Trong quý 3, giá thuê văn phòng Hà Nội tụt dốc với tỷ lệ người đi thuê giảm sút thì sang quý 4 thị trường có xu thế đảo chiều, một số khu vực rậm rịch tăng giá 5-7%.
Theo Công ty nghiên cứu Bất động sản Savills Việt Nam, suốt quý 3, giá thuê các tòa văn phòng hạng A và B vẫn theo đà lao dốc, giảm tương ứng 4,5% và 2% so với quý trước. Chỉ có văn phòng hạng C đạt công suất thuê khoảng gần 80%, với giá thuê trung bình là 17 USD mỗi m2 một tháng.
Tuy nhiên, trong vòng 3 tuần trở lại đây, phân khúc văn phòng cho thuê có dấu hiệu đảo chiều, một số nơi sôi động trở lại, đặc biệt là văn phòng hạng C hoặc khu xa trung tâm. Ông Phạm Đức Toàn, Giám đốc Công ty Bất động sản EZ Việt Nam, cho hay, nhìn chung, giá chào thuê tăng khoảng 5-7%, trung bình tăng từ 2-5 USD mỗi m2.
Giá văn phòng tăng từ 2- 5 USD mỗi m2. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Tiêu biểu phải kể đến một số văn phòng hạng C ở khu Hai Bà Trưng, trước đó giá khoảng 16- 17 USD nay đã lên tới 18- 20 USD mỗi m2. Khu vực đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài cũng nhích 2 USD mỗi m2, hiện được chào thuê khoảng 18- 25 USD tùy vị trí. Tòa nhà văn phòng ITC Đền Lừ - Hoàng Mai giá chào khoảng 13 USD. Một số khu văn phòng hạng B như 193- 195 Khâm Thiên, tăng khoảng 3 USD, hiện chào thuê ở mức 25 USD. Giá thuê tại Tòa nhà 141 Lê Duẩn cũng lên tới 18 USD.
Một số tòa nhà ở khu vực trung tâm thành phố cũng được chào thuê ở mức giá tương đối cao. Tòa nhà số 2 Lý Thái Tổ mới đi vào hoạt động nhưng giá cho thuê ở tầng 1 đã lên tới 120 USD, tầng 2 "mềm" hơn ở mức 50- 55 USD mỗi m2. Tòa nhà 30/4, giá thuê khoảng 30- 32 USD. Giá thuê Tòa nhà Opera Business Center khoảng 38 - 40 USD mỗi m2.
Điều đáng lưu ý là đầu tư vào phân khúc văn phòng đang có sự thay đổi. Thay vì hình thức thuê nhỏ lẻ từng phòng, nhiều nhà đầu tư chọn hình thức thuê dài hạn từ 20- 50 năm, trả tiền trọn gói một lần. Tiêu biểu là Tòa CEO thuê 50 năm với mức giá từ 27- 30 triệu đồng mỗi m2. Tổ hợp Grand Plaza trên đường Trần Duy Hưng, với tổng diện tích hai sàn khoảng 5.000 m2 đang được chào thuê với giá 3.500 USD mỗi m2 trong 50 năm. Theo thống kê sơ bộ của IDJ Financial (chủ đầu tư của Grand Plaza) tỷ lệ lấp đầy của tòa nhà đã lên tới 60- 70%.
Theo ông Phạm Đức Toàn, quyết định rà soát lại chung cư làm văn phòng của Bộ Xây dựng ít nhiều làm phân khúc văn phòng dao động. Chung cư, được coi là cứu tinh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi giá chào thuê chỉ rẻ bằng 50% văn phòng, nay đã mất dần ưu thế. Mặc dù chưa có chế tài xử lý rõ ràng nhưng văn bản rà soát một loạt các chung cư trên địa bàn thành phố đã khiến tâm lý nhiều doanh nghiệp dao động. "Số khác có ý định thuê chung cư làm văn phòng sẽ từ bỏ ý định này. Nắm bắt được xu thế đó, nhiều văn phòng đã rậm rịch tăng giá", ông Toàn chia sẻ.
Còn ông Bùi Quang Dũng, Chuyên viên Định giá và Nghiên cứu thuộc Công ty Colliers International Hà Nội cho rằng, đôla tăng nóng trong thời gian qua cũng khiến giá văn phòng ăn theo.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Savills cho thấy, ba tòa nhà văn phòng vừa ra mắt thị trường trong năm nay là Plaschem (quận Long Biên), Tháp CEO (huyện Từ Liêm) và Tòa tháp Handiresco (quận Ba Đình) đã làm tăng tổng lượng cung các văn phòng hạng A, B và C khoảng 493.000 m2. Bao gồm 12 tòa hạng A, 30 tòa hạng B và 32 tòa hạng C. Savills dự đoán trong vòng 3 năm tới sẽ có khoảng hơn 1,1 triệu m2 diện tích văn phòng. Một số chuyên gia nhận định, nguồn cung văn phòng dồi dào, các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường vẫn khá dè dặt nên giá phân khúc văn phòng không thể bị đẩy lên quá cao.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress