Cưỡng chế một công trình trái phép (Ảnh: ANTĐ) |
Liệu lãnh đạo thành phố có thể yên tâm với báo cáo của Sở Xây dựng về trật tự xây dựng để “ăn ngon, ngủ yên” là hoài nghi của Phó Chủ tịch TP, Phí Thái Bình. Lý giải cho hoài nghi này, ông đã chỉ ra nhiều thực tiễn “chưa đẹp”.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình mô tả thực tiễn ông từng tận mắt chứng kiến tại các vùng nông thôn, phế thải vương vãi, vật liệu xây dựng ngổn ngang theo kiểu “đường ai cứ đi, nhà ta cứ làm”. Thậm chí ngay giữa Hà Nội, các công trình xây dựng rào chắn bay phấp phới, nước chảy lênh láng… Cũng theo Phó Chủ tịch thành phố, ông đã có dịp đi Nhật Bản, chứng kiến các công trình xây dựng đều ngăn nắp, qui trình đều chuẩn. Nhưng ở Hà Nội, ngay cả các công trình do nhà thầu Nhật thực hiện như nút giao Kim Liên cũng vẫn ngổn ngang. Ông Bình ví von: dường như ở đây không có hình dáng gì của nhà thầu Nhật mà đã “Việt Nam hóa”!
Tại một số địa phương, đi qua nhiều xã đều thấy những bãi rác lớn nằm ngay sát mặt đường. Khi gọi điện cho Bí thư, Chủ tịch huyện liền nhận được lý giải là địa phương không có bãi rác.
Về công trình sai phép, không phép, báo cáo của Sở Xây dựng cho rằng đã giảm hơn năm trước, nhưng thực tiễn theo ông Bình, lãnh đạo các quận, huyện đang đau đầu với các dự án, công trình. Vì thế, Phó Chủ tịch thành phố đặt vấn đề, liệu lãnh đạo thành phố có thể yên tâm với báo cáo để ăn ngon, ngủ yên.
Cầm tờ báo trên tay, vị Phó Chủ tịch thành phố thẳng thắn chỉ ra những vụ việc nổi cộm báo chí phản ảnh. Đơn cử như huyện Từ Liêm, một dự án lớn “thản nhiên” mọc lên trên cánh đồng. Sau khi báo chí phản ảnh, lãnh đạo huyện đã phải báo cáo lên thành phố.
Theo ông Bình, lẽ ra chủ tịch huyện có thể “hét ra lửa”, có thể đủ thẩm quyền để giải quyết những việc đó, chứ không cần phải báo cáo lên thành phố.
Trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội phát hiện 1.233 trường hợp xây không phép, 174 sai phép. Các địa phương có nhiều công trình không phép, sai phép nhất là Từ Liêm (329 công trình), Tây Hồ (204 công trình), Sơn Tây (168 công trình)…
Chủ tịch huyện Từ Liêm, Nguyễn Cao Trí “né” việc nói về dự án trên mà chỉ đề cập vấn đề xử phạt các công trình sai phép, không phép tại cơ sở đang rất căng thẳng. Theo ông Trí, biện pháp cắt điện, nước với công trình rất có hiệu quả, nhưng để thực hiện, người của chi nhánh điện phải có công an đi cùng mới thực hiện được.
Một vấn đề nữa, chủ của các công trình sai phạm nhiều khi là con cháu của lãnh đạo xã hoặc cũng là người trong làng nên việc xử lý, nhất là cưỡng chế, rất khó, sức ép rất lớn. Ông Trí đề nghị, thành phố phải thành lập đội cơ động, khi quận huyện có những điểm cứng rắn, thành phố cử đội quân này xuống đảm nhận.
Lãnh đạo quận Hoàng Mai đề cập thực trạng, nhiều dự án trên địa bàn quận chậm nhiều năm hoặc có những dự án đã có quy hoạch 1/500 nhưng nhiều năm vẫn không được chủ đầu tư tiến hành và người dân đã tự tiện xây nhà. Cũng tại quận này, việc san lấp đất nông nghiệp làm nhà cho thuê đã diễn ra rất nhiều trong thời gian qua.
Về đổ chất phế thải trộm, vị lãnh đạo quận này cho rằng, lực lượng chức năng ít được bảo vệ và thực tế có những trường hợp bị xe đổ trộm lao thẳng vào người. Đáng nói, để giải quyết những đống phế thải, chế độ thanh toán cho Cty vệ sinh môi trường có thể lên đến vài chục triệu.
Chủ tịch huyện Từ Liêm, Nguyễn Cao Trí cho rằng, không thể cử lực lượng đi canh mãi hành vi đổ phế thải trộm được. “Nếu không có chế tài mạnh hơn, chúng ta cứ đánh đu với người vi phạm”, ông Trí lý luận.
Ông Trí đề nghị, thành phố kiến nghị lên trên để có thể thực hiện biện pháp thu giữ xe với những xe vi phạm rồi hóa giá làm quỹ cho người nghèo. Theo vị chủ tịch huyện này, chỉ cần làm 1- 2 vụ như thế, không lái xe nào dám đổ trộm phế thải.
Phó Chủ tịch TP Phí Thái Bình chia sẻ, phải xử mạnh một số trường hợp đổ phế thải trộm để cứu hàng vạn người người chịu khổ về vấn đề này. Với các trường hợp nhà không phép, sai phép, theo ông Bình, phải phân rõ trách nhiệm xuống phường, xã. Nếu địa phương khó khăn trong việc xử lý có thể báo cáo thành phố huy động lực lượng giải quyết.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí