Vay vốn mua nhà ở xã hội: Bộ ngành bất đồng, quy định nằm trên giấy

Cập nhật 22/07/2016 14:25

Đã hơn 1 năm kể từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực (1.7.2015), nhưng đến nay, các bộ, ngành vẫn còn bất đồng trong việc bố trí nguồn vốn để cho vay phát triển nhà ở xã hội (NOXH). Quá sốt ruột với sự chậm trễ, các bộ, ngành, hiệp hội đã có hàng loạt văn bản kiến nghị đẩy nhanh tiến độ bố trí vốn hỗ trợ người nghèo mua nhà.

Các dự án nhà ở đang mọc lên, rất cần vốn.

Nan giải bố trí nguồn vốn

Điều 74 của Luật Nhà ở 2014 quy định: “Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp và thời hạn cho vay dài hạn, thông qua việc cấp vốn từ ngân sách cho Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), để thực hiện các chương trình mục tiêu về nhà ở và xây dựng NOXH. Ngân hàng CSXH được huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê mua NOXH để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định”.

Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực, đến nay, việc vay vốn của các đối tượng chính sách (tạm gọi người nghèo) vẫn còn nằm trên giấy. Quá sốt ruột với sự chậm chạp này, chỉ trong vòng chưa đến nửa tháng kể từ đầu tháng 6.2016, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã liên tiếp ra 2 văn bản kiến nghị về vấn đề vốn cho vay mua NOXH. Theo nhận định của HoREA: “Việc thực hiện chính sách NOXH theo Luật Nhà ở 2014 đang bị ách tắc do có những ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành, hiệp hội; vướng mắc lớn nhất là vấn đề bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách NOXH”.

Cũng theo HoREA, Luật Nhà ở 2014 đã xác định khung chính sách và cơ chế về nhà ở xã hội; Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 25/2015/TT-NHNN ngày 9.12.2015 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách NOXH; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1013/QĐ-TTg ngày 6.6.2016 về lãi suất cho vay ưu đãi NOXH tại Ngân hàng CSXH được áp dụng lãi suất 4,8%/năm kể từ ngày 6.6.2016 đến hết ngày 31.12.2016… Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 3923/BKHĐT-KCHTĐT ngày 23.05.2016 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng CSXH và các cơ quan có liên quan huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ NOXH (do ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư phát triển còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn…).

Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1138/BXD-QLN ngày 13.6.2016 gửi Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay chương trình NOXH là không hợp lý, vì đã được quy định trong Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP… Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng CSXH và các cơ quan liên quan huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ NOXH là không phù hợp với các quy định tại khoản 4 Điều 70 và khoản 1 Điều 74 của Luật Nhà ở năm 2014.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng có văn bản nêu quan điểm rất rõ ràng về nguồn vốn thực hiện chương trình NOXH sau khi các bộ, ngành có ý kiến về nguồn vốn: “Việc huy động nguồn vốn khác ngoài ngân sách cho NOXH là không khả thi, do lãi suất cao, thời hạn cho vay vốn ngắn, trong khi các đối tượng hưởng lợi là hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có thu nhập thấp…”.

Bất đồng của các bộ, ngành không chỉ xoay quanh vấn đề bố trí nguồn vốn mà còn ở vấn đề ngân hàng nào được tham gia cho vay vốn mua NOXH. Luật Nhà ở quy định, ngân sách cấp vốn thông qua Ngân hàng CSXH cho vay để thực hiện các chương trình mục tiêu về nhà ở và xây dựng NOXH. Mặc dù Luật Nhà ở đã có hiệu lực nhưng Bộ Tài chính không đồng ý với quy định này nên đã có văn bản đề nghị bỏ quy định Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay chương trình NOXH... HoREA đồng tình với đề nghị của Bộ Tài chính về việc có nhiều ngân hàng được tham gia chương trình NOXH. Bởi, theo HoREA, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank thực hiện cho vay ưu đãi NOXH theo Luật Nhà ở 2014…

Bao giờ vốn đến tay người nghèo?

Sự chậm trễ trong việc đưa các quy định của Luật Nhà ở 2014 vào cuộc sống đã tạo ra một khoảng trống chính sách trong việc hỗ trợ người nghèo mua nhà. Năm 2015, gói 30.000 tỉ đồng đã tạo ra hiệu quả vô cùng to lớn trong việc hỗ trợ người nghèo mua nhà. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay 7.850 tỉ đồng (chiếm 22,5%) cho 10.671 khách hàng (có 10.663 khách hàng cá nhân được vay 6.307 tỉ đồng; và 8 doanh nghiệp được vay 1.543 tỉ đồng), trong đó, nhiều người đã được thuê mua, mua NOXH. Chỉ với chưa đầy 8.000 tỉ đồng đã tạo ra cơ hội an cư cho hơn 6.000 hộ gia đình.

Trên bình diện quốc gia, theo số liệu của Bộ Xây dựng, đến nay đã có 145 dự án, với quy mô 58.500 căn hộ hoàn thành. 174 dự án, với quy mô 139.300 căn hộ, tổng mức đầu tư 56.800 tỉ đồng đang triển khai. Cũng theo Bộ Xây dựng, đối với những dự án đã hoàn thành, hầu hết đối tượng mua nhà được hưởng chính sách hỗ trợ từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, có lãi suất ưu đãi, đã ký hợp đồng cam kết trước ngày 31.3.2016.

Cũng liên quan đến các dự án NOXH, tổng quỹ nhà đang triển khai gần 140.000 căn đang sắp bước vào giai đoạn cần hỗ trợ về vốn. Các đối tượng được hưởng hỗ trợ vay vốn mua NOXH và doanh nghiệp đầu tư xây dựng NOXH đang trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ mới (lãi suất 4,8%/năm - PV) theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển NOXH.

Bộ Xây dựng nhận định: “Nếu không có nguồn vốn để triển khai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chính sách an sinh xã hội. Mặt khác, các dự án dở dang khó triển khai tiếp; người thu nhập thấp khó có khả năng tiếp cận với nhà…”.

Cũng trên tinh thần trông chờ nguồn vốn hỗ trợ người nghèo mua nhà, trong kiến nghị mới nhất (ngày 14.7.2016), HoREA đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ cấp bù lãi suất nhằm thực hiện sớm chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao động