Vì sao chỉ đặt mục tiêu 30 tỷ vốn FDI năm 2009?

Cập nhật 25/11/2008 01:00

Bộ KH-ĐT đã chính thức đặt mục tiêu thu hút 30 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho năm 2009. Vì sao lại đặt ra mục tiêu rất khiêm tốn chỉ bằng một nửa so với mức trên 60 tỷ USD vốn đăng ký đạt được trong năm 2008?

Khủng hoảng kinh tế làm giảm vốn đầu tư

Phân tích về xu hướng thu hút vốn đầu tư trong bối cảnh có những yếu tố thuận lợi và khó khăn trong bối ảnh mới của năm 2009. Nhiều chuyên gia Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH-ĐT khi làm dự báo này cho rằng, nếu đặt lên bàn cân, rõ ràng khó khăn áp đảo thuận lợi.

Một trong các thách thức hàng đầu trong năm 2009 là tốc độ tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn, các đối tác tiềm năng đầu tư vào Việt Nam có khả năng suy giảm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm, dẫn tới khả năng giảm đầu tư ra nước ngoài.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2009 của nước ta là 6,5%. Các nước trong khu vực tuy cũng bị ảnh hưởng trong khó khăn của kinh tế toàn cầu nhưng có chỉ số lạm phát thấp hơn Việt Nam và hệ số tín nhiệm quốc gia cao hơn và ổn định hơn, cạnh tranh khu vực tăng lên, do vậy, dòng vốn FDI đăng ký cũng như vốn FDI thực hiện tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, xét trong thế cạnh tranh giữa các quốc gia nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn còn những điểm yếu cố hữu mà khó có thể giải quyết sớm được. Cụ thể, kết cấu hạ tầng của nước ta nhất là khả năng cung cấp điện, cấp thoát nước, giao thông đường bộ, hàng hải… đã quá tải sẽ khó phát triển kịp trong thời gian ngắn để đáp ứng một lượng lớn vốn FDI được triển khai thực hiện tại Việt Nam. Hạ tầng yếu kém cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

Không những thế, cải cách thủ thục hành chính và công tác chống tham nhũng tuy đã tiến hành tích cực nhưng còn rất nhiều vấn đề cần được xử lý để đáp ứng yêu cầu đề ra. Tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề và các chức danh quản lý khó có thể được khắc phục sớm. Việc giải quyết các khó khăn như giải phóng mặt bằng, tình trạng đình công còn nhiều hạn chế sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động thu hút và triển khai các dự án FDI tại Việt Nam.

Giải ngân vẫn thấp

Theo kế hoạch dự kiến 2009, tuy vốn đăng ký sụt giảm nhưng chỉ tiêu về vốn thực hiện lại được Cục Đầu tư nước ngoài dự kiến tăng từ 9 – 16% so với năm 2008. Điều này được giải thích bởi dòng vốn đăng ký của các năm 2007 và 2008 đều ở mức cao và nếu có điều kiện thuận lợi, sẽ triển khai thực hiện theo cam kết từ năm 2009 và các năm sau. Dự báo vốn thực hiện sẽ đạt ở mức 12 – 13 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu vốn thực hiện năm 2009 đạt dự kiến đạt và ở cao nhất so với các năm lại đây nhưng tỷ lệ vốn thực hiện/vốn đăng ký vẫn có xu hướng giảm do tốc độ tăng vốn đăng ký cao hơn nhiều so với tốc độ tăng vốn thực hiện.

Điều này xuất phát từ bản thân khả năng hấp thụ của nền kinh tế, các “nút thắt tăng trưởng” như cơ sở hạ tầng giao thông, điện, chất lượng nguồn nhân lực … vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế, trong đó có khu vực FDI.



Nhiều dự án tỷ USD nhưng liệu có khả thi
trong hoàn cảnh hiện nay? (Ảnh: VNN).


Nhìn từ năm 2008 có thể thấy, tính đến 10 tháng năm 2008, tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm Việt Nam đã thu hút được 59,31 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký, tăng gấp 6 lần với cùng kỳ năm trước. Ước các doanh nghiệp đã góp vốn đầu tư thực hiện đạt 9,1 tỷ USD, tăng 38,3% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Cục Đầu tư nước ngoài dự báo thu hút đầu tư mới cả năm 2008 có thể đạt khoảng 65 tỷ USD, vốn giải ngân có thể đạt khoảng 11 tỷ USD. Như vậy, giữa đăng ký và giải ngân sẽ còn là một khoảng cách rất xa và ngày càng giãn rộng

Bên cạnh đó, còn có một thực tế đáng lưu ý là số vốn đăng ký bổ sung có chiều hướng giảm trong vài năm trở lại đây. 10 tháng đầu năm 2008, trong khi vốn cấp mới đổ vào như vũ bão thì tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm trên cả nước chỉ đạt 1,02 tỷ USD, bằng 52,7% so với cùng kỳ năm 2007.

Quan điểm về tăng vốn vẫn được nhìn nhận như một tín hiệu biểu hiện xác thực mức độ tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư. Đơn giản, người ta chỉ mở rộng sản xuất khi công việc kinh doanh tiến triển và ngược lại. Nếu nhìn vào lô-gich đó, số liệu trên hàm nghĩa hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực FDI tại Việt Nam vẫn còn chưa thuận lợi như kỳ vọng. Đó chính là cảnh báo tuy không mới mẻ nhưng vẫn khó cải thiện sớm.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet