Về 47 dự án chậm tiến độ tại huyện Mê Linh: Cái giá của sự vội vàng?

Cập nhật 13/12/2013 08:52

Từng một thời "dậy sóng" trên thị trường bất động sản khu vực phía tây bắc Thủ đô, nhưng sau 5 năm, hầu hết các dự án tại huyện Mê Linh chỉ là đồng ruộng và những khu đất trống. Trong thời buổi "tấc đất tấc vàng", tình trạng hàng nghìn héc ta đất bị bỏ hoang suốt một thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà còn khiến các chủ đầu tư lâm vào cảnh "sống dở, chết dở".

Những dự án “bất động” trên địa bàn huyện Mê Linh.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (Sở KH-ĐT), trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có 47 dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở với tổng diện tích khoảng hơn 2.000ha. Hầu hết các dự án đều được phê duyệt ngay trước thời điểm Mê Linh được hợp nhất về Hà Nội. Vào thời điểm năm 2008, thị trường bất động sản đang trong cơn "sốt", với lợi thế của một huyện ngoại thành nằm sát trung tâm Thủ đô, có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, Mê Linh ngay lập tức tạo được sức hút với giới đầu tư bất động sản. Sau khi được phê duyệt, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chóng chia lô, bán nền và huy động vốn góp từ các nhà đầu tư thứ cấp, dù dự án mới đang trong giai đoạn GPMB. Tuy nhiên, cơn "sốt" kéo dài không lâu. Giá đất tại Mê Linh tụt dốc nhanh chóng khi thị trường bất động sản bắt đầu trầm lắng, nhiều dự án rơi vào trạng thái mất thanh khoản do giá bất động sản giảm sâu trong thời gian dài. Sau hơn 5 năm triển khai, đến nay mới chỉ có 15 dự án hoàn thành công tác GPMB, với tổng diện tích đất sạch trên 846ha; 18 dự án đã thực hiện GPMB một phần và 14 dự án chưa GPMB hoặc chưa rõ thông tin do chủ đầu tư không liên hệ. Trong số đó có nhiều dự án đình đám, một thời "dậy sóng" thị trường bất động sản phía bắc Thủ đô như Dự án Khu đô thị AIC, Dự án Minh Giang - Đầm Và, Diamond Park New hay Khu đô thị mới Hà Phong…

Sáng 10-12-2013, chúng tôi đã tìm về xã Tiền Phong, một trong hai xã có số lượng dự án được cấp phép nhiều nhất trên địa bàn huyện Mê Linh. Không khó khăn lắm, chúng tôi đã tìm thấy hai dự án Khu nhà ở thương mại cho thuê và dự án Khu đô thị mới Hà Phong, nằm cách trụ sở UBND xã Tiền Phong chỉ vài trăm mét. Cả hai dự án trên đều có vị trí khá đẹp, giáp tuyến đường liên huyện và khu dân cư đông đúc và đều có điểm chung là đang trong tình trạng hoang hóa. Tại dự án Khu nhà ở thương mại cho thuê, ngoài một số diện tích đất nằm sát mặt đường đã được chia lô, xây tường gạch sơ sài, toàn bộ diện tích đất bên trong vẫn là những thửa ruộng trồng rau màu xanh tốt, đang đến kỳ thu hoạch. Còn Khu đô thị mới Hà Phong đã đầu tư hệ thống hạ tầng và xây dựng hàng chục lô biệt thự, nhưng đến nay 90% trong số đó vẫn đang để hoang. Do bị lãng quên quá lâu, toàn bộ tuyến đường bao quanh khu đô thị đã trở thành bãi cỏ cao lút đầu người, đường nội bộ xuống cấp nghiêm trọng, những tấm biển chỉ dẫn cũng đã gỉ hoen...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mê Linh cho biết, một trong những nguyên nhân khiến Mê Linh trở thành vùng dự án hoang là do hầu hết dự án được phê duyệt trước năm 2008, do đó không phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô. Mới đây, cơ quan chức năng đã bàn giao hồ sơ quy hoạch phân khu đô thị huyện Mê Linh và huyện Đông Anh. Nếu chiếu theo quy hoạch phân khu này, gần như 100% dự án đô thị trên địa bàn huyện sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch 1/500 theo hướng tăng diện tích mặt nước, cây xanh, diện tích dành cho nhà cao tầng, đặc biệt cho các dự án nhà ở xã hội. Lý do trên cộng với yếu tố thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi là nguyên nhân chính khiến nhiều chủ đầu tư "bỗng nhiên mất tích". Để liên hệ được với chủ đầu tư, Sở TN&MT, Thanh tra thành phố và UBND huyện Mê Linh đang phải rà soát từng số điện thoại của doanh nghiệp, song đến nay nhiều đơn vị vẫn "bặt vô âm tín". Cho dù cơ quan chức năng đã nhiều lần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng cũng chỉ có 16/47 nhà đầu tư có báo cáo gửi đến, số còn lại đều không có hồi âm.

