Với khoảng 56,7km đường phải đào, dự kiến trong năm 2009 sắp tới, giao thông thành phố sẽ diễn biến hết sức phức tạp. Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM.
Đào đường nhánh là chủ yếu
* Thưa ông, năm 2008 với khoảng 49,9 km đường phải đào, ùn tắc giao thông đã tăng cao. Năm 2009 số đường dự kiến đào là 61 tuyến với tổng chiều dài lên tới 56,7km, Sở GTVT có sáng kiến nào mới để giao thông thành phố không xấu đi không?
Ông Trần Quang Phượng: Tổng kết từ 47 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút đã xảy ra trong năm 2008 cho thấy có nhiều nguyên nhân gây ra. Đó là số lượng người và số phương tiện tham gia giao thông cùng hành trình đi lại của người dân ngày một tăng. Trong khi đó cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường xá, cầu cống lại thiếu.
Vận tải hành khách công cộng hiện chỉ mới đáp ứng được khoảng 7% nhu cầu đi lại của người dân. Tình trạng ngập nước và việc đào đường thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật làm giảm diện tích mặt đường cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ùn tắc giao thông. Trong khả năng của mình, Sở GTVT tải sẽ tập trung xử lý mạnh những nguy cơ gây ùn tắc giao thông liên quan đến chức trách của ngành.
Năm 2009 Sở GTVT quyết tâm hạn chế đến mức tối đa tình trạng công trình đã triển khai rào chắn nhưng không thi công do chờ di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, hoặc đình trệ thi công do chờ các đơn vị chủ sở hữu các công trình kỹ thuật thống nhất tìm phương án xử lý.
Thanh tra giao thông sẽ tăng cường kiểm tra xử phạt nghiêm khắc các hành vi: không tái lập mặt đường trong vòng 24 giờ đồng hồ sau khi tháo dỡ hàng rào công trình, không bố trí người điều tiết giao thông công trường…
Nếu đơn vị thi công bị xử lý hoặc nhắc nhở quá 3 lần mà không khắc phục, thì Thanh tra có trách nhiệm đình chỉ thi công toàn bộ gói thầu của đơn vị thi công. Cũng phải thông báo với người dân rằng, mặc dù phải đào đến 56,7km nhưng hầu hết tuyến đường phải đào trong năm 2009 đều là những tuyến đường nhánh, chỉ có một vài tuyến là đường trục như Cách Mạng Tháng 8, Lê Văn Sỹ…
* Dường như tất cả các biện pháp ấy… không mới. Năm 2008, Sở GTVT đã triển khai nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Ông có thể nói rõ vấn đề này?
TPHCM: 2,6 hành trình/người/ngày
- Là một thành phố năng động nên nhu cầu đi lại của người dân rất cao. Theo Ban An toàn Giao thông TPHCM, hành trình đi lại của người dân thành phố ngày một tăng và hiện nay đã vào khoảng 2,6 hành trình/người/ngày. Lượng xe cũng tăng lên mỗi ngày, chưa kể mỗi ngày còn có khoảng 1 triệu xe mô tô, 60.000 xe ô tô từ các tỉnh khác đến hoạt động tại thành phố.
- Việc xây dựng các cao ốc ở khu vực trung tâm thành phố vẫn tiếp tục được thực hiện với tốc độ nhanh. Trong khi tất cả bệnh viện, trường học lớn vẫn chưa có kế hoạch di dời ra bên ngoài và vẫn tiếp tục thu hút người dân vào khu vực nội thành, gây ùn tắc giao thông.
- Hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn (trừ Tân Cảng) vẫn chưa di dời ra ngoài, cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.
(Nguồn: Ban An toàn Giao thông TPHCM)
Các tuyến đường sẽ đào trong năm 2009
Các tuyến đường phải đào trong năm 2009 để phục vụ thi công các dự án là Tân Hải, Lý Thường Kiệt, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Trọng Tuyển, Phạm Văn Hai, Cửu Long (Tân Bình); Trần Quang Diệu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Khánh Dư, Trần Quý Khoách, Điện Biên Phủ, Trần Quốc Thảo (quận 3), Nguyễn Kiệm, Lê Quang Định (Gò Vấp); Phan Đăng Lưu, Đinh Tiên Hoàng, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh); Tôn Đức Thắng, Nguyễn Cảnh Chân, Hồ Hảo Hớn, Nguyễn Công Trứ (quận 1), Sư Vạn Hạnh, Lê Hồng Phong, Huỳnh Mẫn Đạt, Trần Bình Trọng, Châu Văn Liêm (quận 5), Văn Thân-Bà Lài, Bình Tiên, Phạm Văn Chí nối dài, Đặng Nguyên Cẩn, Lạc Long Quân, Đồng Đen (quận 6)…
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng