Hàng ngàn hộ dân dù đủ tiêu chuẩn nhận suất tái định cư (TĐC) là căn hộ chung cư hay nền đất nhưng đã từ chối để nhận tiền và tự lo chỗ ở mới. Cũng có nhiều người sau khi bị giải tỏa sống vật vạ tại các khu tạm cư trong những căn phòng chật chội, ẩm thấp, điều kiện thiếu thốn…
Những căn hộ tối tăm
Khu tạm cư Bình Khánh, thuộc phường Bình Khánh (quận 2, TPHCM) được xây dựng cách đây hơn 12 năm, gồm 6 block, cao 2 tầng với hàng trăm căn hộ, mỗi căn có diện tích trên dưới 20m2. Đây là nơi tạm cư cho những hộ dân bị giải tỏa trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Những hộ dân bị giải tỏa sẽ được bố trí về đây ở tạm cho đến khi tự lo chỗ ở mới hoặc được nhận nhà TĐC thì nhường nhà lại cho những người đến sau. Tuy nhiên, cũng vì lý do chưa có chỗ ở mới hay chưa đồng ý với chính sách đền bù, hỗ trợ nên người dân tiếp tục ở đây. Do là nhà tạm nên các căn nhà được xây cất hết sức tạm bợ, trông như những tổ tò vò tối tăm, ngột ngạt.
Ông Huỳnh Văn Lộc tạm cư ở đây hơn 2 năm, cho biết do có đến 9 nhân khẩu nên dù gia đình ông được bố trí 2 căn với diện tích khoảng 40m2, nhưng vẫn quá chật chội.
Còn nhiều gia đình trong khu nhà tạm này phải tận dụng cả gầm cầu thang để ngủ, nghỉ, nấu ăn, thậm chí đã xảy ra trường hợp sinh con ngay dưới gầm cầu thang. Giữa trưa, những căn phòng tạm cư nóng như lò nung, mọi người phải ra đường hoặc các công viên gần đó trốn nóng. Chưa an cư nên cuộc sống của hầu hết người dân ở đây rất khốn khó, phải làm đủ nghề như xe ôm, bán nước đá, tạp hóa… để kiếm tiền sinh sống qua ngày.
Ngại vào nhà mới
Ông Huỳnh Văn Trọng, một người cũng đã có nhiều năm sống ở khu tạm cư Bình Khánh, cho biết sống tạm bợ cực khổ, bất tiện nhưng vẫn còn hơn nhận nhà TĐC, mắc nợ hàng trăm triệu đồng. Bị giải tỏa, tiền đền bù không nhiều, người dân phải vay tiền mới đủ mua nhà TĐC.
Ở chung cư TĐC phức tạp, xây không như ý của mình. Vào ở, chưa có kế sinh nhai đã phải chi phí nhiều khoản, từ tiền quét dọn, bảo vệ đến tiền gửi xe. Nhiều người được bố trí trên tầng 15 cho biết giá nước sinh hoạt lên tới 15.000 đồng/m3. Bất tiện nên nhiều người ở đây đã nhận nhà TĐC rồi cũng không ở.
Nhiều hộ dân khu tạm cư Bình Khánh tận dụng gầm cầu thang để sinh hoạt ngủ nghỉ hoặc nấu ăn trong điều kiện tối tăm. Ảnh: Đỗ Bình Minh
|
Kết quả điều tra của Cục Thống kê TPHCM về đời sống của 1.200 hộ dân sau TĐC, cho thấy người dân chưa mặn mà với nhà TĐC do hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu Tư