Vẫn lúng túng xử lý nhà siêu mỏng

Cập nhật 07/07/2010 08:40

Nhà siêu mỏng đã và đang làm xấu đi bộ mặt kiến trúc chung của thành phố. Đây là hiện tượng mà theo dư luận là "không thể chấp nhận được" trong một đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này như thế nào là chuyện không đơn giản…


Nhà siêu mỏng bên đại lộ Đông Tây.

Mỏng nhưng đắt giá

Tiệm giặt là T&T góc đường Huỳnh Văn Bánh và Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận lúc nào cũng kín hàng, công việc làm ăn xem ra rất phát đạt. Dường như diện tích nhỏ bé của tiệm với chiều ngang khoảng 5m và chiều rộng - nơi rộng nhất hơn 1,5m và nơi nhỏ nhất là 0m (trên thực tế đây là một ngôi nhà hình tam giác) không gây khó khăn gì cho công việc kinh doanh của chủ nhà. Thậm chí, nếu khách tò mò hỏi về cuộc sống trong ngôi nhà chật hẹp này thì cũng sẽ nhận được một câu trả lời rất vui vẻ là "ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu". Tiệm giặt nhỏ bé này là kết quả của việc cải tạo, xây dựng mới đường Huỳnh Văn Bánh cách nay gần 10 năm. Cách tiệm T&T không xa, trên đường Hoàng Hoa Thám, Vạn Kiếp, Phan Văn Trị của quận Bình Thạnh cũng có vài ngôi nhà siêu nhỏ với những hình thù rất kỳ dị. Có những ngôi nhà dài và dẹt với một đầu cong như chiếc thuyền…. Chúng vẫn tồn tại mặc dù chưa bao giờ được chính quyền địa phương cấp phép xây dựng.

Ông Trần Minh Thơ, Trưởng ban đền bù giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh cho rằng, mấu chốt là ở chỗ miếng đất còn lại dù nhỏ bé song đa phần đều là đất mặt tiền. Trong thời buổi đất mặt tiền có giá… hơn vàng thì mảnh đất dù nhỏ cũng chẳng mấy ai muốn "bỏ đi". Họ sẽ sử dụng tối đa quyền sử dụng đối với miếng đất ấy và trên thực tế đã có khá nhiều người dân phất lên ở đó.

Lúng túng xử lý


Quyết định 22 từ những năm 1990 và sau này là Quyết định 106 về đền bù giải phóng mặt bằng do UBND TP Hồ Chí Minh ban hành đều khẳng định rất rõ, người dân không được xây dựng nhà trên những mảnh đất không đủ diện tích theo quy định. Nhà nước khuyến khích người dân bán lại phần đất này cho Nhà nước hoặc những hộ xung quanh. Trường hợp người dân có thể "hợp khối" cùng xây nhà với các hộ xung quanh thì chính quyền địa phương sẽ xem xét, nhưng chấp thuận hay không chấp thuận sẽ còn phải tùy thuộc vào quy hoạch của toàn khu vực.

Luật như vậy nhưng trên thực tế, nhiều địa phương đã không thực thi được. Theo một cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận Phú Nhuận: "Cái khó nhất ở đây là… tình cảm xóm giềng". Khi người dân cố giữ lấy mảnh đất nhỏ bé ấy lại thì điều này có nghĩa nhà của họ không bị "giải tỏa trắng". Mà đã không nằm trong diện "giải tỏa trắng" thì người dân không được bố trí nơi tái định cư. Không có nhà tái định cư và không được xây nhà trên mảnh đất còn lại thì họ sẽ ở đâu? Phải làm gì trong tình huống này? Vì thế nên nhiều địa phương đành "mắt nhắm, mắt mở".

Một số địa phương cũng áp dụng cách giải quyết riêng như vận động giải tỏa cả lô hoặc cương quyết cấm xây dựng với trường hợp phần còn lại quá nhỏ, không đủ để xây nhà theo quy định của pháp luật hoặc vận động bán hợp khối cho các nhà liền kề… Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, không phải lúc nào các giải pháp này cũng "êm đẹp". Ông Trần Minh Thơ cho biết, việc sử dụng miếng đất còn lại như thế nào để không làm xấu đi bộ mặt đô thị và đạt được sự đồng thuận của đại bộ phận người dân sinh sống trong khu vực là vấn đề không đơn giản.

GPMB kết hợp chỉnh trang đô thị

Đó là quan điểm của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh trong việc giải quyết tận gốc tình trạng nhà siêu mỏng và tái lập bộ mặt đô thị thành phố theo hướng hiện đại, văn minh hơn. Theo ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP, nếu khi giải tỏa để làm đường mà thành phố giải tỏa luôn được cả các ô phố ổ chuột nằm dọc hai bên đường thì đây sẽ là điều kiện tuyệt vời để chỉnh trang lại đô thị, xây dựng các khu phố hoàn toàn mới. Việc xây dựng các khu phố này, tất nhiên phải được giao cho những nhà đầu tư có năng lực và được quản lý xây dựng một cách chặt chẽ để chúng to, đẹp, hiện đại và… nhà siêu mỏng sẽ không còn lý do để tồn tại.

Song để làm được điều này thì buộc Nhà nước phải thay đổi một số quy định hiện hành về đền bù, giải phóng mặt bằng; mà trước hết là phải thay đổi quy định giải tỏa theo ranh giới dự án bằng quy định giải tỏa theo yêu cầu thực hiện dự án và chỉnh trang đô thị. Tất nhiên, chi phí cho đền bù, giải phóng mặt bằng cho cả một diện tích lớn như vậy sẽ không nhỏ, nhưng bù lại phần đất giải tỏa thêm được, Nhà nước có thể bán đấu giá, thu lại tiền. Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng cho rằng, giải quyết tình trạng nhà siêu mỏng là phải giải quyết từ khâu bền bù, giải phóng mặt bằng. Không nên "cho ra đời" các mảnh đất siêu nhỏ để rồi cứ canh cánh tìm cách quản lý.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới