Vẫn tranh cãi về đối tượng giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

Cập nhật 31/07/2013 08:53

Những tranh cãi về đối tượng được ưu tiên giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng vẫn chưa ngã ngũ dù thời gian triển khai đã được 2 tháng.

Trước những ý kiến thắc mắc về việc tại sao không tạo điều kiện giải ngân nhanh cho người dân để họ mua căn hộ đã xây sẵn, giải quyết số hàng tồn trên thị trường mà lại đi giải ngân cho các dự án xây mới, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng mục đích gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vẫn chưa được hiểu chính xác!


Không nắm chính xác số lượng sẽ khiến việc giải quyết bất động sản tồn kho gặp khó khăn.

Chưa hiểu đúng về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng?

Băn khoăn về tiến độ giải ngân của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh cho rằng có thể gói tín dụng này đã đi chệch hướng. Tại hội thảo "Kinh tế vĩ mô và thị trường BĐS" vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Đực đề nghị đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (QLN&TTBĐS) cho biết tại sao gói tín dụng nhằm mục tiêu giải quyết hàng tồn kho nhưng lại giải ngân rất nhiều cho các dự án xây mới, còn người dân thì vẫn vướng mắc, không thể vay được?

Trả lời câu hỏi trên, ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục QLN&TTBĐS cho rằng, việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp để tăng nguồn cung là đương nhiên. Lý do là trong thời gian qua các doanh nghiệp chỉ tập trung xây nhà ở trung và cao cấp, nên lượng nhà ở xã hội (NƠXH) và nhà ở thương mại (NƠTM) nằm trong tiêu chuẩn được vay gói tín dụng ưu đãi (nhà dưới 70m2 và giá thành dưới 15 triệu đồng/m2) còn ít. Ông Thiện khẳng định, gói tín dụng này tập trung vào giải quyết NƠXH cho người nghèo chứ không phải tập trung giải quyết tồn kho BĐS. Theo lý giải của ông Thiện, mục tiêu của Nghị quyết 02 đúng là giải quyết hàng tồn kho và giải quyết nhà ở cho người nghèo, nhưng gói 30.000 tỷ đồng chỉ là một phần của Nghị quyết 02 và chỉ tập trung nhiều vào giải quyết NƠXH cho người nghèo, còn việc giải quyết hàng tồn kho thì sẽ tiếp tục có những giải pháp khác.

Cũng theo thông tin từ ông Vũ Xuân Thiện, tính đến trung tuần tháng 7 đã có 47 dự án đăng ký chuyển đổi từ NƠTM sang NƠXH với quy mô xây dựng khoảng 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng; 16 dự án NƠTM đăng ký điều chỉnh căn hộ với 4.700 căn ban đầu lên thành 6.600 căn. Bộ Xây dựng cũng đã tổng hợp được 30 dự án được chọn gửi sang Ngân hàng Nhà nước để thẩm định vay vốn theo gói 30.000 tỷ đồng. Ông Vũ Xuân Thiện khẳng định, thông tin Bộ Xây dựng ưu tiên cho doanh nghiệp của Bộ là không chính xác, bởi trong số 30 dự án chuyển sang Ngân hàng Nhà nước để vay vốn thì chỉ có 4 dự án của doanh nghiệp nhà nước (chiếm 13%), 4 doanh nghiệp cổ phần nhà nước không chi phối (chiếm 13%), còn lại là 22 dự án của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác (chiếm 74%).

Về tình hình cho vay, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân được khoảng 11 tỷ đồng cho 56 khách hàng cá nhân. Với khách hàng là doanh nghiệp, đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay 675 tỷ đồng cho 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Vicoland (xây dựng NƠXH tại tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (dự án chuyển đổi sang NƠXH tại TP Hồ Chí Minh) và đã giải ngân 34 tỷ đồng.

Chưa thống kê kỹ, đã nói thiếu!

Trao đổi với phóng viên Hànộimới, ông Đực cho biết ông vẫn "ấm ức" với giải thích của đại diện Cục QLN&TTBĐS, bởi dù trên thực tế có thể số căn hộ đủ tiêu chuẩn vay gói tín dụng không nhiều, nhưng rất nhiều căn hộ có thể điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp lại đang gặp vướng mắc, trong khi các dự án xây mới lại được giải ngân. Ông Đực cho rằng, cần phải tạo điều kiện để giảm những căn hộ tồn kho thay vì giải ngân cho dự án mới; mặt khác trên thực tế vẫn chưa ai nắm chắc được con số hàng tồn kho là bao nhiêu khi mỗi thống kê cho một kết quả khác nhau.

Theo ông Vũ Xuân Thiện, việc chuyển đổi cơ cấu căn hộ phải được giám định chặt chẽ, không thể vì đẩy nhanh nguồn cung và giải quyết tồn kho BĐS mà không thẩm định kỹ. Bởi khi chia nhỏ căn hộ cần phải bảo đảm các điều kiện về kết cấu, thiết kế, quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật… Về con số hàng tồn kho, ông Thiện thừa nhận rằng có nhiều thông tin xung quanh con số này và Bộ Xây dựng đang rà soát để báo cáo Chính phủ để có hướng giải quyết hàng tồn kho trong thời gian sắp tới. Theo ông Thiện, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước sắp ban hành một quyết định rất chi tiết, cụ thể về xác nhận tình trạng nhà, thu nhập để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhanh hơn với gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới