Báo cáo thị trường bất động sản của các đơn vị quản lý, tư vấn đều cho rằng, hầu hết giao dịch thời gian qua ở phân khúc nhà ở trung - cao cấp. Thị trường vẫn thiếu hẳn căn hộ bình dân. Thực tế, rất ít dự án nhà ở xã hội được khởi công sau khi nguồn vốn hỗ trợ 30.000 tỷ đồng hết thời hạn giải ngân.
Khu nhà ở xã hội tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Thái Hiền
|
Tại Hà Nội, trong tháng 8 và 9-2016, một số dự án nhà ở xã hội tiếp tục được mở bán. Trong số đó, dự án nhà ở xã hội ngõ 622, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, do Công ty cổ phần Phát triển nhà Hà Nội số 5 làm chủ đầu tư thu hút sự quan tâm của thị trường, mặc dù theo kế hoạch phải đến quý II-2018 mới bàn giao nhà.
Được biết, dự án gồm 1 tòa nhà 17 tầng, 101 căn hộ nhà ở xã hội để bán, với giá tạm tính 13,6 triệu đồng/m2, chưa có thuế VAT và phí bảo trì. Tuy nhiên, một điểm chung là các dự án nhà ở xã hội được mở bán đều đã triển khai từ trước khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội kết thúc. Thậm chí, dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden do Công ty cổ phần Tập đoàn CEO làm chủ đầu tư, tại khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai) đã mở bán đến đợt thứ 6.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, khi Chính phủ triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, hàng loạt dự án đã được khởi công, hoàn thành; điển hình như dự án nhà ở xã hội Đặng Xá (huyện Gia Lâm), do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư, với hàng nghìn căn hộ được bàn giao, hình thành khu đô thị nhà ở xã hội đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, công viên, cây xanh, khu vui chơi giải trí.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, có rất ít dự án nhà ở xã hội được khởi công mới, mà một trong những nguyên nhân là do thiếu nguồn vốn hỗ trợ khi gói 30.000 tỷ đồng đã hoàn thành “sứ mệnh”. Được biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20-10-2015, về triển khai và quản lý nhà ở xã hội, song nguồn vốn để hỗ trợ vẫn đang được các bộ, ngành bàn thảo. Về phía chủ đầu tư, có ý kiến lo ngại, nếu không có nguồn vốn hỗ trợ lãi suất ưu đãi, chủ đầu tư buộc phải vay thương mại, như vậy giá nhà sẽ khó rẻ như kỳ vọng, không đáp ứng được nhu cầu của đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Tại các cuộc tiếp xúc giữa Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội nhận định, có gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ, các dự án nhà ở xã hội phát triển rất mạnh, chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp, cán bộ, viên chức được khơi thông. Nhưng sau khi gói này hết hiệu lực giải ngân thì vốn vay từ ngân hàng rất khó, đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định quản lý tín dụng vào bất động sản, nhiều dự án triển khai cầm chừng.
Thực tế, báo cáo của các đơn vị tư vấn, quản lý bất động sản cũng ghi nhận, các giao dịch thành công trên thị trường thời gian qua hầu hết ở phân khúc nhà ở trung bình và cao cấp. Lượng căn hộ bình dân không còn nhiều; trái với giai đoạn 2014-2015 chính phân khúc căn hộ bình dân đã khơi thông, làm “ấm” lại thị trường bất động sản. Các đơn vị tư vấn cũng đưa ra nhận định, phân khúc nhà ở trung - cao cấp tiếp tục “chiếm lĩnh” thị trường giai đoạn cuối năm 2016 nửa đầu năm 2017.
Được biết, quan điểm của Bộ Xây dựng là phải tiếp tục phát triển nhà ở xã hội. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, nhà ở xã hội có nhu cầu cao nhưng nguồn cung hiện còn thấp. Đến năm 2020, cả nước cần khoảng 10 triệu mét vuông nhà nhưng đến nay mới đáp ứng khoảng 3 triệu mét vuông. Đặc biệt, chính sách hiện ưu đãi nhà cho thuê hơn nhà để bán nhưng doanh nghiệp vẫn xin chuyển phần nhà cho thuê thành nhà để bán để sớm thu hồi vốn, đi ngược với xu hướng chung của thế giới.
Vấn đề này cần được quan tâm giải quyết khi địa phương phê duyệt dự án nhà ở xã hội. Cùng với đó, Bộ tiếp tục kiểm soát chặt thị trường bất động sản, sớm ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn, sự phân bổ vốn bất hợp lý trong phân khúc nhà ở thương mại; đồng thời, khuyến cáo các chủ đầu tư nghiên cứu, đánh giá thị trường kỹ lưỡng, quyết định đầu tư đúng hướng, tránh dôi dư nguồn cung; thiết kế căn hộ có diện tích hợp lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật rút ngắn thời gian thi công để hạ giá bán.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới