Khách hàng làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm tại NHTM cổ phần Kỹ Thương Việt Nam. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
Để đảo bảm hoạt động của hệ thống ngân hàng an toàn và hiệu quả, ngày 13/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã ban hành Chỉ thị số 01 yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ năm 2012.
Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 cho 4 nhóm tổ chức tín dụng. Cụ thể, Nhóm 1 chỉ được tăng trưởng tối đa 17%, tỷ lệ này với Nhóm 2 là 15%, Nhóm 3 tối đa 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng.
Sau 6 tháng thực hiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng phù hợp với diễn biến tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng, đảm bảo đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ.
Theo yêu cầu của Thống đốc, các tổ chức tín dụng phải xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng trong suốt cả năm 2012 (bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá) trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo cho từng tổ chức tín dụng.
Dư nợ tín dụng bao gồm: Dư nợ cấp tín dụng theo quy định tại khoản 14 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư số 21/2010/TT-NNHN ngày 10/8/2010; số dư mua trái phiếu doanh nghiệp (trừ trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành), bao gồm số dư mua trái phiếu phát hành lần đầu và mua trên thị trường thứ cấp; dư nợ cho vay bằng nguồn vốn ủy thác của tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng.
Trên cơ sở kế hoạch tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2012, các tổ chức tín dụng xây dựng và thực hiện tốc độ tăng trưởng từng quý; giao kế hoạch tốc độ tăng trưởng tín dụng từng quý và cả năm cho các chi nhánh, đồng thời gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi có chi nhánh (sở giao dịch) hoạt động để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tín dụng trên địa bàn.
Đặc biệt, Thống đốc yêu cầu kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng trong suốt cả năm 2012 tối đa là 16%. Nhóm này gồm: Dư nợ cho vay để đầu tư và kinh doanh chứng khoán, trong đó loại trừ dư nợ cho vay đối với người lao động của công ty nhà nước để mua cổ phần phát hành lần đầu khi chuyển công ty nhà nước này thành công ty cổ phần. Cùng đó là dư nợ cho vay đối với nhu cầu vốn để phục vụ đời sống, cho vay thông qua dịch vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng (cho vay tiêu dùng); trong đó loại trừ dư nợ cho vay đối với nhu cầu vốn để xây dựng, sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay.
Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản vẫn bị xếp vào nhóm không khuyến khích. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận loại trừ các khoản dư nợ cho vay đối với một số nhu cầu vốn như: xây dựng nhà để bán, cho thuê phục vụ người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá mức giá thuê nhà ở do Ủy ban Nhân dân địa phương ban hành mà chi phí xây dựng nhà ở hoặc chi phí tiền thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng năm 2012.
Trường hợp tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng tín dụng và/hoặc tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích vượt mức quy định, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai lần tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam và các biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+