Nhiều ngân hàng tăng lãi suất đầu vào kéo lãi suất cho vay một số lĩnh vực tăng theo
Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều ngân hàng (NH) tăng lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn, đặc biệt lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 và 13 tháng tăng thêm 0,2-1 điểm phần trăm, cán mức 8%- 8,4%/năm. Điều này ảnh hưởng đến những khách hàng đã vay tiền mua nhà, ôtô, tiêu dùng...
Những người có nhu cầu vay tiền mua nhà, xe cuối năm sẽ gặp khó khăn hơn do lãi suất ở lĩnh vực này đang tăng. Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu một dự án căn hộ ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
|
Chị Lê Thanh Nhàn (quận Tân Bình, TP HCM) cho biết đầu năm 2018, chị vay 800 triệu đồng để mua nhà, NH tính lãi suất cho vay bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 3%, tức lãi suất 9,2%/năm (lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng khi đó ở mức 6,2%/năm). Tuy nhiên, thời gian đầu chị được hưởng lãi suất ưu đãi của NH chỉ 9%/năm.
"Tính ra mỗi tháng, tôi phải trả lãi 6 triệu đồng, cộng thêm tiền gốc là khoảng 12,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, gần đây, NH tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng thêm 0,6 điểm phần trăm lên mức 6,8%/năm khiến lãi suất khoản vay của tôi cũng tăng theo, lên 9,8%/năm, tức mỗi tháng tôi phải trả tổng cộng hơn 13 triệu đồng, một số tiền không nhỏ với gia đình tôi" - chị Nhàn nói.
Tương tự, anh Nguyễn Tuấn Kiệt (ngụ quận 3, TP HCM) vừa vay NH 500 triệu đồng mấy tháng trước để mua ôtô, NH tính lãi suất cho vay bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng cộng biên độ 4%. Đầu tháng 10, do NH mà anh Kiệt vay tiền tăng lãi suất tiền gửi một số kỳ hạn thêm 1 điểm phần trăm nên lãi suất cho khoản vay của anh cũng tăng tương ứng từ 11,4%/năm lên 12,4%/năm. Điều anh thắc mắc là mức lãi suất 13 tháng NH chỉ áp dụng với số tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên nhưng lại dùng để áp vào những khoản vay chỉ vài trăm triệu đồng như anh.
Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) cho thấy một số NH đã tăng suất cho vay. Cụ thể, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agibank) nâng lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn thêm 0,2 điểm phần trăm và trung dài hạn thêm 0,7-1,3 điểm phần trăm. NH Sài Gòn Thương tín (Sacombank) và NH Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) tăng lãi suất cho vay ở tất cả kỳ hạn thêm 0,5-1 điểm phần trăm. Còn NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) nâng lãi suất cho vay thêm 0,1-0,2 điểm phần trăm; NH Á Châu (ACB) nâng 0,2-0,7 điểm phần trăm lãi suất cho vay trung dài hạn...
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn (SCB), cho biết việc một số NH do hạn mức tín dụng không còn nhiều cộng thêm xu hướng cuối năm lãi suất tiết kiệm thường nhích lên cao nên buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, đặc biệt là những khoản vay tiêu dùng để mua nhà, mua xe... Đồng thời, chọn lọc đối tượng kỹ hơn với những khoản vay mới.
Riêng với các khoản vay cũ, khách hàng cũng được NH thông báo tăng lãi suất, bởi theo quy định các khoản vay thường có lãi suất cố định trong 3-6 tháng, sau đó thả nổi theo xu hướng chung của thị trường. Do đó, khi lãi suất đầu vào nhích lên tác động tới lãi suất cho vay là khó tránh. Ngay cả các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh cũng có thể chịu áp lực từ lãi suất tăng nhưng không nhiều.
Với những NH đã hết, gần chạm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NH Nhà nước, buộc họ phải tập trung thu hồi số vốn đã cho vay nhằm giảm dư nợ, tạo ra dư địa cho vay mới. Thế nhưng, do nhu cầu vay vốn vào thời điểm cuối năm thường tăng mạnh nên không ít NH có xu hướng hạn chế đầu ra bằng cách tăng lãi suất cho vay đối với một một số lĩnh vực, đặc biệt là cho vay chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản để tăng trưởng tín dụng không vượt hạn mức đã được NH Nhà nước cho phép. "NH tôi vừa tăng lãi suất cho vay đầu tư bất động sản từ 11%/năm lên 13%/năm để hạn chế người vay là đối tượng có dòng tiền trả nợ từ việc bán nhà đất" - phó tổng giám đốc của một NH ở Hà Nội tiết lộ.
Lãi suất chưa có biến động lớn
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, tổng giám đốc một NH thương mại nhà nước cho biết lãi suất là giá của đồng tiền và thể hiện cung cầu trong từng giai đoạn. Thời điểm này đến cuối năm, nhu cầu vốn, dịch vụ thanh toán của thị trường, doanh nghiệp tăng lên và lãi suất theo đó cũng nhích lên. Nhưng trên thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn đang ổn định. Có thể một vài NH nào đó điều chỉnh tăng nhưng cũng có NH giảm lãi suất tùy thuộc vào cung cầu tín dụng, thanh khoản của từng NH nên không đáng ngại.
"Chín tháng đầu năm, tín dụng của NH tôi tăng khoảng 10% và vẫn còn dư địa đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường, doanh nghiệp những tháng cuối năm. Mặt bằng lãi suất hiện vẫn ổn định, không có biến động mạnh nên doanh nghiệp không quá lo ngại. Động thái một số NH điều chỉnh tăng lãi suất cho vay mua nhà, mua xe có thể tùy thuộc vào định hướng tín dụng của NH đó đối với từng phân khúc chứ không thể hiện xu hướng tăng lãi suất cho vay chung trên thị trường" - vị tổng giám đốc NH thương mại nhà nước này nói.
DiaOcOnline.vn - theo Người Lao Động