Ông Tân cho biết, ông nhớ rõ những câu cam kết những lời cam kết của ông Thành: "Đầu tư cái này là đảm bảo quá đi, anh sợ gì rủi ro".
TS. Toán học Mai Huy Tân, vị khách hàng từng bỏ 600 tỷ đồng mua các sản phẩm bất động sản của Thành Đô tại Đà Nẵng. Trao đổi với chúng tôi, ông Tân cho biết, ông bỏ gần 200 tỷ đồng mua 8 biệt thự Naman Retreat (mỗi biệt thự hơn 20 tỷ), 400 tỷ còn lại là mua 24 căn Boutique Hotel tại Cocobay. Mỗi Boutique Hotel có 20 phòng ngủ và 2 tầng kinh doanh.
"Theo cam kết lợi nhuận với tổng số vốn đầu tư 600 tỷ, mỗi năm Thành Đô phải trả khoản cam kết lợi nhuận lên tới 67,7 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này tôi dùng để trả tiền lãi cho ngân hàng SHB", ông Tân cho biết.
Chia sẻ trên báo chí, ông Tân tiết lộ trong số 600 tỷ đồng đầu tư, có 402 tỷ đồng là vay ngân hàng SHB. Lãi suất vay ngân hàng lần lượt là hơn 8% (trong 18 tháng), giai đoạn sau là 10,4%/năm. Có 24 Boutique Hotels cao 7 tầng với mức cam kết lợi nhuận là 12,5%, 8 biệt thự 5 sao ở khu Nam An với mức cam kết là 10% và 10 căn hộ Condotel là 12%.
Trong đó, giá trị của khu biệt thự Nam An và Botic Hotel là cao nhất, dao động từ 12 - 20 tỷ đồng/căn, căn hộ Condotel là từ 1,2 - trên 1,4 tỷ đồng.
Về việc chi trả lợi nhuận cam kết, theo ông Tân thì Thành Đô mới trả cho Nhịp cầu Việt Đức tổng cộng 149,9 tỷ đồng, gồm tiền hai năm 2017 và 2018, mỗi năm là 67,7 tỷ đồng. Kỳ I của năm 2019, Thành Đô trả 14,5 tỷ đồng. Năm nay, họ chưa trả khoảng 54 tỷ đồng. Ông cũng chưa thu được đồng nào từ cam kết, mà đã phải trả cho ngân hàng SHB, bao gồm 74 tỷ đồng tiền nợ gốc và 76 tỷ đồng tiền lãi trong cả đợt.
"Tiền tôi mua, tôi đã đóng đủ hết cho họ, họ phá vỡ cam kết khác nào ăn cướp của tôi', ông Tân khẳng định.
Ông Tân cũng tiết lộ thêm, năm 2017 sau khi biết tôi bán xúc xích Đức Việt được 700 tỷ, đích thân ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Đô (Tập đoàn Emipre) từng đến tận nhà tôi mời tôi đầu tư vào Cocobay. Khi đó ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB cũng nói với tôi là SHB đã bảo lãnh cho Thành Đô. Còn ông Thành thì khăng khăng: "Đầu tư cái này là đảm bảo quá đi, anh sợ gì rủi ro".
Ông Tân cho biết, ông quyết định mua Cocobay vì ông tin bạn. Thời điểm đó SHB là đơn vị cấp vốn cho chủ đầu tư Cocobay, vừa là ngân hàng độc quyền cấp vốn cho các chủ sở hữu mua nhà tại dự án, đồng thời cũng là ngân hàng bảo lãnh cho dự án về mặt tiến độ.
"Chính vì vậy, khi nhận được thông báo ngừng chi trả thu nhập cam kết, tôi rất sốc", ông Tân cho hay.
Ông Tân cũng khẳng định tại sao Thành Đô chỉ kinh doanh dở ở khối condotel Cocobay thôi nhưng lại đánh đồng không trả cam kết lợi nhuận cho cả khách bên khu Naman Retreat.
"Thành Đô thua lỗ là nguyên nhân chủ quan không thể đổ cho khách quan được. Thành Đô xây 7 tòa Condotel thì chỉ có 1 tòa đi vào hoạt động còn 6 tòa khác không hoạt động, dòng tiền của 1 cái làm sao đủ chi trả thu nhập cho 7 cái. Thành Đô đã sử dụng dòng tiền một cách dàn trải, không tập trung khiến cho dòng tiền cực kỳ xấu. Đấy là một sự ngu xuẩn trong điều hành công ty. Tôi là doanh nhân mà, tôi biết điều đó", vị khách hàng trăm tỷ của Cocobay khẳng định.
Ông Tân cũng cho rằng, Thành Đô đã đầu tư dàn trải và rất lãng phí. "Ví dụ họ chôn 100 tỷ làm tầng hầm toà tháp đôi Twin Tower, nhưng sau đó lại chuyển vị trí tháp đôi này ra vị trí khác. Vị trí tháp đôi cũ biến thành khu shophouse 2 tầng. Với khu shophouse 2 tầng thì cần gì móng và hầm 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo ông Tân, việc "ném" một số tiền khổng lồ vào truyền thông cũng rất kém hiệu quả và lãng phí. "Sự thất bại của Cocobay là do nhiều nguyên nhân. Họ giấu lỗi chủ quan, mà đi đổ lỗi cho Nhà nước, cho chính sách là không đúng", ông Tân nhấn mạnh.
Ông Tân cũng nhấn mạnh ông Thành từng nói rằng ông ấy có tài sản đảm bảo rất lớn là 21 ha đất "kim cương" ở khu Naman, hiện mới khai thác 6ha, còn 15ha đã có người trả 20 triệu đồng/m2, tức là 15ha này tương đương với 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tại Cocobay còn có 250 shop villa và shophouse vừa được điều chỉnh, nếu bán được số này cũng thu về mấy ngàn tỷ.
"Với số tài sản khổng lồ này, Thành Đô không có lý gì không giải quyết mà lại tìm cách "ăn quỵt" của các nhà đầu tư đã bỏ tiền vào đầu tư tại dự án", ông Tân cho hay.
DiaOcOnline.vn – Theo Tri thức trẻ