Vân Phong: "Thép" lấn Cảng

Cập nhật 08/03/2008 08:00

Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa) bất ngờ bị dừng lệnh khởi công. Và đã có những tranh cãi căng thẳng khi mà vị trí đắc địa nhất của cảng được chọn để xây một nhà máy thép khổng lồ.

Chúng tôi trở lại Đầm Môn - bán đảo Hòn Gốm, phía bắc Khu kinh tế Vân Phong, khi công trình đầu tiên của cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong đã bị dừng lại trước giờ phát lệnh khởi công. Và người ta đang chuẩn bị lập một dự án xây dựng nhà máy thép khổng lồ tại đây.

Xuôi quốc lộ 1 về phía bắc, đến chân đèo Cổ Mã (thuộc huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) rẽ phải, có một con đường nhựa phẳng lì dọc biển để đến vũng Đầm Môn - trung tâm bán đảo Hòn Gốm, khu vực quan trọng bậc nhất ở phía bắc Khu kinh tế Vân Phong.

Tại đây có hàng chục hộ dân đã di dời để kịp ngày khởi công những công trình đầu tiên của dự án cảng nước sâu. Một thanh niên địa phương nói mấy tháng trước thấy đưa máy móc đến san ủi mặt bằng, rồi lát gạch phẳng lì. Nghe đâu sẽ đón các quan khách ở trung ương về dự khởi công xây cảng nhưng không hiểu sao từ đó đến nay không thấy làm gì.

"Thiên đường" cho du lịch sinh thái

Trong sơ đồ định hướng phát triển không gian Khu kinh tế Vân Phong, khu này được chia làm hai khu vực rõ rệt, đồng thời là hai khu đô thị tương lai: bắc Vân Phong và nam Vân Phong.

Theo qui hoạch Khu kinh tế Vân Phong (giai đoạn đến năm 2020) đã được thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt năm 2005, đây là khu kinh tế tổng hợp, trong đó "cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo"... Điểm nhấn quan trọng ở phía bắc khu kinh tế này là cảng trung chuyển quốc tế, du lịch sinh thái biển, sinh thái đầm vịnh, trung tâm thương mại - tài chính, khu dân cư phát triển tại bán đảo Hòn Gốm, Hòn Lớn và toàn bộ phần nước vùng vịnh.

Đó là qui hoạch cho tương lai, còn trên thực địa bán đảo Hòn Gốm hiện có ít dân cư sinh sống, ngoài một số làng đánh cá truyền thống. Nhưng cũng chính ở bán đảo này, các nhà làm du lịch sinh thái tầm cỡ như Tập đoàn Silverlink Holdings, Amanresort, Lemon Group... sau ba lần tham quan đã thốt lên "quả là một kỳ quan thiên nhiên với nét đẹp đặc thù của một môi trường quí hiếm, có tiềm năng to lớn về phát triển sinh thái mà tạo hóa đã phú cho VN và vùng Nha Trang".

Bán đảo Hòn Gốm cũng là nơi được ghi nhận có khí hậu ôn hòa quanh năm, môi trường còn nguyên vẹn, chưa từng bị ô nhiễm.

Lợi thế cảng nước sâu

Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh sau khi cân nhắc ba địa điểm gồm vịnh Vân Phong, vịnh Liên Chiểu và vịnh Chân Mây, bộ đã khẳng định "vịnh Vân Phong là địa điểm thuận lợi nhất để xây cảng trung chuyển quốc tế". Năm 1999, Ban Kinh tế trung ương kiến nghị Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn vịnh Vân Phong là hướng tiềm năng thuận lợi để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế.

Tài liệu chính thức khảo sát vũng Đầm Môn cho thấy vùng nước sâu rộng hàng chục nghìn hecta này có hai đường thông ra biển Đông. Đi theo hướng nam là lạch Cửa Bé, dài hơn 8km, rộng hơn 700m, đặc biệt là độ sâu luồng từ 28-39m. Còn đi theo hướng tây thì qua lạch Cổ Cò (thông ra vịnh Vân Phong), luồng rộng gần 1km, với độ sâu 17-19m.

Các nhà chuyên môn đã nhấn mạnh ngoài tuyến nước sâu, vũng Đầm Môn không bị bồi lấp và được che chắn rất tốt do điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nên "hầu như không chịu ảnh hưởng của sóng gió từ ngoài khơi lan truyền vào".

Các nhà chuyên môn của Hội Khoa học và kỹ thuật biển TP.HCM cũng khẳng định "tuyến nước sâu là tài nguyên đặc biệt của quốc gia", nếu chưa dùng đến thì cần giữ gìn và bảo vệ, không xây dựng các công trình trên bờ hay dưới nước làm ảnh hưởng đến việc khai thác tuyến nước sâu trong tương lai.

Hội Khoa học và kỹ thuật biển TP.HCM nhấn thêm: xét về tiềm năng cảng biển, ở VN không có vị trí nào tốt bằng vịnh Vân Phong và "cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong không có nơi nào thay thế được trên đất nước ta". Cục Hàng hải VN cũng khẳng định vũng Đầm Môn, bán đảo Hòn Gốm là vị trí có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhất để xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế.

Với thiên thời địa lợi như vậy, vũng Đầm Môn đã được lựa chọn và quyết định đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế. Theo qui hoạch, diện tích cảng khoảng 750ha, chiều dài tuyến bến hơn 12.000m với lượng hàng thông qua cảng 17 triệu TEU, có thể đón được tàu có trọng tải hàng trăm nghìn tấn ra vào an toàn.

Riêng giai đoạn khởi động, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư 185 triệu USD (do Tổng công ty Hàng hải VN, Vinaline làm chủ đầu tư). Theo đó, hai bến tàu container đầu tiên có sức chở 6.000 TEU sẽ được xây dựng.

Theo chính quyền địa phương, công tác đền bù giải tỏa đã ổn, sẵn sàng mặt bằng để xây cảng (giai đoạn khởi động). Giấy mời dự lễ khởi công được phát đi các nơi. Ngày giờ phát lệnh khởi công được ấn định hôm 25-1-2008. Nhưng trước giờ "G" 10 ngày, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu "chưa khởi công để làm rõ một số vấn đề có liên quan". Cho đến nay, dự án này chưa được khởi công lại.

Dự án thép khổng lồ

Một trong những nguyên nhân khiến giai đoạn khởi động của cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong bị dừng là để Chính phủ xem xét vị trí xin đầu tư nhà máy thép của Tập đoàn POSCO (Hàn Quốc). Khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, nhà đầu tư này nêu ý tưởng sẽ sử dụng toàn bộ khu vực Đầm Môn để xây dựng khu liên hợp sản xuất thép và xây dựng khu đô thị phục vụ công nhân.

Chủ tịch Tập đoàn thép POSCO kiến nghị Chính phủ VN sớm xem xét việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy thép và nhà máy nhiệt điện chạy than tại Khu kinh tế Vân Phong do POSCO đề xuất.



Qui hoạch cảng trung chuyển quốc
tế Vân Phong, trong đó khu vực
giai
 đoạn tiềm năng (bên phải) được chọn
  để xây dựng nhà máy thép liên hợp.
 

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, vị trí thuận lợi nhất để POSCO đầu tư là Khu công nghiệp Vạn Thắng (gần thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh).

Đây là địa điểm mà lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa giới thiệu cho POSCO ngay khi nhà đầu tư này có ý định xây nhà máy thép qui mô lớn. Tuy nhiên, UBND tỉnh cho biết "phía POSCO chỉ đồng ý đầu tư tại khu vực Đầm Môn thuộc bán đảo Hòn Gốm".

Việc cho POSCO đầu tư theo đề xuất của tập đoàn này đồng nghĩa với việc thay đổi toàn bộ qui hoạch chung, qui hoạch chi tiết và định hướng phát triển của khu kinh tế Vân Phong, đồng thời ảnh hưởng đến các dự án đã và đang chuẩn bị triển khai trong khu vực, kể cả dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong đang chuẩn bị khởi công.

Dù vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn kiến nghị cho điều chỉnh qui hoạch, dành đất tại khu vực qui hoạch cảng ở Đầm Môn cho POSCO thực hiện dự án. Theo đó, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đồng ý dành 1.000ha đất cho POSCO đầu tư tại trung tâm bán đảo Hòn Gốm. Đây là địa điểm thuận lợi cho xây dựng cảng biển, nằm cạnh khu phi thuế quan và cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, giải tỏa ít, không ảnh hưởng đến việc xây dựng cảng giai đoạn 2.

Tuy nhiên, với phương án chọn địa điểm này, dự án phải lấn biển gần 400ha, cần khối lượng vật liệu lấp biển khoảng 50 triệu m3; đồng thời phải dành cho POSCO hơn 300ha đất khu phi thuế quan, hơn 200ha của cảng trung chuyển Vân Phong (giai đoạn tiềm năng) với chiều dài bờ hơn 3km đã có trong qui hoạch được duyệt. Ngoài ra, dự án thép còn trùm lên diện tích cảng du lịch công suất trung bình 1,1 triệu khách/năm, ảnh hưởng không nhỏ đến các khu du lịch sinh thái biển.

Quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ "đồng ý về chủ trương cho lập dự án Nhà máy thép liên hợp Vinashin - POSCO tại vị trí tiềm năng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong thuộc khu vực Hòn Ông (Đầm Môn, bán đảo Hòn Gốm, phía bắc Khu kinh tế Vân Phong)". Dự án này POSCO sẽ liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin).


Theo Tuổi Trẻ