ danh sách công nhân mà khấu trừ lương hàng tháng, hàng quý để chuyển trả Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội.
Trên văn bản là vậy, nhưng qua khảo sát nhiều công nhân ở trọ sát khu nhà thuộc dự án nhà ở công nhân lại thấy nhiều vấn đề nảy sinh. Ngoài lý do công nhân ngại vào đó mất thoải mái, tiền dịch vụ nhiều thì nguyên nhân chính là họ chưa được công ty phổ biến, hoặc phổ biến chung chung: “Ai thuê thì đăng ký” mà không công khai chi tiết.
Chị Đỗ Thị H. (Thái Nguyên), công nhân công ty Niefsei nói: “Bọn em chưa nhận được thông báo cụ thể nào về việc thuê chỗ ở, chỉ nghe tin đồn khi thì 150.000đ/ tháng, khi thì đồn 170 - 180.000đ/ tháng. Lúc thì bảo 18 người/ phòng, lúc thì 6 người…”. Chị Đào Thị Nụ lại có băn khoăn: “Không biết bọn em đăng ký ở cùng nhóm, cùng quê như hiện nay đang ở có được không?”.Hầu hết những người chúng tôi hỏi đều không biết giá thuê nhà là 120.000đ, đa số “truyền miệng” cái giá từ 150.000đ trở lên, lại còn tiền dịch vụ, do vậy công nhân “sợ”.
Theo BQL nhà ở công nhân, do công ty Panasonic đăng ký đầu tiên nên được hưởng ưu đãi giá thuê nhà một năm đầu là 90.000/ người. Nhưng công nhân Trần Thanh L. (quê Vĩnh Phúc) làm việc tại Panasonic lại cho biết: “Chúng em được thông báo giá thuê nhà tháng đầu tiên là 90.000đ, tháng thứ 2 là 110.000đ, từ tháng thứ 3 là 120.000đ”. Nếu vậy ưu đãi có còn dành cho công nhân?
Công nhân Nguyễn Thị Hợi (Công ty Niefsei) cho rằng: “Nhiều công nhân có nhu cầu ở thật sự. Nhưng chúng em mong muốn nơi ở mới giá phải rẻ hơn, thuận tiện sinh hoạt hơn. Và để thu hút công nhân thì cần phải công khai cụ thể giá thuê nhà, rộng hẹp thế nào, bao nhiêu người ở, v.v… chứ “tù mù” thế này dù cần chỗ ở cũng chẳng ai dám “liều”.