Cây xanh là lá phổi của thành phố. Thế nhưng khi giá đất ở TPHCM tăng vọt, đất đã thành “vàng” thì cũng là lúc cây xanh hết đất sống
“Mấy ông không xuống di dời cây đi chỗ khác, tôi sẽ chặt!”. Đây là lời hù dọa của một ông chủ cửa hàng kinh doanh có mặt tiền trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3- TPHCM).
Dù là cây mới trồng hay cây hàng trăm năm tuổi, nếu rơi vào “đất vàng” đều khó sống. Điều này lý giải vì sao hàng chục cây long não vừa trồng trên tuyến đường này hiện đang úa lá, có cây vừa được trồng đã biến mất.
Cây long não vừa trồng đã chết khô trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3 - TPHCM |
Đụng mặt tiền là... chết
Do nối sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm TP nên tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi được xem là tuyến đường “ngoại giao” của TPHCM. Hai bên đường này cũng là nơi đặt trụ sở của những công ty lớn, những cửa hàng kinh doanh ăn nên làm ra.
Sau khi mở rộng và làm xong vỉa hè đường này, TP đã chi hàng tỉ đồng để trồng cây long não trên vỉa hè hai bên đường. Cây long não là loại cây đẹp, thanh lọc không khí rất tốt.
Tuy nhiên, Công ty Công viên Cây xanh TPHCM mới trồng được khoảng 200 cây thì hàng chục cây đã “tắt thở”. Một vài điểm đã trồng, nay còn trơ lại hố đất.
Ông Đoàn Bảo Long, đại diện Công ty Công viên Cây xanh TPHCM, cho biết khi đơn vị chuẩn bị trồng cây thì hàng loạt chủ cửa hàng kinh doanh có mặt tiền trên tuyến đường này ùa ra ngăn cản dữ dội vì cây ngáng trước mặt tiền của cửa hàng họ.
Công ty buộc phải nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương mới trồng được. Ông Long dự đoán có thể các cửa hàng kinh doanh đã lén tưới nước sôi hoặc axít, nhớt thải khiến cây chết.
“Không bắt được quả tang thì khó xử phạt họ, bây giờ chỉ trông đợi chính quyền địa phương vận động, giải thích để chúng tôi trồng tiếp. Tuyến đường này liên tục đón khách nước ngoài, mất bóng cây thì hình ảnh TP cũng mất điểm theo”- ông Long nói.
Ngoài tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, hiện nay, nhiều tuyến đường như Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp)..., cây xanh liên tục bị các chủ kinh doanh “bức tử”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty Công viên Cây xanh TP, rầu rĩ: “Cây chết đi, chúng tôi lại trồng cây khác trên vị trí cũ và “cuộc chiến” cây xanh – đất vàng còn dai dẳng lắm!”.
Khi tòa nhà cao tầng này hoàn thành, cũng là lúc cây đa xấp xỉ 300 tuổi bị nghiêng rồi chết (Ảnh chụp ở Công viên Bách Tùng Diệp, Q.1 - TPHCM). Ảnh do Hiệp hội cây xanh cung cấp |
Gặp nhà cao tầng cũng... khó sống
“Suốt đời tôi không thể quên chuyện anh Ba Đấu ôm cây giáng hương khóc vì nó bị người ta xử trảm để lấy đất xây dựng”- ông Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cây xanh VN, bộc bạch (ông Ba Đấu là ông Trương Văn Đấu, hiện đã mất).
Thời còn sống, ông Đấu làm việc trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn và có tiếng là người rất yêu cây xanh. Theo lời ông Kiểm, khi biết cây giáng hương cổ thụ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) sắp bị “xử trảm”, ông Đấu chạy ra ôm cây khóc nức nở như con bị mất mẹ.
Những người yêu cổ thụ như ông Đấu quá hiếm nên những năm qua, ở TPHCM, nhiều cây cao tuổi bị các công trình nhà cao tầng “đá” khỏi vòng sống. Điển hình là cái chết của cây đa xấp xỉ 300 năm tuổi trong Công viên Bách Tùng Diệp (quận 1).
Ông Kiểm kể khi thi công phần móng của công trình cao tầng sát bên cây đa, ai đó đã chặt đứt rễ cây. Tòa nhà hoàn thành không lâu thì cây ngã hẳn qua một bên. Ông Kiểm huy động gần 60 công thợ ròng rã trong một tuần cứu cây mà không thành.
“Chỗ cây đa này thời trước có phiên chợ rất sầm uất gọi là “chợ cây đa còm”, sĩ tử mỗi lần đi thi trường Gia Định đều ghé chợ này mua bút mực, áo mũ. Nó cùng sống với bao thăng trầm của Sài Gòn. Vậy mà...”- ông Kiểm tiếc nuối.
Ngoài cây đa này, nhiều năm qua những người yêu cây, sống lâu năm ở TPHCM như ông Kiểm thấy nhói lòng vì thỉnh thoảng công trình cao tầng mọc lên lại xảy ra chuyện chủ công trình bí mật tìm cách thủ tiêu cây để lấy tầm nhìn thoáng đãng hoặc tránh nguy cơ cây đập nhà.
Theo thống kê đến thời điểm cuối năm 2009 của Sở GTVT, TPHCM có 88.509 cây xanh đường phố, trong đó có hơn 150 cổ thụ, cây cần bảo tồn. Số này đa phần nằm ở quận 1, quận 3- khu vực được xem là “vàng” nhất trong danh mục “đất vàng” của TPHCM.
Để giữ được số cây cao tuổi này, Sở GTVT vừa nhờ các nhà khoa học tìm giải pháp. Tuy nhiên đến nay, “lá phổi” của TPHCM vẫn lặng lẽ bị “nám” từng ngày vì trận chiến cây xanh với “đất vàng” vẫn chưa tìm ra một “trọng tài” đúng nghĩa.
Mỗi người cần 25 m² xanh
Theo kết quả nghiên cứu của TS Trần Viết Mỹ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM: Giả sử đến năm 2010, các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp có 3 triệu dân thì mỗi năm thải ra 1.051.200 tấn khí CO2 và hứng chịu 2.500 tấn bụi các loại, 160.424 tấn khí độc. Để hấp thụ toàn bộ các loại khí trên, bình quân, mỗi người dân sống ở khu vực này phải có 25 m² diện tích xanh.
Hiện nay, chưa có con số chính xác về diện tích xanh trên đầu người ở khu vực nội thành cũ. Tuy nhiên, website của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP dẫn nội dung điều chỉnh quy hoạch chung của TPHCM đến năm 2020 cho thấy đến năm 2020, ở nội thành cũ chỉ có thể tăng chỉ tiêu xanh trên đầu người ở mức hơn 0,6 m².
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động