Vì đâu nhà ở xã hội không được 'đắt hàng'

Cập nhật 29/08/2013 14:06

 Cơ hội mua nhà cho người có thu nhập thấp ngày càng nhiều hơn sau gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ mới đây. Tuy nhiên, nhiều người muốn mua nhà vẫn tỏ ra lo ngại hoặc không mặn mà với nhà ở giá rẻ vì nhiều nguyên nhân.

Giá không cạnh tranh, thủ tục phức tạp

Giá đất tại các tỉnh rẻ hơn nhiều so với các thành phố lớn đã khiến cho giá đất thổ cư rẻ gần tương đương với giá nhà ở chung cư. Điều này đã khiến cho các căn hộ chung cư thuộc diện nhà ở xã hội tại các địa phương mặc dù đã được miễn tiền sử dụng đất nhưng không phải là dễ bán.

Ngay tại Hải Phòng, dự án căn hộ cho người thu nhập thấp Khu chung cư Bắc Sơn có giá từ 300 - 500 triệu đồng/căn. Căn hộ tại đây được xây dựng và trang bị nội thất trong nhà được nhiều người đánh giá không thấp hơn chung cư thương mại. Tuy nhiên, mặc dù đã xây xong gần một năm nhưng dự án mới bán được gần 50% lượng căn hộ hoàn thiện.

Một người dân muốn mua nhà tại Khu chung cư Bắc Sơn cho biết, giá căn hộ ở đây không chênh lệch nhiều so với giá đất nhưng sở dĩ ông chọn mua là được hưởng ưu đãi vay 6%/năm trong vòng 10 năm, thấp hơn mức lãi trên thị trường là từ 11 - 12%/năm.

Tuy  nhiên, người dân mua nhà này đã tỏ ra chán nản và không muốn mua căn hộ tại Khu chung cư Bắc Sơn nữa do đã làm thủ tục 2 tháng nhưng không vay được tiền.

Ông Trần Văn Thắng  - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng cho rằng, sở dĩ nhà ở xã hội hiện nay không hấp dẫn với người dân là do giá đất. Tại các thành phố lớn, giá đất cao, người dân không có khả năng mua đất nên phải chọn mua nhà ở chung cư, nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tại Hải Phòng, giá đất chỉ 400 - 500 triệu đồng/nhà, ngang giá chung cư thu nhập thấp.

Ông Thắng cũng cho hay, khi giá đất thấp thì xây chung cư không hiệu quả bởi khi giá đất cao ta tăng số tầng, tăng hệ số sử dụng đất thì giá thành của đất chia theo m2 rẻ đi. Do giá đất Hải Phòng thấp nên tỷ lệ giá đất nằm trong giá nhà chung cư rất ít.


Luật 'hở'

Một trong những bất cập của chính sách phát triển nhà ở xã hội là chưa có quy định rõ ràng, cụ thể cho loại hình này. Điểm hở của kinh doanh bất động sản khiến rất nhiều người dân mua nhà phải gánh chịu hệ lụy là không có biện pháp chế tài đối với chủ đầu tư. Trên thực tế, hiện nay, tính an toàn trong giao dịch bất động sản nói chung gần như không có, không cơ quan nào đứng ra đảm bảo giao dịch an toàn cho người dân.

Ngoài ra, việc tiếp cận với thông tin về pháp lý nhà đất của người dân cũng rất khó khăn. Hiện tượng giả mạo giấy tờ nhà đất xảy ra nhiều nhưng khi xảy ra sự cố thì Luật Kinh doanh bất động sản cũng không quy định rõ cán bộ công chứng, cán bộ văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hay tổ chức nào phải chịu trách nhiệm về chuyện này.

Nhiều chủ đầu tư sau khi xây xong đã bán hết nhà cho dân nhưng lại chưa hoàn chỉnh về hạ tầng, chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với Nhà nước hoặc có vi phạm trong xây dựng nên suốt thời gian dài người dân bị “treo” giấy chủ quyền. Đối với nhà ở xã hội - nhà ở giá rẻ, người dân càng lo lắng về vấn đề này vì giá nhà ở thấp, chủ đầu tư không thu được nhiều lợi nhuận.

TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM cho rằng, quá trình thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản, quyền lợi người dân vẫn chưa được bảo vệ tốt. Khi có vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra, người dân thường gánh chịu thiệt thòi, bất lợi. Trong các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản với chủ đầu tư trong các dự án nhà ở người dân hầu hết ở vào thế bất lợi.

DiaOcOnline.vn - Theo Tạp chí điện tử Nhịp sống số