Dự án bị bỏ hoang gây lãng phí lớn.

Kết cục của những dự án "đẻ non"

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, có đến 33/47 dự án chậm tiến độ trên địa bàn huyện Mê Linh đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư, ra quyết định giao, cho thuê đất trước thời điểm hợp nhất huyện Mê Linh về Hà Nội không lâu (trước 1-8-2008). Đó chủ yếu là các dự án xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở với quy mô lớn. Và điều đáng nói là cho đến nay hầu hết dự án này đều chưa triển khai đầu tư xây dựng. Việc phê duyệt các "dự án vàng" vào giờ "áp chót" như vậy khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi về sự vội vàng của cấp có thẩm quyền trong việc thẩm định năng lực chủ đầu tư, tính cần thiết, khách quan của từng dự án. Trên thực tế, nhìn vào các dự án trên địa bàn huyện Mê Linh, dễ dàng nhận thấy sự phát triển của các khu đô thị ở khu vực này không xuất phát từ nhu cầu có thực. Chủ đầu tư chỉ vào "xí phần" đất để huy động vốn, còn nhà đầu tư thì nhăm nhe "lướt sóng". Thế nên phần lớn dự án mặc dù chưa xong GPMB đã tiến hành huy động vốn.

Sự vội vàng này đã dẫn đến tình trạng có dự án được phê duyệt chỉ cách nhau vài tháng nhưng do công tác thẩm định, bàn giao mốc giới sử dụng đất không đến nơi, đến chốn nên diện tích chồng lấn lên đến hàng nghìn mét vuông. Điển hình là dự án Xây dựng khu nhà ở Hoàng Vân và dự án Khu đô thị mới AIC trên địa bàn xã Tráng Việt chồng lấn nhau đến 3.600m2. Dự án được phê duyệt sau lại hoàn thiện việc GPMB trước, đến khi dự án được phê duyệt trước tiến hành san lấp mặt bằng đúng mốc giới được giao thì mới "té ngửa" khi hàng nghìn mét vuông đất của mình đã nằm trong tường rào của "ông hàng xóm"!

Mặt khác, vì được giao đất trong thời điểm "nhạy cảm" nên đã phát sinh khiếu kiện của các hộ dân liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện GPMB. Một số cá nhân có đất trong phạm vi dự án đã đề nghị được áp dụng giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo chính sách hiện hành của thành phố Hà Nội, không chấp thuận theo mức giá UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt trước đó chưa lâu. Điều này cũng gây khó khăn không nhỏ cho công tác GPMB của các chủ đầu tư dự án.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 2-12-2013, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã có Văn bản số 4766/KH&ĐT-TĐ báo cáo kết quả kiểm tra một số dự án chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn huyện Mê Linh, kiến nghị một số giải pháp cho vấn đề này trên cơ sở phân loại dự án theo tiến độ và thái độ chấp hành pháp luật của các chủ đầu tư. Theo đó, Sở này đề xuất, đối với 12 dự án đã hoàn thiện công tác GPMB, hiện đã san nền, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đề nghị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đối với 14 dự án chưa triển khai công tác GPMB, giao cơ quan chức năng phối hợp với huyện Mê Linh rà soát trình tự, thủ tục của dự án, đề xuất báo cáo thành phố xử lý theo quy định hiện hành. Riêng đối với 20 dự án đã triển khai GPMB nhưng không có thông tin báo cáo về tình hình triển khai thực hiện, đề nghị giao Thanh tra thành phố kiểm tra, có kết luận để xử lý theo quy định của pháp luật.

Rất nhiều "bờ xôi, ruộng mật" của bà con nông dân huyện Mê Linh trong suốt 5 năm qua đã và đang biến thành bãi hoang để cỏ mọc, không chỉ lãng phí tài nguyên đất mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế của địa phương. Dư luận cũng như người dân Mê Linh đang trông chờ vào những biện pháp mạnh, kịp thời của cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền để hàng nghìn héc ta đất khu vực này nhanh chóng được đưa vào sử dụng đúng mục đích.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới