Vẽ dự án lừa tiền dân

Cập nhật 22/05/2020 08:20

Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, xử lý, nhưng các dự án “ma” vẫn mọc lên như nấm ở nhiều tỉnh thành phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An…, khiến hàng trăm người dân đổ tiền mua bất động sản mà các đối tượng lừa đảo vẽ ra.

UBND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cắm bảng cảnh báo trước khu đất được quảng cáo là dự án Hồ Tràm Riverside

Như nấm sau mưa

Ngày 20/5, UBND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với ông Nguyễn Quốc Vinh (ngụ quận 3, TPHCM) vì tự làm đường giao thông trên đất nông nghiệp mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Quyết định xử phạt của UBND huyện Xuyên Mộc nêu, kể từ tháng 12/2019, tại khu đất 60ha do ông Vinh sử dụng ở ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, ông đã làm đường giao thông trên khu đất nông nghiệp với diện tích gần 10.000m2.

Khu đất 60ha này đang được hàng loạt sàn bất động sản rao bán với cái tên Hồ Tràm Riverside. Theo Công an huyện Xuyên Mộc, ông Vinh đã san gạt tạo mặt bằng khoảng 80%, xây dựng một cổng bê tông chưa có thông tin quảng cáo, hình thành 1 đường đất gồm 1 trục chính và 8 đường ngang, đang thi công hệ thống thoát nước trong khu đất. Ông Vinh cho biết đang làm thủ tục xin phép mở đường trong khu đất nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Tuy nhiên, nhiều công ty bất động sản đã tham gia môi giới và bán đất nền Hồ Tràm Riverside cho khách hàng như DanhKhoi Real, Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Tây Nam, CentralLand, Ben Thanh Real, Nhà Việt Land, DanhphatLand, Homelandsg, HTLand…

Trước đó, ngày 19/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để làm cơ sở tiếp tục điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm xử lý theo quy định của pháp luật đối với ông Đặng Tiến Trường (quê Khánh Hòa). Ông Trường là Giám đốc Công ty Kim Home Land ở quận Gò Vấp, TPHCM. Sau khi nhận được uỷ quyền của một cá nhân đứng tên các thửa đất ở quận 9, quận 12 (TPHCM) và huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), ông Trường không thực hiện thủ tục phân lô tách thửa tại các cơ quan chức năng mà tự ý vẽ ra các dự án bất động sản phân lô bán nền không có thật với các tên gọi như King Home 1, King Home 2, King Home 4 và King City.

Ông Trường chỉ đạo nhân viên thực hiện việc phát tờ rơi hoặc điện thoại trực tiếp đến khách hàng để tiếp thị, quảng cáo, rao bán các nền đất thuộc dự án không có thật. Khi khách hàng đồng ý, ông Trường yêu cầu ký kết các hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rồi chiếm đoạt hơn 21 tỷ đồng. Cơ quan chức năng còn xác định ông Trường đã bán cùng một nền đất cho nhiều khách hàng tại các dự án phân lô bán nền không có thật để chiếm đoạt tài sản.

Môi giới tiếp tay

Ông D. T. H. (ngụ quận 12, TPHCM) ký hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty King Home Land từ tháng 11/2018. Hợp đồng ghi rõ giao dịch tại lô số 03, liên kết C thuộc tờ bản đồ số 58, thửa đất số 592, phường Thạnh Xuân, quận 12. Đến nay, ông H. đã đóng được 717,5 triệu đồng. Tuy nhiên, quá hạn bàn giao đất, Công ty King Home Land vẫn không thực hiện. Sau khi thấy công ty có nhiều biểu hiện bất minh, ông H. tìm hiểu thì vỡ lẽ lô đất này không thuộc tờ bản đồ số 58, thửa đất số 592 như trong hợp đồng hai bên đã ký kết mà chỉ là lô đất nằm liền kề. Hiện nay, lô đất ông mua đã có người xây nhà để ở.

Ông H. nói rằng mình thiếu cảnh giác khi không tìm hiểu kỹ dự án, một phần nhân viên môi giới tỏ ra rất hiểu biết, thực hiện toàn bộ công đoạn mua bán, giấy tờ thủ tục, chỉ có chữ ký cuối cùng là của lãnh đạo doanh nghiệp ký. Theo ông, nếu muốn không có dự án “ma”, người dân không bị lừa mua đất nền ảo thì phải xử lý lãnh đạo doanh nghiệp lừa đảo và xử lý cả nhân viên môi giới khi họ trực tiếp thuyết phục, giao dịch với khách hàng. “Nhân viên môi giới hiểu đó là hành động lừa đảo nhưng vẫn làm vì sau khi giao dịch xong là họ phủi tay và đổ trách nhiệm cho lãnh đạo công ty. Khi công ty đó đóng cửa trả mặt bằng trụ sở thì nhân viên môi giới lại đi bán dự án “ma” khác, lại đi lừa người dân khác”, ông H. nói.

Luật sư Nông Minh Đức cho rằng, các nhân viên môi giới dự án “ma” thường biết đó là giao dịch trái pháp luật. Chỉ vì được ăn chia vài phần trăm “hoa hồng” trên từng giao dịch thành công mà họ bất chấp để tìm kiếm khách hàng, dẫn dắt người khác vào tròng. Tâm lý nhiều nhân viên môi giới hiện nay là cứ làm, nếu ông chủ sàn bị bắt thì họ vô can do không có chức vụ trong công ty và chỉ là người làm công ăn lương, không bị cơ quan điều tra mời làm việc, không bị truy tố nên cùng lắm chỉ mất việc làm. Điều này khiến các nhân viên môi giới bất chấp.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nói rằng, các dự án “ma” tập trung nhiều tại vùng ven TPHCM và một số tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An vì nhu cầu đất nền tại khu vực này rất lớn. Thị trường có nhu cầu thì tất yếu dẫn đến nguồn cung. Tuy nhiên, nhu cầu mua để ở thực sự chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại là mua để đầu tư, “lướt sóng”. Yếu tố tác động thứ hai là họ kỳ vọng sau này chính quyền sẽ hợp thức hóa cho những dự án “ma” trở thành khu dân cư.

“Thủ đoạn của các dự án “ma” là các đối tượng lừa đảo tìm nhiều khu đất có diện tích từ vài ngàn mét vuông theo hình thức hợp tác đầu tư với chủ sử dụng đất hoặc mua đất nông nghiệp giá rẻ, thậm chí chiếm đất công rồi tự vẽ ra dự án với tên gọi mỹ miều. Sau đó, cho nhân viên mang phát tờ rơi trên đường, quảng cáo trên mạng… bán đất nền. Các nạn nhân dù chưa tìm hiểu kỹ pháp lý của dự án nhưng do hám rẻ đã vội vàng xuống tiền”, ông Châu nói. Ông cho rằng, để dự án “ma” hoành hành, ngoài việc nhiều nhà đầu tư thiếu hiểu biết và hám lợi, còn do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý. Thậm chí, có một số cán bộ ở xã, phường bắt tay với các sàn môi giới để hưởng lợi từ việc bán đất nền ở dự án “ma”. Do đó, chính quyền các phường, xã, quận, huyện cần thiết lập một hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch dễ tiếp cận, dễ hiểu cho người dân.

Công nhân dễ sập bẫy đất nền giá rẻ

Theo ghi nhận của PV báo Tiền Phong, tại phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương xuất hiện một nhóm người đứng rao bán đất nền tại một khu vực đất nông nghiệp. Họ nói với khách hàng rằng, khu đất rộng gần 5.000m2 được cơ quan chức năng cấp phép cho tách trên 50 nền. Do số tiền mỗi nền chỉ từ 200 đến 300 triệu đồng, hợp túi tiền của công nhân, nên nhiều người hỏi mua. Cũng tại Tân Uyên, xuất hiện một dự án mang tên Khu nhà ở Thái Bình Dương - Tân Hiệp, đã được rao bán và nhận tiền từ khách hàng dù dự án này chỉ mới được phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã chỉ đạo Sở Xây dựng cập nhật nhanh và liên tục các dự án bất động sản hình thành trong tương lai được mở bán để người có nhu cầu nắm, tránh bị lừa đảo. Những dự án chưa được công bố trên website của Sở Xây dựng hiển nhiên là chưa được phép mở bán.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong