Quy hoạch “treo” ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân là vấn đề không mới. Cách nay vài năm, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương rà soát và điều chỉnh lại những bất cập này.
Một báo cáo của Bộ Tài nguyên-Môi trường cho thấy, trong 3 năm qua tại 42 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xử lý gần 1.500 khu quy hoạch “treo” với tổng diện tích đất hơn 92.000 ha. Trong đó có 869 khu đã xử lý hoàn tất, 588 khu đang trong quá trình xử lý. Số diện tích đất bị quy hoạch “treo” còn lại tuy không nhiều, nhưng vẫn đang gây ra những bức xúc cho người dân.
“Treo” cả chục năm
Chuyện khó tin nhưng có thật: Kế hoạch xây dựng phường 28 quận Bình Thạnh thành một đô thị mới mang tên Bình Quới - Thanh Đa đã có từ những năm 1990. Tuy nhiên, cho đến nay diện mạo đô thị ấy như thế nào vẫn chẳng ai tường tận. Trong khi đó, mỗi ngày, hàng ngàn hộ dân nơi đây phải đối mặt với trăm bề khó khăn.
Dẫn chúng tôi đi xem khu đất Bình Quới, ông Tống Văn Độ, ngụ tại 469 đường Bình Quới, phường 28 quận Bình Thạnh, TPHCM, một người dân kỳ cựu của mảnh đất này, tâm sự: “Không phải chúng tôi không đồng tình với chủ trương xây dựng một khu đô thị mới ở đây. Vấn đề là hàng chục năm đã trôi qua mà chẳng thấy dự án triển khai. Cuộc sống người dân vì thế đang gặp rất nhiều khó khăn”.
Khó khăn đó, không nói thì ai cũng hiểu: Đất đai không được chuyển nhượng quyền sử dụng; nhà, cửa bị hạn chế hoặc không được xây, sửa, sang nhượng…; tách thửa, tách khẩu rất khó khăn…
Tuy thế, chứng kiến những gì đang diễn ra ở Bình Quới - Thanh Đa, chúng tôi vẫn không khỏi băn khoăn. Ông Trần Huy Xuân, ngụ tại 417/10 tổ 18 đường Bình Quới, phường 28, cho biết: Gia đình ông có khoảng 250m2 đất nằm trong khu vực phải thu hồi để thực hiện dự án xây dựng mới Bình Quới - Thanh Đa. Cũng như nhiều người dân có đất nằm trong dự án, gia đình ông không được phép xây dựng nhà cửa trên mảnh đất này. Ông và mọi người đã đề xuất rất nhiều lần mới được cho xây dựng nhà tạm nhưng phải cam kết “sau này khi bị thu hồi đất, không được đòi bồi thường chi phí xây dựng nhà tạm”(?). Hàng trăm người ở Bình Quới đã phải cam kết như thế, ông Huy khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Tốt, tổ phó tổ 24 thuộc phường 28 là một trong những người ấy. Đưa chúng tôi đi xem nền nhà của gia đình mới được tôn lên gần 1m để chống ngập, bà Tốt nói: “Đất Bình Quới là đất trũng. Hồi chưa được phép nâng nền, mỗi khi triều cường lên hoặc mưa to đổ xuống là nhà tôi ngập đến đầu gối. Mẹ, con cùng nhau lội bì bõm trong nước trong nỗi sợ gặp rắn bò vào nhà”.
Hiện nay, ngôi nhà của bà Tốt đã khá cao ráo, sạch sẽ, nhưng bà cũng cho biết: “Đã phải cam kết khi gia đình di dời, không được đòi bồi thường chi phí xây, sửa nhà”. Chấp nhận điều ấy nhưng thật lòng bà Tốt vẫn chưa hết băn khoăn: “Với gia đình tôi, số tiền tôn lại nền nhà là một số tiền lớn. Sau này mà không được đền bù, gia đình tôi sẽ gặp không ít khó khăn”.
Tuy nhiên, gia đình ông Huy và bà Tốt vẫn còn may mắn hơn gia đình ông Nguyễn Văn Tốt, ngụ tại 558/50 đường Bình Quới, tổ 23 thuộc phường 28. Ông Tốt cho biết, khi ông lập gia đình, cha ông có cho ông một miếng đất ngay tại vườn của gia đình. Ông đã nhiều lần xin phép xây dựng nhà nhưng không được và phải mất rất nhiều thời gian trình bày hoàn cảnh “ra riêng” của mình, ông Tốt mới được phép cất… chòi ở tạm.
Chỉ căn chòi với nửa dưới được xây bằng gạch, nửa trên ghép bằng lá và mái lợp tôn nóng nực, rồi quay sang 2 đứa con, đứa 3 tuổi, đứa 5 tuổi đang vã mồi hôi vì nóng, ông Tốt nói như khóc: “Tôi chỉ mong được phép xây một ngôi nhà đàng hoàng cho các con và sẵn sàng chấp nhận khi di dời không nhận tiền đền bù xây nhà, nhưng cũng không được”.
Bao giờ xử lý rốt ráo quy hoạch “treo”?
Bình Quới - Thanh Đa chỉ là một trong khoảng 300 trường hợp quy hoạch “treo” chưa được xử lý rốt ráo trên cả nước. Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TPHCM, người đã cùng chúng tôi đến phường 28, cho biết, với tư cách là đại biểu HĐND TPHCM, đã không ít lần ông đặt vấn đề xóa quy hoạch “treo” đối với ngành chức năng, nhưng luôn nhận được những câu giải thích đại loại như “đây là những khó khăn khách quan, nên chưa xử lý được…”.
Theo ông Khoa, lời giải thích này cũng có thể chấp nhận được nhưng chỉ ở góc độ: dự án có thể chưa triển khai ngay nhưng quyền lợi hợp pháp của người dân phải được đảm bảo. Đây không chỉ là quan điểm của ông Khoa mà nhiều văn bản pháp luật khác trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cũng đã khẳng định.
Luật Đất đai, Nghị định 181, Nghị định 84… có nói rất rõ: Sau 2-3 năm có quyết định đầu tư, quyết định thu hồi đất, mà dự án không được triển khai thì dự án sẽ bị thu hồi. Dự án xây dựng đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa ở phường 28, quận Bình Thạnh đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2004 (chủ trương xây dựng đô thị này đã có từ những năm 1990 như đã nói ở trên).
5 năm qua, theo những người dân ở đây, chủ đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn hầu như chưa tiến hành công tác đền bù, giải tỏa. Như vậy, theo các quy định của pháp luật, dự án này phải được thu hồi. Các quyền lợi hợp pháp của người dân như xây nhà, sửa nhà… phải được tôn trọng. Chính Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cũng đã có kiến nghị xóa quy hoạch “treo” ở đây.
Thật ra, quy hoạch “treo” không phải là chuyện sai trái. Quy hoạch là công tác định hướng cho tương lai. Do đó, quy hoạch nếu chưa thể thực hiện ngay cũng là điều bình thường. Vấn đề ở đây là trong thời gian quy hoạch chưa thể thực hiện, thì quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch phải được đảm bảo. Đây là điều hoàn toàn hợp lý - rất nhiều nhà đầu tư thuộc Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã khẳng định với chúng tôi như vậy. Họ giải thích: Vẫn biết, nếu cho người dân xây dựng nhà cửa kiên cố thì công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án sẽ gặp không ít khó khăn, thậm chí tốn kém hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu không tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người dân thì chuyện hiệp thương để đền bù cũng không dễ dàng.
Quyền lợi của các bên: Nhà nước, chủ đầu tư, người dân phải được tôn trọng, thì công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng đô thị mới, mới tốt được.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng