“Tiên đoán” tương lai, PGS-TS. Trần Đình Thiên nói rằng, Việt Nam sẽ có sự phát triển “bùng nổ” nhưng phải làm sao để không biến sự bùng nổ thành bong bóng đầu cơ.
Kinh tế thế giới đang được dự báo tăng trưởng chậm lại, nhưng TS. Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam đi ngược lại xu hướng đó. Trên đà phục hồi 2 năm qua, kinh tế Việt Nam “sẽ bùng nổ trong thời gian ngắn” với những cam kết quốc tế đẳng cấp cao. Thế nhưng Việt Nam chưa ra khỏi giai đoạn khó khăn, DN khó khăn, ngân sách căng thẳng. Trong khó khăn đó có vấn đề của thị trường BĐS.
Nhìn lại, Việt Nam đã có thời kỳ dài kinh tế tăng trưởng cao và trở thành một ấn tượng tăng trưởng của thế giới. Nhưng đó là tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư, vốn tín dụng… Có lúc BĐS bùng lên rất mạnh làm nảy sinh ấn tượng nền kinh tế Việt Nam phát triển ngoạn mục… nhưng bong bóng đó đã vỡ quá nhanh.
Và 5 năm vừa qua là 5 năm khó khăn nhất của Việt Nam kể từ khi đổi mới đến nay. Lúc thì lạm phát cao vọt, vĩ mô bất ổn, khi thì kinh tế suy giảm… dẫn đến rủi ro, suy thoái…
Các NĐT Nhật Bản sẵn sàng tham gia vào thị trường BĐS của Việt Nam
|
Những năm đầu đổi mới, Việt Nam xác định công thức phát triển là công nghiệp hóa theo phương thức cổ điển là phát triển công nghiệp nặng. Rồi Việt Nam cũng đã kịp xác định lại công thức phát triển là công nghiệp hóa hiện đại hóa với công nghiệp hiện đại công nghệ cao và phát triển đô thị hiện đại. Thế nhưng hiện đại hóa chưa thực sự được chú trọng phát triển nên đô thị đang chịu áp lực “cực kỳ lớn”, áp lực cả về quy mô đô thị lẫn áp lực dân dồn về đô thị ngày một đông.
“Triển vọng và cách tiếp cận của Việt Nam trong giai đoạn mới cũng phải thay đổi. Làm sao biến thách thức hội nhập thành cơ hội, làm sao đón nhận được cơ hội mà hội nhập và các cam kết quốc tế đẳng cấp cao đó mang lại - đó là bài toán khó”, ông Thiên nói. Nhưng vấn đề của sự thay đổi là vấn đề về tài chính.
Vậy cơ chế nào tài trợ cho phát triển mà giảm rủi ro là vấn đề mà hiện Việt Nam phải xử lý? Hai, ba năm qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở, nhưng cho đến bây giờ vẫn xa kỳ vọng. Cả bài toán BĐS lẫn nhà ở xã hội vẫn chưa được giải quyết. Làm sao để phát triển bùng nổ nhưng không sinh ra làn sóng đầu cơ, không tạo ra bong bóng BĐS mới - ông Thiên nói.
Phát triển nhà ở, giúp người dân mua được nhà không chỉ là giải quyết nhà ở cho người dân, giải quyết được vấn đề của thị trường BĐS mà hơn 2 năm nay Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực giải quyết. Khi cung nhà ở không thiếu cũng có nghĩa đầu cơ ít cơ hội. Phát triển nhà ở còn thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất, điện lạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Nhưng phần lớn người mua nhà nếu không đi vay sẽ không mua nổi nhà. Phần lớn người mua nhà sẽ chỉ vay được khi lãi suất thấp thời gian dài. Trong khi nguồn vốn huy động của các NHTM Việt Nam chủ yếu là vốn ngắn hạn nên chính các NHTM cũng sẽ phải đối diện với rủi ro lãi suất.
Dường như phía Nhật Bản cũng đã sẵn sàng tham gia vào thị trường nhà ở của Việt Nam cùng các ngân hàng Việt Nam.
Các kinh nghiệm đầu tư, cho vay phát triển nhà ở đã được chia sẻ. Và điều quan trọng nhất để NHTM mở rộng cho vay nhà ở thì phải có hệ thống dữ liệu về thị trường nhà ở. Nhưng ít nhất phải sau 15 năm mới hình thành được hệ thống dữ liệu này.
Ông Yassuo Matsuyama, Tổng giám đốc Ngân hàng Tokyo - Mitsubishi ở Hà Nội ví von: phát triển nhà ở cũng như dàn nhạc giao hưởng vậy, sẽ thành công, sẽ đưa ra được những tác phẩm hay nếu có sự phối hợp của các ngành vật liệu xây dựng, các công ty kiến trúc, quy hoạch phát triển đô thị, ngân hàng, nhà đầu tư… dưới sự chỉ đạo và điều hành của nhạc trưởng Chính phủ”. Jica và các đối tác Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng