Vẫn khó nộp tiền sử dụng đất

Cập nhật 19/04/2013 07:48

TP.HCM kiến nghị nếu nộp đủ hồ sơ nộp tiền sử dụng đất vượt hạn mức trước ngày 1-3-2011 thì được tính theo bảng giá đất.

“Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để TP tính thu tiền sử dụng đất với phần diện tích vượt hạn mức đất ở của hộ gia đình cá nhân theo hướng: Các trường hợp đã nộp đủ hồ sơ hợp lệ trước ngày 1-3-2011 (ngày Nghị định 120/2010 có hiệu lực) thì được áp dụng theo bảng giá đất do UBND TP công bố hằng năm. Thời điểm tính là năm mà người dân nộp đủ hồ sơ hợp lệ” - Sở Tài chính vừa dự thảo Tờ trình cho UBND TP với nội dung trên sau khi có cuộc họp giữa TP và các sở, ngành về công văn hướng dẫn tính thu tiền sử dụng đất của Bộ Tài chính (Pháp Luật TP.HCM ngày 11-4) .

Chưa thống nhất thời điểm tính

Sở Tài chính cho biết: Trường hợp Thủ tướng vẫn yêu cầu tiền sử dụng đất phải sát giá thị trường, Sở đề xuất TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chỉ thực hiện từ ngày 1-10-2009, thời điểm Nghị định 69/2009 có hiệu lực. Đồng thời, TP được áp dụng hệ số điều chỉnh để tính thu tiền sử dụng đất theo giá đất tương ứng với từng thời điểm người dân nộp hồ sơ.

Sở dĩ có đề xuất như trên là do trong công văn hướng dẫn, Bộ Tài chính yêu cầu: Với trường hợp vượt hạn mức đất ở, nếu hộ gia đình cá nhân đã nộp đủ hồ sơ hợp lệ từ ngày 1-1-2005 trở về sau thì giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá đất do TP quyết định tại thời điểm nộp đủ hồ sơ. Hiểu nôm na là những đối tượng này phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Tuy nhiên, tại cuộc họp giữa TP và các sở, ngành triển khai thực hiện công văn này, các ý kiến cho rằng yêu cầu của Bộ Tài chính rất khó thực hiện và cũng chưa hợp lý về quy định pháp luật.

Làm thủ tục nộp thuế nhà, đất tại Chi cục thuế quận 6, TP.HCM. Ảnh: HTD

Rối bời với các quy định

Cũng theo Sở Tài chính, do giá đất tính thu tiền sử dụng đất chưa được rõ ràng nên thực tiễn thực hiện rất khó khăn. Nghị định 120/2010 là nghị định mới nhất về tiền sử dụng đất quy định: “Trường hợp đã nộp đủ hồ sơ hợp lệ trước ngày nghị định này có hiệu lực (1-3-2011) thì nộp tiền sử dụng đất theo các quy định trước đó”.

Tuy nhiên, các quy định trước đó lại không thống nhất về việc tiền sử dụng đất sẽ nộp theo bảng giá đất hay giá thị trường. Cụ thể: Nghị định 198/2004 quy định tiền sử dụng đất căn cứ bảng giá đất do TP công bố hằng năm. Đến Nghị định 17/2006 thì tiền sử dụng đất nộp theo giá thị trường. Nghị định 84/2007 giống Nghị định 17/2006 khi quy định: Trường hợp nộp đủ hồ sơ hợp lệ sau ngày 1-1-2005 thì phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường.

Tuy nhiên, Nghị định 123/2007 sửa đổi Nghị định 17/2006 quy định chỉ có ba trường hợp nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường (Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá, thu hồi đất, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa lựa chọn hình thức giao đất). Các trường hợp khác không được đề cập được hiểu là vẫn nộp theo bảng giá đất. Tới Nghị định 69/2009 thì thêm một trường hợp nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường là Nhà nước cho thuê đất. Những trường hợp không được đề cập được hiểu là nộp theo bảng giá đất.

“Trước Nghị định 120/2010, đã có nhiều quy định về giá đất tính thu tiền sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân đối với phần trong và ngoài hạn mức. Nhưng các quy định này chưa thống nhất theo một hệ thống nhất định. Do đó Bộ Tài chính chỉ dựa vào một Nghị định 84/2007 để quy định trường hợp nộp đủ hồ sơ sau ngày 1-1-2005 phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường là chưa phù hợp” - Sở Tài chính TP phân tích.

Hơn 4.500 trường hợp chờ hướng dẫn

Theo báo cáo của Cục Thuế TP.HCM, hiện có 4.569 trường hợp đã nộp đủ hồ sơ hợp lệ trước ngày 1-3-2011 chưa được hướng dẫn cụ thể về giá đất tính thu tiền sử dụng đất cho phần diện tích vượt hạn mức đất ở. Năm 2010, TP đã báo cáo, xin ý kiến về vướng mắc này. Tuy nhiên, Công văn 1173/2010 của Thủ tướng chỉ mới có ý kiến với phần diện tích trong hạn mức, còn phần ngoài hạn mức chưa đề cập tới. Sau đó thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu TP thực hiện theo Nghị định 84/2007 như đã nói trên.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TP