Vắng mặt dòng tiền đầu cơ

Cập nhật 28/06/2010 08:40

Hiện tại, trên thị trường có khá nhiều chủ đầu tư chuẩn bị “bung” hàng, với phần lớn sản phẩm thuộc phân khúc căn hộ giá trung bình - thấp, thị phần được đánh giá tiềm năng do nhu cầu lớn. Tuy nhiên, sức mua ảm đạm của thị trường trong thời gian qua khiến không ít chủ đầu tư lo lắng.


Không có sự tham gia mua đi bán lại của các nhà đầu cơ, thị trường căn hộ khó sôi động. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

Theo thống kê từ các hệ thống sàn bất động sản tại TP.HCM như Sacomreal, Vinaland, thị trường bất động sản nhà ở, căn hộ chung cư trong sáu tháng qua khá bình ổn về giá, không có sự tăng - giảm giá đáng kể.

Giảm giá bán vẫn chậm


Trong quý 2, có ít nhất khoảng mười dự án được đưa ra thị trường. Hầu hết những dự án này đều đưa ra mức giá từ 12 - 15 triệu đồng/m2, phân khúc được xem là dành cho người thu nhập trung bình.

Chỉ tính riêng tại khu vực quận Thủ Đức, TP.HCM, hàng loạt dự án căn hộ thuộc phân khúc này đã được tung ra thị trường như chung cư cao tầng Mỹ An, dòng sản phẩm Trường Thọ Apartment, Sun View, Riverside 4S, khu dân cư Hiệp Bình Chánh, cao ốc New Tower Apartment...

Tuy nhiên, bất chấp nhu cầu căn hộ giá trung bình và thấp trên thị trường được cho là có thật, các sàn giao dịch bất động sản cho biết mãi lực hiện nay vẫn rất thấp.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án căn hộ cao cấp và trung cấp đang chào bán gần đây đã phải tính đến phương án kéo dài thời gian thanh toán, đi kèm nhiều ưu đãi đặc biệt thậm chí giảm giá thì mới tìm kiếm được khách hàng. Đơn cử dự án chung cư Mỹ Đức (phường 21, Bình Thạnh) mới đây được chủ đầu tư công bố giảm giá bán 2 triệu đồng/m2 so với giá bán đợt đầu (khoảng 30 triệu đồng/m2).

Hay như tại dự án Everich II, một số nhân viên môi giới cho biết chủ đầu tư đã quyết định giảm giá bán xuống còn 1.300 USD/m2 so với giá dự kiến là 1.600 USD/m2. Giảm giá bán nhưng chủ đầu tư cam kết chất lượng công trình không thay đổi, mục tiêu chính là chủ đầu tư chấp nhận giảm một phần lợi nhuận nhằm đẩy nhanh tốc độ bán hàng.

Cần tháo gỡ những nút thắt

Giao dịch bất động sản chậm do nhiều nguyên nhân. Ông Trần Minh Hoàng, chủ tịch HĐQT công ty bất động sản Vinaland cho rằng, trong bối cảnh đầu tư bất động sản khó khăn như hiện nay, việc phải nộp thuế thu nhập là lo ngại của không ít nhà đầu tư. Bên cạnh đó, ngoài thuế, vấn đề đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến thị trường là nguồn vốn và tính thanh khoản của nó. “Thị trường bất động sản ở TP.HCM hiện nay chủ yếu là dành cho người có nhu cầu nhà ở là chính, còn với nhà đầu tư dường như họ vẫn đứng ngoài cuộc. Nếu một thị trường không có sự hiện diện của các nhà đầu tư mua đi bán lại thì sẽ rất khó sôi động”, ông Hoàng nhận xét.

Bên cạnh đó, một phần của tình trạng ế ẩm này ở thị trường thành phố là do nhiều doanh nghiệp địa ốc đánh mất dần chữ tín. Thời gian qua, hàng loạt dự án đã bị khách hàng khởi kiện vì nhiều lý do khác nhau, trong đó cái chính vẫn chính là việc doanh nghiệp thu tiền nhưng không triển khai dự án. Một số doanh nghiệp bất động sản cho biết, chính từ những vụ việc không hay như trên đã làm cho các dự án bất động sản khác bị “vạ lây”.

Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong lúc thị trường khó khăn như hiện nay thì việc có được khách hàng là… rất quý. Hiện tại, nguồn vốn bất động sản phần lớn nhờ vào ngân hàng. Ngoài những nhà đầu tư nhỏ lẻ với lượng tiền mặt vừa đủ thì hầu hết mọi hoạt động mua nhà đất đều phụ thuộc vào nguồn vốn vay. Vì vậy, mọi thông tin liên quan đến lãi suất, vốn vay… đều có sức hút và tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi của thị trường. Trong thống kê việc cho người dân vay mua nhà, đất được thể hiện là cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay phổ biến từ 18 - 20%/năm đã khiến cho sức mua nhà trên thị trường giảm mạnh.

Còn đối với các dự án bất động sản, dù bên ngân hàng đã có sự điều chỉnh bằng những hạng mục lãi suất khác nhau như lãi suất lưu động, lãi suất thoả thuận… nhưng mức lãi vẫn cao. Mặt khác, gần đây, ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu “siết” lại tín dụng bất động sản, khiến các ngân hàng thương mại không còn cởi mở khi xem xét tài trợ.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị