Vì sao cò đất vẫn còn đường lộng hành?

Cập nhật 27/09/2018 10:32

Dù hệ thống pháp luật đã có đầy đủ quy định và chế tài xử lý nhưng các sai phạm của hoạt động môi giới bất động sản vẫn đang bị buông lỏng.

Nhằm ổn định thị trường bất động sản (BĐS), UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch thông tin về tiến độ các dự án BĐS, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. UBND các quận, huyện cần tăng cường quản lý đối với việc tách thửa đất trên địa bàn TP, đảm bảo đúng quy trình và mục đích sử dụng.
TP cũng yêu cầu Công an TP phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch BĐS để xử lý theo quy định pháp luật.

Thị trường đất nền trong tay cò đất

Chỉ đạo trên được đưa ra sau khi UBND TP nhận thấy thời gian qua trên địa bàn có hiện tượng các nhà đầu cơ thao túng, tung thông tin sai lệch về các dự án BĐS rồi đẩy giá chuyển nhượng để hưởng chênh lệch. Hệ lụy là giá trị giao dịch các loại BĐS tại TP.HCM tăng đột biến dù nguồn cung không hề thiếu.

Trên thực tế, hồi đầu tháng 4 vừa qua, nhiều khu vực như quận 9, Thủ Đức, quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ,... giá đất đã tăng phi mã. Đơn cử, giá đất một số nơi ở quận 9 tăng gấp 2-3 lần so với đầu năm. Trong vòng một năm qua, ở huyện Cần Giờ, nhiều khu đất phân lô có mức giá tăng 200%-300%, từ vài triệu lên vài chục triệu đồng/m2. Người đi xem đất luôn bị cò rót những lời đường mật vào tai như: “Khu vực này sắp xây cầu, mở đường nên giá sẽ còn tăng nữa”; hoặc: “Nơi đây sắp được quy hoạch làm trung tâm thương mại, kinh tế nên nếu chậm chân sẽ không còn đất để mua…”. Do tin lời cò, nhiều người đã đổ xô mua đất đầu cơ, đất nền được mua đi bán lại nhiều lần khiến giá nâng lên từng ngày.

Tương tự, thông tin Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc có thể trở thành đặc khu kinh tế sau khi qua miệng cò đã khiến giá đất nền tại các khu vực đó nhảy múa. Thậm chí có những nơi một ngày giá đất bị cò thổi lên đến 2-3 giá. Anh Nguyễn Tâm (Vạn Ninh, Khánh Hòa) chia sẻ: Nghe thông tin Bắc Vân Phong sắp trở thành đặc khu kinh tế, nhiều nhà đầu tư ở khắp nơi lao vào mua đất ở khu vực này mà không cần tìm hiểu thực hư. Cũng có một số nhà đầu tư kiếm lời nhưng tôi chưa thấy ai ăn đậm như những người môi giới BĐS dù họ chỉ làm một việc duy nhất là giới thiệu mua bán rồi ăn chênh lệch. Có người thu về tới 20 tỉ đồng chỉ sau vài tháng mở văn phòng môi giới đất đai ở đây.

Nhiều điểm môi giới BĐS ở TP.HCM. Ảnh: HTD

“Muốn đạt lợi nhuận như thế thì cò phải dùng đủ chiêu để thổi giá đất. Ví dụ, năm 2015, giá một lô đất diện tích 200 m2 ở khu tái định cư thị trấn Tuần Lễ chỉ khoảng 40-50 triệu đồng/lô thì cuối năm 2017 tăng lên 400 triệu đồng và đến tháng 5 vừa qua, vẫn mảnh đất đó cò đất đã giao dịch với giá 5,5 tỉ đồng. Chủ đất phó mặc cho cò đẩy giá bao nhiêu cũng được, miễn bán được giá. Người mua sau thì nghe cò bảo có lời cũng bùi tai, xuống tiền đầu tư. Thế là cò ở giữa hốt lời” - anh Tâm nói.

Phải chấn chỉnh, quản lý gấp

Việc cò đất, đầu nậu thổi giá đất nền trong thời gian qua đã gây ra hệ lụy xấu cho thị trường BĐS ở nhiều địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Khánh Hòa,… Đây là câu chuyện muôn thuở nhưng chưa được xử lý tới nơi tới chốn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), cho biết: Hiện hệ thống pháp luật đã có đầy đủ quy định, chế tài để xử lý các vấn đề liên quan đến sai phạm trong hoạt động môi giới BĐS. Theo quy định của pháp luật thì hoạt động của sàn giao dịch BĐS phải đăng ký với Sở Xây dựng địa phương, doanh nghiệp môi giới phải khai báo với cơ quan thuế, nhân viên môi giới phải thi sát hạch, được cấp chứng chỉ mới được hành nghề.

“Trên thực tế, vấn đề kiểm soát trong lĩnh vực này hiện đang bị buông lỏng. Cơ quan nhà nước chưa quản lý, giám sát, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm của các văn phòng giao dịch địa ốc ngay từ đầu.Vì vậy, cò đất, môi giới vẫn ngang nhiên đăng tin quảng cáo sai sự thật và chào bán sản phẩm không đủ điều kiện theo quy định pháp luật” - ông Đính nói.

Cũng theo ông Đính, để ngăn chặn tận gốc việc cò đất lộng hành thì không chỉ từ cơ quan chức năng cấp TP mà ngay từ cấp phường, khi thấy văn phòng môi giới BĐS mở ra phải đến kiểm tra đăng ký kinh doanh và những người hành nghề có đủ điều kiện hoạt động không. Cơ quan chức năng thấy các dự án chào bán trên thị trường, dự án nào không có tên trong danh sách đủ điều kiện mua bán thì ngay lập tức phải báo cho thanh tra để xử lý. Các hoạt động quản lý nhà nước nếu được triển khai đồng bộ và tích cực thì việc “treo đầu dê, bán thịt chó” để lừa đảo khách hàng là rất khó xảy ra.

Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS DKRA Việt Nam, nêu quan điểm Nhà nước cần minh bạch hóa về quy hoạch, làm sao để doanh nghiệp và người dân có thể kiểm tra thông tin dễ dàng. “Môi giới tác động đến tâm lý người mua rất lớn, vì vậy cần phải kiểm tra chặt chẽ việc vận hành đối với sàn môi giới, nhân viên môi giới để họ hoạt động chuyên nghiệp hơn. Nếu kiểm tra thấy văn phòng môi giới nào không đủ điều kiện hoạt động thì yêu cầu dừng hoạt động và khôi phục hiện trạng. Chỉ khi nào những sàn giao dịch BĐS bát nháo bị xử lý một cách nghiêm khắc thì thị trường địa ốc mới ổn định được” - ông Lâm nói.

Các chiêu được cò đất hay dùng

Những chiêu mà các công ty môi giới làm ăn kiểu chụp giựt thường sử dụng như mạo danh chủ đầu tư của dự án để đứng ra ký kết các hợp đồng không đúng quy định, tự ý thay đổi tên dự án, tự ý thêm các tiện ích ảo vào dự án để lôi kéo khách hàng, sử dụng “chim mồi” để dụ dỗ khách hàng xuống tiền hay tự ý “thổi giá” nhà, đất… Do đó, khi muốn mua nhà, đất tại một dự án nào đó, nhà đầu tư cần yêu cầu nhân viên môi giới cung cấp thông tin về chủ đầu tư và các vấn đề pháp lý liên quan để tránh những rủi ro về sau.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM


DiaOcOnline.vn - Theo PLO