Vay mua nhà ở xã hội, nản lòng vì “từ chối xác nhận”

Cập nhật 22/08/2013 16:51

Nhiều chính sách đã được ban hành nhằm tạo thuận lợi cho người thu nhập thấp có thể tiếp cận với gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, những khó khăn về thủ tục đang là rào cản lớn.


Từ chối xác nhận hiện trạng nhà

Một trong những thủ tục vướng mắc nhất hiện nay mà người có nhu cầu vay, mua nhà ở xã hội (NƠXH) gặp phải, đó là xác nhận hiện trạng nhà ở.

Theo quy định, UBND các xã, phường, thị trấn là nơi xác nhận hiện trạng. Thế nhưng, chính quyền cấp cơ sở nhiều nơi từ chối thực hiện nghĩa vụ này.

Chị Nguyễn Minh Loan (Hà Nội) cho biết: “Khi chúng tôi đến UBND phường làm thủ tục xác nhận hiện trạng nhà và đất ở, UBND phường đã từ chối với lý do chưa nắm rõ chính sách, và cũng không biết chắc tôi có nhà đất ở nơi khác hay không?”.

Bên cạnh đó, có trường hợp người dân đăng ký hộ khẩu ở nơi này, nhưng lại sinh sống ở nơi khác. Và cũng do nơi đăng ký hộ khẩu không đồng nhất với nơi sinh sống, nên theo lý giải của một cán bộ UBND phường Ngọc Thụy, Gia Lâm (Hà Nội) thì phường không thể biết được người đi xin xác nhận có khó khăn về nhà ở hay không, hoặc đã có nhà, đất ở nơi khác chưa, nên cũng không dám xác nhận!

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Ban đầu triển khai thực hiện, các ngân hàng cũng còn có những vấn đề chưa hiểu hết. Chúng tôi cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay lại là việc xác nhận của chính quyền địa phương, tài sản bảo đảm và vấn đề công chứng. Hiện các phòng công chứng chưa công chứng cho các hợp đồng vay mua ba bên như thế này”.

Ngoài ra, còn một khó khăn nữa là việc xác định đối tượng có thu nhập thấp! Theo Thông tư của Bộ Xây dựng thì không yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 phải xác nhận là đối tượng thu nhập thấp.

Tuy nhiên, trong giai đoạn mới triển khai thực hiện, các ngân hàng thương mại vẫn còn có cách hiểu khác nhau. Có ngân hàng vẫn yêu cầu hộ gia đình cá nhân khi vay vốn để thuê, mua NƠXH có diện tích dưới 70m2 phải có xác nhận là đối tượng thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, khó khăn trong việc xác định khả năng trả nợ của các hộ gia đình, cá nhân cũng là yếu tố khiến các ngân hàng chặt chẽ hơn trong việc cho vay.

Theo quy định của Nghị quyết 02 thì gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng do các ngân hàng thương mại nhà nước cho vay với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng, và Ngân hàng Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm.

Vì vậy, các ngân hàng khi cho vay phải bảo đảm khả năng thu hồi nợ từ phía khách hàng, kể cả các doanh nghiệp và cá nhân. Do đó, người thu nhập thấp nếu không chứng minh được khả năng trả nợ thì cũng khó tiếp cận được với gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng này…

Đăng ký mua NƠXH theo đơn vị

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định: Quy định đối tượng được mua NƠXH là phải có hộ khẩu thường trú. Trong trường hợp không có hộ khẩu thường trú thì người mua phải có hộ khẩu tạm trú, kèm theo điều kiện là đã đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên tại địa bàn.

Còn việc xác nhận thực trạng nhà ở là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Địa phương có trách nhiệm xác nhận nhà thực ở, diện tích ở của hộ gia đình đó (không tính đến có nhà đất ở nơi khác), người mua nhà phải chịu trách nhiệm về thông tin mà mình đã khai. Do đó, không thể vì lý do không rõ mà UBND phường không xác nhận cho người mua nhà.

“Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các phường thực hiện việc các nhận này. Cuối tuần trước, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cũng đã có cuộc họp chỉ đạo các phường thực hiện việc xác nhận cho các hộ gia đình có nhu cầu” - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết.

Hiện nay, không phải ai cũng hiểu hết các thủ tục để tiếp cận với gói 30 nghìn tỷ đồng, kể cả các ngân hàng.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng cho biết: “Chúng tôi đã gặp gỡ với cả năm ngân hàng tham gia giải ngân vào gói tín dụng này và thấy vẫn còn nhiều vướng mắc. Ở các địa phương, một số chi nhánh trả lời vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Hội sở chính về việc ký kết tay ba, hay xử lý rủi ro (nếu có) như thế nào? Có ngân hàng còn yêu cầu chủ đầu tư thế chấp toàn bộ sổ đỏ, trong khi hầu như các dự án NƠXH chưa có sổ đỏ…”.

Trong khi đó, các phòng công chứng thì lại từ chối chứng thực cho hoạt động mua bán tay ba như thế này. Lý do, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, giấy tờ liên quan đến dự án đã được chủ đầu tư thế chấp với ngân hàng để vay tiền nên người mua không thể thế chấp căn hộ một lần nữa. Không có chuyện một căn hộ được thế chấp hai lần.

Trước mắt, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, để giải quyết phần nào những khó khăn, khúc mắc cho người mua nhà, Bộ Xây dựng đã tổ chức khảo sát nhu cầu và đăng ký mua NƠXH tại các Bộ, ban, ngành T.Ư đóng trên địa bàn Hà Nội.

“Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức việc tiếp xúc trực tiếp giữa đại diện cơ quan Bộ, ban, ngành với các chủ đầu tư dự án NƠXH trên địa bàn để có thể tổ chức đăng ký mua theo đơn vị và có sự hỗ trợ giải quyết thủ tục nhanh chóng hơn” – Thứ trưởng Nam cho biết.

Ông Nam cho biết thêm: “Trên thực tế, Bộ Xây dựng đã giới thiệu dự án NƠXH với Bộ Tư pháp trong tháng 8 vừa qua, và đã giải quyết được trên 20 hồ sơ vay cho cán bộ của Bộ Tư pháp”.

DiaOcOnline.vn - Theo Nhân dân