Tuy số vụ cháy nhà cao tầng chỉ bằng khoảng một nửa so với nhà thấp tầng nhưng thiệt hại không thể nào lường, cứ tăng thêm 10 tầng thì nguy hiểm và thiệt hại gấp 3-4 lần
Vụ cháy vừa xảy ra ở chung cư Carina Plaza (quận 8, TP HCM) làm 13 người chết một lần nữa gióng lên báo động về hiểm họa cháy nổ nhà cao tầng trên cả nước.
Nguyên nhân đa dạng
Nói về PCCC thì nhà cao tầng là công trình mà chiều cao và việc bố trí mặt bằng tổ chức không gian sẽ quyết định lớn đến vấn đề an toàn PCCC, thoát hiểm - cứu nạn.
Tốc độ phát triển chung cư tại TP HCM đang rất nhanh nên cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc kiểm soát để hạn chế cháy, nổ Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Theo kinh nghiệm chữa cháy nhà cao tầng của các nước, thang chữa cháy cao nhất cũng chỉ đến 80 m, nước chữa cháy xịt vào ngọn lửa sớm nhất cũng sau 30 phút từ khi báo động (kể cả sử dụng trực thăng chữa cháy), chỉ cần 15 phút là lửa đã cháy bùng, khói đã lan nhanh từ dưới lên trên, từ trong ra, từ ngoài vào theo quy luật khí động học. Kết cấu bê-tông cốt thép chịu đến 150 độ C trong 2 giờ, kết cấu thép chịu đến 500 độ C trong 3 giờ. Và thật bất hạnh, con người chỉ ngạt khói từ 5-15 phút đã khó sống.
Một bài học kinh nghiệm của thế giới về cháy nhà cao tầng là không vụ nào giống vụ nào. Việt Nam cũng vậy, các nguyên nhân cháy hết sức đa dạng. Chỉ có một kết luận rút ra được là tuy số vụ cháy nhà cao tầng chỉ bằng khoảng một nửa so với nhà thấp tầng nhưng thiệt hại về người và tài sản thì không thể nào lường, cứ tăng thêm 10 tầng thì nguy hiểm và thiệt hại gấp từ 3-4 lần, do có quá nhiều yếu tố rủi ro.
Cháy nhà cao tầng là vấn đề khó xử cho chính quyền các TP trên thế giới nhưng không vì thế mà chúng ta cứ chạy theo giải quyết hậu quả bằng các biện pháp tình thế có phần nào "đối phó", xem như bất trị hoặc bất khả kháng để người dân lo lắng, hoang mang, phải nảy sinh tư tưởng tự cứu.
Xuất hiện yếu tố bất lợi
Cháy nhà cao tầng ở Việt Nam không khác gì các vụ cháy khác trên thế giới, luôn tiềm ẩn rủi ro cao, phức tạp trong cứu chữa và lằng nhằng trong xử lý hậu quả nhưng lại xuất hiện thêm các yếu tố khác gây bất lợi hơn, đến từ nhiều lỗ hổng quản lý và pháp lý.
Thứ nhất, đến nay Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn (QCTC) kỹ thuật về thiết kế nhà cao tầng, dù cho việc đầu tư xây dựng nhà cao tầng tại các TP đã trở nên phổ biến. Không có QCTC mà chỉ thông qua kinh nghiệm, chủ yếu là "cắt - dán", thì quá rủi ro và mạo hiểm. Cũng do chưa có tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng, các tiêu chuẩn khác về thiết kế thi công kết cấu bê-tông cốt thép, kết cấu thép, kết cấu composite, kết cấu gạch đá… đều thiếu các tính toán và yêu cầu về chịu cháy.
Thứ hai, phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng chống cháy nổ nhà cao tầng giữa Bộ Xây dựng và Bộ Công an chưa rõ và cũng chưa theo thông lệ quốc tế, dễ dẫn đến trong ngành công an có tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi", thậm chí có hiện tượng tiêu cực. Công tác thiết kế, thẩm tra thẩm định, thi công giám sát, cả cấp phép nên giao cho ngành xây dựng lo về phòng cháy là chính. Ngành công an chỉ giữ nhiệm vụ thanh - kiểm tra, phối hợp cấp phép trong một số trường hợp đặc biệt, lo về chữa cháy là chính. Ở các nước, người ta còn đào tạo chuyên ngành kỹ sư an toàn phòng chống cháy nổ trong các trường (khoa) xây dựng. Cả các môn học, giáo trình, tiêu chuẩn thiết kế thi công xây dựng đều đề cập vấn đề cháy nổ.
Thứ ba, nhà cao tầng tại Việt Nam phần lớn là các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, có liên quan nhiều đến Luật Kinh doanh bất động sản và cả Luật Nhà ở. Không thể nào hạn chế hiện tượng cháy nhà cao tầng khi các quy định về hợp đồng, cho phép đưa vào sử dụng, quản lý nhà chung cư, bảo trì... cứ bị xem thường, cả chủ đầu tư lẫn người thuê mua nhà, cả sự "bất lực", "giả dại làm ngơ" của các ngành chức năng như xây dựng, công an, chính quyền địa phương. Trong khi đó, nhóm giải pháp chủ động phòng chống cháy nhà cao tầng (hệ thống phương tiện thiết bị PCCC) cần chi phí đầu tư và bảo trì rất lớn nên dễ bị nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận, lợi dụng cả nhu cầu chỗ ở cấp bách của người dân để không đầu tư lắp đặt đầy đủ hoặc không bảo trì theo quy định, thường xuyên mua chuộc các lực lượng chức năng cả kiểm định kiểm tra. Ở Việt Nam, các thiết bị không hoạt động khi cháy nổ xảy ra chiếm phần lớn (trên 70% số vụ cháy). Thậm chí, vừa kiểm tra định kỳ hay diễn tập khí thế thì đã xảy ra sự cố.
Thứ tư, cách xử lý trách nhiệm khi xảy ra cháy nổ nhà cao tầng chưa nghiêm, chưa triệt để dẫn đến hiện tượng "lờn thuốc". Trong vài năm gần đây, cháy nhà cao tầng xảy ra thường xuyên trên các TP lớn nhưng đã phạt thật nặng hay xử lý hình sự ai chưa, đặc biệt là các nhà đầu tư có tên tuổi, thì câu trả lời đều đã rõ.
Thứ năm, thói quen ý thức phòng chống cháy nổ chưa phát triển sâu rộng trong cộng đồng, địa bàn dân cư; các kiến thức cơ bản chưa được xuyên suốt đưa vào hệ thống giáo dục ngay từ cấp tiểu học và hầu như không quan tâm đề phòng rủi ro do cháy nổ trong các hợp đồng xây dựng, giao dịch nhà ở. Còn ỷ lại và nặng tính phong trào, dựa vào diễn tập, họp hành PCCC theo kế hoạch định kỳ là chính.
Tạo thế kiềng 3 chân
Để phòng ngừa và hạn chế thiệt hại từ rủi ro cháy, nổ nhà cao tầng thì ngoài việc cần nắm vững kiến thức cơ bản các nguyên lý, bản chất và quy luật hiện tượng cháy (như tam giác cháy chẳng hạn), các tổ chức và cá nhân liên quan về trách nhiệm như nhà đầu tư, thiết kế, thi công, giám sát, quản lý tòa nhà, cư dân, cả cảnh sát PCCC... phải nhập tâm 3 nhóm giải pháp cơ bản tạo thế kiềng 3 chân trong phòng chống cháy, nổ nhà cao tầng đã áp dụng rộng rãi thành công trong thực tế. Các nhóm giải pháp này được quy định chặt chẽ trong hệ thống pháp luật, quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm thực hiện chặt chẽ thông qua hàng loạt quy trình thủ tục thẩm tra, thẩm định, phê duyệt cấp phép và thanh - kiểm tra định kỳ lẫn đột xuất về công tác PCCC. Cụ thể:
- Nhóm giải pháp thụ động: Gồm các giải pháp về kết cấu, kiến trúc, vật liệu... sao cho tòa nhà và cư dân được an toàn khi xảy ra cháy, nổ.
- Nhóm giải pháp chủ động: Gồm các giải pháp liên quan phương tiện, thiết bị chữa cháy như hệ thống Sprinkler, bình chữa cháy, báo khói, cấp nước...
- Nhóm liên quan con người: Gồm chuyên trách, huấn luyện, diễn tập...
Hiểm họa chung cư cũ
Tại hội thảo về "Giải pháp an toàn cháy nổ trong chung cư" diễn ra ở TP HCM ngày 3-4, do báo Thanh Niên tổ chức, đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy - Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết tại TP có khoảng 1.000 chung cư, trong đó 470 chung cư xây trước năm 1975 và không có hệ thống PCCC, hơn 500 chung cư còn lại thì mới xây sau này nhưng 50% chưa có ban quản trị. Trong năm 2017, TP xảy ra hơn 1.000 vụ cháy, trong đó có 11 vụ cháy chung cư, nhà cao tầng. Nguyên nhân cháy chung cư, nhất là chung cư cũ, phần lớn là do sơ suất về điện. Những chung cư này được xây dựng khi chưa có luật về PCCC, chưa có các quy định quy chuẩn an toàn về PCCC.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Phòng Quản lý nhà và công sở Sở Xây dựng TP HCM, cho biết 5 năm gần đây, tỉ lệ phát triển nhà ở, nhất là chung cư, tăng 2 lần so trước năm 2009. Chung cư hiện chiếm 14,6 % tỉ lệ nhà ở trên địa bàn. Qua kiểm tra, nhiều chủ đầu tư còn chủ quan, lơ là, thực hiện không đúng quy định, thậm chí chưa nghiệm thu PCCC cũng như chất lượng công trình nhưng đã đưa vào sử dụng. Hiện TP có 7 chung cư như vậy và cơ quan chức năng đang xử lý.
Một số chuyên gia cho rằng trước đây, ý thức của người dân về PCCC còn thấp, nhất là trong lúc mua và nhận nhà. Sau sự cố cháy chung cư Carina Plaza, chắc chắn họ sẽ quan tâm hơn. Đặc biệt, các chủ đầu tư phải đầu tư và chú trọng nhiều hơn đến công tác này. "Sở Xây dựng sẽ sớm đề xuất Bộ Xây dựng ban hành các quy chế xử phạt, quy trách nhiệm từng bộ phận liên quan trong xây dựng, quản lý và vận hành chung cư.
DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