Theo văn bản Bộ Xây dựng vừa gửi UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề nghị báo cáo về tình trạng dân cư khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản trước 30-11 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, trong đó có tình trạng tranh chấp phí bảo trì đã diễn ra trong nhiều năm qua.
Tranh chấp ngày càng “nóng”
Con số mới chỉ có khoảng 20% chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư trong suốt những năm qua đã đủ phản ánh tại sao tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân các khu chung cư lại ngày càng “nóng”. Hàng loạt vụ tranh chấp liên tục nổ ra. Một chủ đầu tư mới nhất đang vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía của cư dân là tại dự án CT6 BEMES, Kiến Hưng, Hà Đông.
Mới chỉ có khoảng 20% dự án nhà chung cư được bàn giao quỹ bảo trì.
|
Trong thông báo mới nhất gửi các cư dân khu nhà này ngày 22-11, chủ đầu tư là Công ty CP sản xuất- xuất nhập khẩu BEMES cho rằng họ chưa thu phần quỹ bảo trì này khi bàn giao nhà vào năm 2013 vì trong hợp đồng mua bán nhà không đề cập đến khoản phí bảo trì 2% này. Thông báo của chủ đầu tư đã gặp phải phản ứng gay gắt từ phía cộng đồng cư dân cụm chung cư này vì người dân cho rằng theo quy định chủ đầu tư phải trích 2% trong tổng giá trị căn hộ để nộp quỹ bảo trì, nghĩa là quỹ bảo trì 2% đã bao gồm trong tổng giá trị căn hộ mà chủ đầu tư đã thu từ người mua ngay từ thời điểm bàn giao nhà.
Đại diện cho cư dân, Ban quản trị cụm chung cư CT6 nêu rõ quan điểm trong hợp đồng mua bán căn hộ không đề cập rõ khoản kinh phí quỹ bảo trì 2% và theo Luật Nhà ở 2014 thì chủ đầu tư phải đóng khoản kinh phí 2% này. Đại diện Ban quản trị cụm chung cư CT6 nhấn mạnh “đã có Biên bản bàn giao nhà như vậy là không còn khoản thu nào mà người mua nhà phải nộp”.
“Tình trạng này nếu không được xem xét, giải quyết dứt điểm thì hơn 1.600 căn hộ ở cụm chung cư CT6 sẽ lĩnh đủ vì không có kinh phí để bảo dưỡng, bảo trì kịp thời các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng đã bị xuống cấp”, chị Nga, một cư dân ở CT6 A bức xúc cho biết.
Thời gian qua, hàng loạt chung cư đã xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân về khoản phí bảo trì này nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm như: Câu chuyện tại chung cư Thăng Long Garden (250 Minh Khai), sau nhiều lần tổ chức họp giữa các bên và chính quyền địa phương, suốt thời gian dài, chủ đầu tư là Công ty CP May Thăng Long vẫn chưa thực hiện điều này.
Không có tiền để chi trả các khoản trong quản lý, vận hành, Ban quản trị chung cư hoàn toàn bị động khi có vấn đề hỏng hóc phát sinh xảy ra. Hay tại dự án chung cư 310 Minh Khai, mâu thuẫn nội bộ giữa các cư dân của hai tòa nhà 15T1, 15T2 với việc đòi tiền quỹ bảo trì 2% từ chủ đầu tư là Công ty CP Vinaconex 3 cũng diễn ra suốt thời gian qua. Mặc dù chủ đầu tư đã bàn giao một phần số tiền trên cho Ban quản trị, tuy nhiên, số tiền còn thiếu vẫn là hơn 6 tỷ đồng.
Với hàng trăm dự án đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay, mới chỉ có 20% được bàn giao quỹ bảo trì, câu hỏi đặt ra là 80% khoản phí bảo trì với số tiền hàng trăm tỷ đồng, thậm chí cả nghìn tỷ hiện nay đang ở đâu, trong khi có những khu nhà đã xảy ra tranh chấp nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được dứt điểm.
Cần chế tài mạnh để chủ đầu tư không “nhờn thuốc”
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có thể do chủ đầu tư giữ quỹ bảo trì và làm ăn bết bát, chưa giao khoản tiền này về cho cư dân vì mất khả năng chi trả. Cũng có chủ đầu tư dùng quỹ bảo trì vào việc riêng, tiêu hết của các hộ dân và gặp khó khăn trong việc hoàn trả.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là chủ đầu tư cố tình trì hoãn hoặc không tổ chức hội nghị nhà chung cư khiến cho tòa nhà chưa có ban quản trị, không có đơn vị đủ tư cách tiếp quản quỹ bảo trì… “Luật Nhà ở đã quy định rõ việc chủ đầu tư phải bàn giao khoản phí bảo trì này cho cư dân ngay khi Ban quản trị tòa nhà đó được thành lập.
Tuy nhiên, việc giám sát chưa chặt chẽ dẫn mới xảy ra tình trạng này. Thêm một việc là từ trước đến nay, nhiều chủ đầu tư sau nhiều năm không hoàn trả khoản phí này, tranh chấp với cư dân rất căng thẳng nhưng chẳng có chủ đầu tư nào bị xử lý nên mới vậy. Tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước phải có những chế tài đủ mạnh để chủ đầu tư không dám chây ì. UBND các thành phố cũng phải có những quy định cụ thể về việc này, nếu chủ đầu tư nào không thực hiện thì có thể cưỡng chế”, ông Liêm nói.
Trước tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân tại các chung cư ngày càng gay gắt, Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội và TP.HCM có báo cáo về tình trạng dân cư khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản trước ngày 30-11-2017 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế cho thấy, trong các cuộc tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân là người mua nhà tại các chung cư, cư dân luôn là người chịu thiệt. Chừng nào những mâu thuẫn, tranh chấp này chưa được giải quyết kịp thời , dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật thì chừng đó quyền lợi người mua nhà tại các chung cư này vẫn không được bảo đảm.
Các chuyên gia cho rằng, việc thu và sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư đã được quy định trong Luật Nhà ở. Tuy nhiên những tranh chấp vẫn liên tiếp diễn ra khi chủ đầu tư không trả phí bảo trì cho Ban quản trị chung cư. Điều đó cho thấy, cần thiết phải có chế tài đủ mạnh để giải quyết dứt điểm mâu thuẫn ở trên, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.
DiaOcOnline.vn - Theo CAND