Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang dự kiến đầu tư xây dựng trụ sở lớn gấp 15 lần nhu cầu sử dụng trong giai đoạn 2020-2030.
Điều đáng nói, số vốn đầu tư dự án quá lớn, trong khi VEC vẫn nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cả chục năm qua.
8 năm chưa nộp đủ tiền sử dụng đất
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Thủ tướng xin thay đổi mục tiêu và hình thức đầu tư dự án trụ sở của VEC. Theo đó, trụ sở tương lai của VEC sẽ là tòa nhà văn phòng, thương mại, cơ sở lưu trú ngắn ngày. Trước đó, VEC đã có văn bản gửi Bộ GTVT xin thay đổi mục tiêu và đối tác đầu tư dự án xây trụ sở làm việc tại lô 20-E4 khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội). Theo đề xuất ban đầu của VEC, dự án có quy mô 30 tầng nổi, 3 tầng hầm, tổng diện tích sàn xây dựng 43.550m2, mật độ xây dựng 36,8%. Trụ sở VEC được xây dựng trên khu đất rộng 4.180m2, trong đó diện tích xây dựng 1.540m2.
Trong văn bản mới đây Bộ GTVT cho rằng với định hướng, quy mô phát triển trong tương lai trở thành tổng công ty hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh đường cao tốc tại Việt Nam, nhu cầu cần đầu tư, xây dựng thêm trụ sở cho VEC và các đơn vị trực thuộc VEC là rất cấp thiết. |
Năm 2012, Hội đồng thành viên VEC đã ra quyết định (số 491/QĐ-VEC-HĐTV) phê duyệt tổng mức đầu tư dự án xây dựng trụ sở VEC khoảng 667 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay sau 8 năm kể từ khi UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án vẫn là một khu đất trống. Nguyên nhân do VEC thiếu vốn đầu tư dự án, chưa hoàn thành thủ tục giao đất và cấp phép xây dựng nên chưa triển khai các bước tiếp theo.
Cũng phải nói thêm, về thủ tục thuê đất dự án, ngay từ năm 2006 TP Hà Nội đã phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao đất có thời hạn 50 năm cho các ô đất thuộc lô E khu đô thị mới Cầu Giấy cho 23 đơn vị, trong đó có VEC. Đến tháng 1-2007 VEC đã nộp 4,18 tỷ đồng đặt cọc tiền thuê đất, nhưng do thiếu vốn đến nay VEC vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ sử dụng đất với TP. Như vậy, về mặt pháp lý, dự án xây dựng trụ sở VEC chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, chưa hoàn thành các thủ tục về đất, giao đất, cũng như nghĩa vụ tài chính khác, nên dự án chưa thuộc quyền sở hữu của VEC.
Ảnh minh họa.
|
VEC muốn kêu gọi hợp tác
Ngày 4-8-2017, UBND TP Hà Nội đã ra thông báo (số 895) yêu cầu 23 tổng công ty có dự án đầu tư xây dựng trụ sở tại tại khu đô thị mới Cầu Giấy báo cáo tình hình triển khai dự án. Trong đó, yêu cầu báo cáo rõ có tiếp tục hay không còn nhu cầu triển khai dự án, báo cáo năng lực tài chính thực hiện dự án, cam kết tiến độ thực hiện và xác định nghĩa vụ tài chính đối với thành phố nếu tiếp tục triển khai dự án. Trường hợp VEC không còn nhu cầu và không còn khả năng thực hiện phải bàn giao lại cho TP và nhận lại tiền đặt cọc. Điều đáng nói, nhu cầu trụ sở thực tế của VEC trong giai đoạn 2020-2030 chỉ bằng 1/15 so với tổng diện tích sử dụng dự án xây trụ sở tại lô 20-E4 theo quy hoạch. Vì thế, nếu VEC tự đầu tư xây dựng sẽ không phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, gây lãng phí quỹ đất và chi phí vận hành, quản lý, khai thác tòa nhà. Để tiếp tục triển khai dự án, VEC đề xuất mời đối tác có uy tín, kinh nghiệm, năng lực tài chính, đồng thời có chức năng kinh doanh bất động sản để cùng tham gia làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Việc hợp tác giữa VEC và nhà đầu tư để xây dựng trụ sở VEC tại lô 20 - E4 sẽ mang lại hiệu quả đầu tư cho các bên, giảm gánh nặng đầu tư vốn cho VEC.
Cũng theo giải trình của VEC, việc UBND TP Hà Nội yêu cầu phải đầu tư 30 tầng theo quy hoạch, với quy mô và tổng mức đầu tư lớn, đã khiến việc huy động cùng lúc 667 tỷ đồng của VEC rất khó khăn. Trong khi đó VEC đang rất cần vốn để đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc. Theo VEC, quy mô ban đầu dự án 43.550m2 sàn xây dựng, trong khi nhu cầu sử dụng văn phòng của VEC đến năm 2020 chỉ 2.860m2 sàn (bằng 1/15 diện tích sàn tòa nhà), phần diện tích còn lại, VEC cũng không thể đưa vào khai thác do mục tiêu ban đầu của dự án chỉ là xây trụ sở. Tuy nhiên, lý do này của VEC chỉ thực sự phù hợp kể từ thời điểm tháng 10-2015 khi Chính phủ ban hành Nghị định 91 cấm DNNN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, trừ các DNNN có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. Như vậy, VEC không được kinh doanh bất động sản nên việc đầu tư dự án quy mô 43.550m2 sẽ dư thừa rất lớn so với nhu cầu sử dụng văn phòng trong giai đoạn 2020-2030.
Trong văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận, cho phép thay đổi mục tiêu đầu tư dự án từ trụ sở VEC thành tòa nhà văn phòng làm việc của VEC, trung tâm thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê, kết hợp cơ sở lưu trú ngắn ngày tại lô đất 20-E4 khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội. Đồng thời, bộ này cũng kiến nghị cho phép VEC được lựa chọn nhà đầu tư dự án tại lô đất trên, trong đóVEC chỉ tham gia góp vốn bằng quyền phát triển dự án theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp, và số tiền đặt cọc sử dụng đất 4,18 tỷ đồng. VEC sẽ không góp thêm một khoản chi phí nào khác trong quá trình thực hiện đầu tư.
DiaOcOnline.vn - Theo SGĐT